Ồ ạt nhập lò đốt rác cỡ nhỏ: Hiểm họa khôn lường

Thời gian qua, ở nhiều tỉnh như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang ồ ạt mua lò đốt rác thải cỡ nhỏ để xử lý rác thải sinh hoạt ở địa phương. 

Lò đốt rác thải cỡ nhỏ được đầu tư tại xã Tam Hồng (Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Theo chuyên gia, nếu không loại bỏ đồ nhựa, khi đốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát thải khí độc vào môi trường. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Lò đốt rác thải cỡ nhỏ được đầu tư tại xã Tam Hồng (Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Theo chuyên gia, nếu không loại bỏ đồ nhựa, khi đốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát thải khí độc vào môi trường. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Các chuyên gia môi trường cảnh báo, giải pháp này tuy đạt được lợi ích trước mắt nhưng sẽ để lại hậu quả khôn lường. Nhiều quốc gia như Bỉ, Nhật Bản đã phải trả giá đắt.

Công nghệ lò đốt được coi là không thân thiện với môi trường, không được sử dụng ở nhiều nước châu Âu. Tại Việt Nam, việc khuyến khích, ưu tiên sử dụng công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường được quy định ở Nghị định 38/2015/NĐ- CP về quản lý chất thải và phế liệu. Thế nhưng đi ngược lại với xu hướng này, hàng loạt tỉnh, thành đầu tư hàng chục tỷ đồng, ồ ạt sắm công nghệ lò đốt.

Một huyện 8 lò đốt

Năm 2013, thực hiện Đề tài mô hình thu gom và xử lý rác thải nông thôn ở Vĩnh Phúc, Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc đầu tư lắp đặt một lò đốt rác thải cỡ nhỏ NF105 trị giá 2,25 tỷ đồng tại xã Tam Hồng (Yên Lạc). 

Đây là lò đốt rác bằng không khí tự nhiên, sản xuất tại Thái Lan. Lò có kích thước rất nhỏ 1,45x2,65x2m, công suất 120-450 kg rác/h, hoạt động 24/24h. Theo ông Đỗ Văn Khang - Chủ tịch UBND xã Tam Hồng, lò đốt này xử lý rác thải sinh hoạt của 9/13 thôn của xã Tam Hồng.

Từ một lò đốt rác thải ban đầu, sau 2 năm, huyện Yên Lạc đã được tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư thêm 7 lò đốt rác thải cỡ nhỏ, nâng tổng số lò đốt rác thải cỡ nhỏ trên địa bàn huyện là 8. 

Ông Nguyễn Chí Thiết - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Lạc - cho biết: Trong số 8 lò đốt rác thải cỡ nhỏ trên địa bàn huyện, 5 lò đốt đang hoạt động, 3 lò đốt chuẩn bị đưa vào sử dụng. 

Địa phương này đang phấn đấu tiến tới toàn bộ 17 xã trên địa bàn huyện đều được đầu tư lò đốt rác thải cỡ nhỏ. Chi phí mua lò đốt rác thải được UBND tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư. 

Việc xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ đốt rác thải do UBND huyện Yên Lạc chi trả, ước tính chi phí ban đầu cho mỗi lò đốt rác thải chừng 3 tỷ đồng.

Không chỉ tại Yên Lạc, nhiều huyện khác trên địa bàn Vĩnh Phúc cũng đang được đầu tư lò đốt rác thải cỡ nhỏ như Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo. 

Ông Nguyễn Thành Yên - Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường) cho hay: Tại Việt Nam đang có xu hướng đầu tư đại trà lò đốt chất thải sinh hoạt ở tuyến huyện, xã.

Nhiều tỉnh như Thái Bình cũng đầu tư lò đốt cỡ nhỏ tại thị trấn Thanh Nê, Tiền Hải, Vũ Thư; Nam Định đầu tư tại huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy. 

Theo ông Yên, đây cũng là một giải pháp tình thế, góp phần giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt trên địa bàn, đặc biệt đối với khu vực nông thôn. Tuy nhiên, về mặt khoa học, cách làm như vừa qua cần xem xét lại cho thấu đáo.

Ồ ạt nhập lò đốt rác cỡ nhỏ: Hiểm họa khôn lường - ảnh 2

Nguy cơ ô nhiễm dioxin

Nói về nguy cơ ô nhiễm môi trường từ lò đốt rác thải, TS Trần Thế Loãn - Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) dẫn ví dụ ở Bỉ. 

Cách đây hơn 20 năm, Bỉ phát hiện ra hàm lượng dioxin cao bất thường trong sữa mẹ. Nguyên nhân được kết luận là do việc sử dụng hàng loạt lò đốt rác thải cỡ nhỏ.

Theo TS Loãn, công nghệ đốt nếu áp dụng đúng quy trình cũng khống chế được yếu tố nguy hại. Nhiệt độ của lò đốt phải đạt trên 1.000 độ C, nhưng điều này thường không được chú ý, tuân thủ. 

Phải phân loại rác thải trước khi đốt, kể cả lò công nghiệp hay lò đốt cỡ lớn. Một số loại rác chứa kim loại nặng như thủy ngân, chất dẻo có chứa clo làm từ PVC có khả năng sinh ra dioxin. 

Phải xử lý tốt khí thải, đầu tiên phải dập bụi, hạ nhanh nhiệt độ, vì khi ở giai đoạn từ 400-600 độ dễ tạo thành dioxin. Nếu quá trình giảm nhiệt độ (từ trên 600 độ xuống dưới 400 độ) xảy ra nhanh, nguy cơ tạo thành dioxin sẽ giảm đáng kể.

Ngoài ra, dây chuyền lò đốt phải có sử dụng tháp chứa các chất hấp phụ (như than hoạt tính) để hấp phụ các chất độc hại có trong khí thải, trước khi thải ra môi trường. 

Tuy nhiên do hạn chế vốn đầu tư, các lò đốt cỡ nhỏ cùng lắm bố trí được khoang dập bụi, việc hạ nhiệt độ không kiểm soát được tốt, không có bộ phận hấp phụ nên nguy cơ phát thải dioxin cao.

Ông Nguyễn Thành Yên cho rằng, cần xem xét lại việc đầu tư ồ ạt lò đốt rác thải cỡ nhỏ do việc xử lý phân tán và khó kiểm soát việc phát thải ô nhiễm thứ cấp vào môi trường không khí. 

Xu hướng trên thế giới bắt đầu coi lò đốt là công nghệ đã lỗi thời, nhiều nước không khuyến khích, thậm chí cấm sử dụng lò đốt, đặc biệt lò đốt quy mô nhỏ.

“Các chuyên gia Nhật có chia sẻ kinh nghiệm là nước Nhật cách đây nhiều năm cũng đi theo mô hình này, họ đã lắp hàng nghìn lò đốt chất thải sinh hoạt cỡ nhỏ, nhiều lò nằm trong hoặc gần khu dân cư và sau đó đã mất rất nhiều năm để tìm giải pháp giải quyết hậu quả của việc đầu tư tràn lan này”, ông Yên cảnh báo.

Nguy cơ Việt Nam thành bãi thải công nghệ (?)

Ông Nguyễn Thành Yên nói: Xu hướng quốc tế chuyển sang công nghệ không đốt dẫn đến việc các nhà sản xuất nước ngoài tìm cách chuyển công nghệ đốt sang Việt Nam. 

Ví dụ, khi hạn chế đốt chất thải y tế tại châu Âu, Bỉ đã tài trợ cho Việt Nam hơn 60 lò đốt chất thải y tế vào những năm cuối thế kỷ 20, có lẽ để dọn đường cho việc tiếp thị lò đốt Bỉ vào Việt Nam. 

Bộ KHCN&MT (lúc đó) đánh giá hầu hết đều không bảo đảm yêu cầu môi trường do không có hệ thống xử lý khí thải. Việc các lò đốt Nhật Bản liên tục được tiếp thị vào Việt Nam thời gian gần đây, liệu có liên quan đến xu hướng hạn chế đốt chất thải rắn sinh hoạt tại Nhật theo trao đổi của các chuyên gia Nhật?

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.