Quay lại 'lối cũ'?

GD&TĐ - Có nên khôi phục nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp ở các cơ sở giáo dục đại học?

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Câu hỏi trên liên quan đến đề xuất của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét khôi phục nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp ở các cơ sở giáo dục đại học.

Thẳng thắn mà nói, trình độ cao đẳng xuất hiện bởi nhu cầu thực tiễn và từng được Bộ GD&ĐT nghiên cứu, dẫn dắt theo chuẩn mực quốc tế. Qua đó, góp phần hoàn thiện bậc đại học với 4 trình độ: Cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy nhiên, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã bãi bỏ trình độ cao đẳng khỏi bậc đại học. Giáo dục đại học chỉ còn đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Tại Nghị quyết 76 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016, Chính phủ thống nhất giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước về các trường sư phạm.

Tháng 10/2016, Chính phủ có quyết định phê duyệt khung trình độ quốc gia bao gồm 8 bậc. Quyết định này nêu rõ, Bộ GD&ĐT chủ trì quản lý, thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục đại học. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì quản lý, thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp gồm cao đẳng, trung cấp, sơ cấp.

Thực tế, việc bãi bỏ trình độ cao đẳng khỏi bậc đại học khiến nhiều hội viên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Hiệp hội) và nhiều người quan tâm đến giáo dục đại học không đồng tình. Do đó, tại Công văn số 30/HH-NC&PTCS, ngày 15/5/2023, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho khôi phục lại nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng cho các cơ sở giáo dục đại học. Hiệp hội cũng kiến nghị cho các trường cao đẳng được lựa chọn mô hình đào tạo chuyên nghiệp hoặc nghề nhưng đều thuộc Bộ GD&ĐT quản lý, để không bị “mất tính hệ thống và có những điểm nghẽn trong liên thông”.

Đề xuất trên nhận được nhiều ý kiến với góc nhìn khác nhau của các chuyên gia, nhà khoa học. Có ý kiến cho rằng, nên ổn định như hiện tại, không khôi phục nhiệm vụ đào tạo cao đẳng cho đại học. Việc này cũng nhằm tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh giữa các trường cao đẳng. Theo đó, trường nào không tuyển sinh được hoặc đào tạo kém chất lượng thì nên giải thể.

Chúng ta không nên quay lại “lối cũ”, để tránh lặp những bất cập từng xảy ra. Ngoài ra, việc cho các trường cao đẳng lựa chọn mô hình cao đẳng nghề hay chuyên nghiệp sẽ gây rối cho người học. Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, đề xuất của Hiệp hội không phải không có lý. Bởi sự chia cắt trong quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp ít nhiều gây ra khó khăn, hệ lụy đối với chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

Nói như một số chuyên gia thì việc hai bộ cùng quản lý giáo dục không phù hợp với lý luận và thực tiễn. Do đó, cần đưa về một đầu mối, mỗi bộ thực hiện một chức năng chính, không chồng chéo. Ngoài ra, việc thống nhất đầu mối quản lý cũng dễ ràng buộc trách nhiệm trong đào tạo nhân lực. Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng giáo dục đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động.

Thực tế, vấn đề quản lý hệ thống trường cao đẳng không chỉ liên quan đến Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mà còn liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành và nhiều phía khác nhau. Thứ nữa, trong luật đã thể hiện rõ hệ thống trường cao đẳng thuộc bộ nào quản lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.