Tim Cook và Steve Jobs (Nguồn: Reuters) |
Câu chuyện gần như thần thoại của Apple với 13 năm tăng trưởng liên tiếp cuối cùng cũng đã đến hồi kết . Nhà sản xuất iPhone vừa chứng kiến một quý doanh thu lẫn doanh số đều sụt giảm. Sự hạn chế trong việc phát triển dựa trên phần cứng đã rõ ràng, công ty đang phải đối mặt với nhiệm vụ định hướng lại ưu tiên, mà chắc chắn những ưu tiên mới này sẽ hướng tới phần mềm và dịch vụ.
Tính toán các yếu tố về quy đổi ngoại tệ, doanh thu của Apple thực chất vẫn tăng 1% trong vòng 6 tháng trở lại đây, CEO Tim Cook đã cố vớt vát lấy thực tế này trong buổi họp báo cáo vừa rồi.
Thời làm ăn tốt hơn, Apple chẳng bao giờ phải lấy yêu tố môi trường bên ngoài để làm cái cớ cho những thành công mình đạt được. Thế nhưng giờ đây, trong lúc khó khăn, công ty lại đổ lỗi cho những thứ như “kinh tế vi mô”, “tỉ giá hối đoái không thuận lợi”...
Thời kỳ tăng trưởng dựa vào phần cứng đã qua
Sự tăng trưởng 2 con số trong doanh số iPhone từng bị coi là một điều đương nhiên. Vì thế nên có lẽ, lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi ra đời, việc doanh số iPhone giảm sẽ khiến nhiều người hoang mang. Không chỉ có iPhone, doanh số iPad vẫn tiếp tục trượt dốc và xu hướng này đã kéo dài trong suốt hơn 2 năm trở lại đây. Những chiếc máy Mac cũng chứng kiến sự sa sút trong doanh số suốt 2 quý liên tiếp.
iPhone SE, chiếc điện thoại màn hình nhỏ và là niềm hy vọng của Apple, dù có khởi đầu khá suôn sẻ thế nhưng gã khổng lồ Cupertino vẫn dự kiến sẽ phải chứng kiến thêm một quý lợi nhuận sụt giảm nữa ngay tại quý này, với con số ước tính khoảng 13-17% so với cùng kỳ năm ngoái. Cố gắng cứu chữa tình hình bằng một chiếc điện thoại màn hình nhỏ là tất cả những gì Apple làm được cho đến thời điểm này.
Thêm một chiếc điện thoại iPhone phiên bản mới nữa ra đời trong mùa thu năm nay có thể khuấy đảo thị trường và thổi một luồng sinh khí mới cho tình hình khá ảm đạm của công ty. Thế nhưng về lâu về dài, sự nhiệt tình của người tiêu dùng với các sản phẩm phần cứng chắc chắn sẽ còn phai nhạt hơn nữa.
Một số người đặt hy vọng vào Apple Watch, nhưng tiếc là thiết bị này lại chẳng được đón nhận nồng nhiệt như kỳ vọng và cũng không thể tạo nên sự tương xứng giữa giá cả và số lượng ứng dụng. Apple đã bán được 12 triệu chiếc đồng hồ trong năm đầu tiên, tức là gấp đôi số lượng iPhone bán được trong năm đầu ra mắt. Thế nhưng thị phần lớn nhất của mảng thiết bị đeo đang thuộc về một đối thủ khác cũng đến từ Mỹ, Fibit. Fibit đã chứng tỏ được rằng mình là một sản phẩm đeo có giá cả phải chăng hơn và cũng chẳng cần nhiều tính năng đến vậy. Trong mùa nghỉ lễ năm 2015, số lượng thiết bị đeo Fibit bán ra gấp đôi so với số lượng Apple Watch bán được.
Con đường “mềm” phía trước
Tương lai của Apple chẳng vì thế mà tăm tối. Một tỷ thiết bị của táo khuyết đang hoạt động trên khắp hành tinh. Điều này có nghĩa là Apple hoàn toàn có thể khai thác triệt để lợi thế trong lĩnh vực nội dung và dịch vụ, chẳng hạn như âm nhạc, phần mềm... Đây sẽ vẫn là những con “gà đẻ trứng vàng” cho công ty. Trên thực tế, mảng kinh doanh này đã vượt qua cả mảng PC trong quý 1/2016 để trở thành mảng kinh doanh có doanh số lớn thứ 2 của Apple, và còn đem về tỉ suất lợi nhuận hơn cả mảng phần cứng.
Thậm chí ngay khi doanh số thiết bị của Apple còn đang chao đảo, App Store đã lập doanh thu kỷ lục, đánh bại cả đối thủ hàng đầu là Google với tỉ số 2-1. Theo CEO Tim Cook, dịch vụ âm nhạc của Apple hiện là một cú “hit” doanh thu. Dịch vụ stream nhạc trực tuyến này mới chỉ được giới thiệu năm ngoái nhưng đã có tới hơn 13 triệu người đăng ký có trả tiền. Cùng lúc đó, dịch vụ lưu trữ đám mây iCloud và nền tảng thanh toán Apple Pay vẫn đang phát triển nhanh chóng.
Rõ ràng là thành công của Apple sau thời đại của Jobs sẽ phụ thuộc vào mảng dịch vụ và phần mềm. Dù như vậy, người tiêu dùng vẫn kỳ vọng rằng Apple sẽ làm họ ngạc nhiên. Nhiều nguồn tin cho hay công ty này đang tìm kiếm cơ hội để nhảy sang mảng xe điện. Trong buổi họp với các cổ đông hồi tháng 2, Tim Cook cũng tiết lộ rằng điều này sẽ cần thời gian.
Các hãng sản xuất linh phụ kiện cũng bị chao đảo theo
Sự sụt giảm về doanh số iPhone này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều công ty khác, đặc biệt là những công ty phân phối linh, phụ kiện cho Apple, trong đó có thể kể đến Sharp, Japan Display và chắc chắn là nhiều đối tác Đài Loan khác như Foxconn hay Pengatron.
Các nhà phân tích thậm chí còn đưa ra những nghi ngờ về khả năng làm thay đổi cục diện của chiếc iPhone 7 trong mùa thu năm nay. Sự sụt giảm trong doanh số trên phân khúc cao cấp khiến các nhà sản xuất linh kiện phải cân nhắc nghiêm túc về việc có nên tham gia vào những mảng kinh doanh mới như xe tự lái hay thiết bị đeo hay không.