Cơn sốt đất giữa mùa Covid
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, cả nước có ít nhất 1,3 triệu người bị đẩy vào cảnh mất việc hoàn toàn. Sang quý I/2021, do ảnh hưởng tiêu cực từ làn sóng Covid-19 thứ 3, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm lên đến 2,42%.
Theo NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội: Đại dịch Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay, đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, nó đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, đẩy thế giới và nhiều nước rơi vào khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Một số quốc gia rơi vào suy thoái nghiêm trọng, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm mạnh.
Tốc độ lây lan chóng mặt của Covid-19 đã buộc các quốc gia phải áp đặt các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để chống dịch. Điều này đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến tất cả các khâu của quá trình sản xuất - phân phối - trao đổi - tiêu dùng vốn được liên kết trên cấp độ thế giới rơi vào tình trạng tê liệt. Thương mại toàn cầu đình trệ, làn sóng doanh nghiệp phá sản lan khắp thế giới. Tăng trưởng GDP đã giảm xuống mức thấp kỷ lục ở nhiều nền kinh tế.
Theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra những khó khăn cho thị trường bất động sản, nhưng giá bán nhà đất không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Trên thực tế, trong 3 tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương đã xảy ra những “cơn bão” sốt đất với mức tăng tới vài chục phần trăm, thậm chí vài trăm phần trăm.
Một số chuyên gia bất động sản nhận định, trong bức tranh u ám về tình trạng việc làm thời Covid, bất động sản nổi lên như một trong những mảng sáng sau nhiều năm “đóng băng”. Thị trường giao dịch sôi động ở nửa đầu năm 2020 khi dịch bệnh mới bùng phát nhưng đã nhanh chóng lấy lại đà phục hồi từ quý III/2020 vì nhà ở vẫn là nhu cầu thiết yếu trong khi nguồn cung lại thiếu hụt nghiêm trọng.
Thậm chí đến năm 2021 sẽ bền vững hơn năm 2020, vì kinh tế tăng trưởng, nhu cầu ở mảng này vẫn rất cao. Thậm chí, giá bất động sản năm 2021 có thể tăng trên 10% so với năm 2020. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm kỷ lục, giá vàng lên xuống thất thường thì bất động sản vẫn là kênh hút các dòng vốn đầu tư mạnh nhất. Đó là lý do vì sao môi giới bất động sản trở thành nghề “lên ngôi” tưởng chừng như “hốt bạc”.
Giải mã “cơn sốt”
Theo bà Hoàng Kim Ngọc – cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hòa (Hà Nội): Từ cuối năm 2020, đất ven đô tăng nhanh chỉ trong thời gian rất ngắn. Ngày hôm trước không mua, ngày hôm sau hàng đã lọt vào tay người khác. Ngày hôm nay không mua ngay với mức giá 20 triệu/m2 thì ngày mai, mức giá có thể lên tới 25 triệu/m2.
Theo khảo sát đất tại khu vực thị trấn Vân Đình, mặc dù chưa có thông tin cụ thể nào về các dự án mới nhưng đất ở đây cũng đang trong tình trạng “sốt nóng”. Một số người dân tiết lộ, họ không dám bán để đợi thêm thời gian cho giá đất tiếp tục lên. Ở khu vực này cũng liên tục có những đợt đấu giá, giao dịch như không hề ảnh hưởng bởi “con virus”.
Cũng theo bà Ngọc, nhiều người “lướt sóng” khá tốt, thu lời hàng trăm triệu đồng chỉ chưa đầy 2 tuần lễ. Người người mua đất, nhà nhà kiếm lời từ đất khiến thị trường sôi động mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Minh Hưng – Giám đốc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho biết: Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến “cơn bão” sốt đất chưa từng thấy tại rất nhiều địa phương. Không chỉ các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM mà những khu vực như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… cũng đều xuất hiện “cơn sốt” cục bộ.
Trong bối cảnh “cơn bão” sốt đất lan rộng tại nhiều địa phương trên cả nước, một bộ phận nhà đầu tư nhạy bén, am hiểu thị trường đang tìm đến những dự án đáp ứng nhu cầu ở thực và có khả năng sinh lời cao.
Một số nơi như Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… cũng có giá đất tăng cao. Thế nhưng, trong cơn sốt đất quay cuồng, người kiếm lời tiền trăm, tiền tỷ để truyền tai nhau nhiều lần nhưng với những người chôn vốn vẫn chưa thấy tiền đâu.
Theo nhận định của ông Trần Văn Thái – người theo đuổi lĩnh vực bất động sản hơn 10 năm, khi nhiều nhà đầu tư cùng lúc nhảy vào, dòng tiền liên tục đổ vào bất động sản sẽ tạo nên một thị trường ảo, dễ xảy ra khủng hoảng. Do vậy, đầu tư bất động sản giai đoạn này không dành cho nhà đầu tư “ăn xổi” mà dành cho nhà đầu tư thông minh, nhạy bén, am hiểu thị trường. Những nhà đầu tư bất động sản sành sỏi sẽ luôn biết nắm bắt tốt cơ hội, đa dạng hóa nguồn thu nhập, gia tăng giá trị tài sản.
Ông Trần Quân – Phó Trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng chia sẻ: Trên thực tế, thị trường bất động sản sôi động nhờ lực đẩy cộng hưởng từ nhiều yếu tố như: Tiền gửi rẻ do lãi suất rất thấp (khoảng 3,5 - 5% tùy kỳ hạn). Trong khi đó, đông đảo nhà đầu tư tham gia thị trường đất nếu có được thông tin quy hoạch tung ra ồ ạt đều “nhao” vào… từ đó gây ra những “cơn sốt” tại một số địa phương.
Đáng chú ý là “cơn sốt” ăn theo thông tin hạ tầng, bởi trong khi có những nơi giá đất tăng dựa trên nhu cầu và tiềm năng thì cũng có nơi giá bị thổi lên với những tin đồn và có thể tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản.
Ông Trần Quân cho rằng, nhà đầu tư cần “xuống tay” một cách thông minh, cần tỉnh táo và cẩn trọng trước thông tin chốt lời tiền tỷ dễ dàng của môi giới. Bởi nếu không, khả năng chôn vốn kéo dài nhiều năm là điều khó tránh khỏi. Cơn sốt đất sẽ diễn ra ở một số địa phương, vì vậy cần có được nguồn tin chính thống, tìm hiểu kỹ trước khi giao dịch, tránh tình trạng đóng băng nguồn tiền vào đất.