Quảng Trị: Tình yêu thương không có chỗ cho bạo lực

GD&TĐ - Ngày 24/3, sân chơi dành cho trẻ em đã được tổ chức tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị) với thông điệp “Tình yêu thương không có chỗ cho bạo lực”. 

Các em học sinh đang cùng nhau vẽ nên một bức tranh kêu gọi sự chung tay của các cá nhân, tổ chức lên tiếng bảo vệ, che chở trẻ em trước mối nguy hiểm của xã hội.
Các em học sinh đang cùng nhau vẽ nên một bức tranh kêu gọi sự chung tay của các cá nhân, tổ chức lên tiếng bảo vệ, che chở trẻ em trước mối nguy hiểm của xã hội.

Đây là hoạt động nhằm tôn vinh quyền trẻ em và tạo cơ hội cho trẻ em và người thân trong gia đình, giúp trẻ có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, thực hành kỹ năng sống, vui chơi lành mạnh thiết thực nhằm đẩy mạnh các phong trào hoạt động sôi nổi của trẻ em…

Sân chơi này do Tổ chức Tầm Nhìn Thế Giới – Chương trình vùng Hải Lăng phối hợp Phòng GD&ĐT huyện Hải Lăng (Quảng Trị) tổ chức. Đây là chương trình truyền thông lồng ghép với chủ đề “Ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực thân thể đối với trẻ em”.

Chương trình được tổ chức tại 20 trường mầm non, tiểu học, THCS và 7 câu lạc bộ TTN với hơn 5.000 trẻ cùng tham gia tìm hiểu các nội dung về bạo lực thân thể đối với trẻ em, tác hại và kiến thức, kỹ năng cần có để hành động bảo vệ bản thân mình và bạn bè khỏi bạo lực thân thể.

Mục đích của chương trình khi tổ chức sân chơi này nhằm kêu gọi các cấp, các ngành cùng tham gia Sáng kiến toàn cầu 5 năm của Tổ chức Tầm nhìn thế giới về chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học giai đoạn tháng 10/2017 đến tháng 9/2022.

Theo điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ năm 2014 (MICS 2014) cho thấy bạo lực thân thể xảy ra ở cả môi trường gia đình và trường học tại Việt Nam. Có khoảng 68,4% trẻ em từ 1-14 tuổi chịu ít nhất một loại hình trừng phạt tinh thần hoặc thể chất từ thành viên trong gia đình.

Tại sân chơi này, trẻ em được vui chơi với các hoạt động thể thao, các cuộc thi trí tuệ của cá nhân và tập thể giữa các trường tạo nên một hoạt động bổ ích cho các em học sinh.

Bên bạn bè, gia đình, các em có thể "phô diễn" những tài năng của mình đồng thời phối hợp trình bày những tiểu phẩm nói lên khát vọng, mong mõi của các em trong cuộc sống hiện tại…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ