Khắc phục thiếu thốn về cơ sở vật chất
Trường Tiểu học và THCS A Dơi (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đóng ở địa bàn khó khăn, với đa số học sinh con em đồng bào Vân Kiều, Pa Kô theo học. Bước vào năm học mới, dù đối diện với không ít khó khăn, thiếu hụt về cơ sở vật chất, nhưng thầy và trò nơi đây đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng.
Thầy giáo Hồ Sỹ Chẩm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Dơi nói rằng, cơ sở vật chất luôn là “bài toán” hóc búa đối với giáo dục miền núi. Trước ngày khai giảng, nhà trường cũng đối mặt với tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Năm học này, môn Tin học và tiếng Anh trở thành những môn học bắt buộc trong chương trình nên nhiều trường miền núi gặp khó khăn.
“Để triển khai Chương trình GDPT 2018, trước mắt nhà trường cố gắng đảm bảo nguồn tài liệu giảng dạy. Trong khi cơ sở vật chất còn thiếu, nhà trường đã lên phương án dạy 7 buổi/tuần, bố trí 3 lớp sử dụng chung 2 phòng học. Bên cạnh đó, nhà trường đã tham mưu với địa phương, Phòng GD&ĐT để đề xuất cấp trên quan tâm đầu tư, đảm bảo việc dạy học. Năm học 2022-2023, nhà trường cố gắng, nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học cao hơn năm trước”, thầy Chẩm cho hay.
Học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT)– Tiểu học và THCS Hướng Lập trong ngày tựu trường. |
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT)– Tiểu học và THCS Hướng Lập đóng ở địa bàn vùng biên giới, được xem là một trong những địa bàn xa nhất của huyện Hướng Hóa.
Trường có hơn 355 học sinh với 8 điểm trường; trong đó, có hơn 220 học sinh cấp tiểu học và hơn 100 học sinh cấp THCS. Ngoài điểm trường trung tâm, trường có 7 điểm lẻ. Điểm trường xa nhất là Cuôi và Tà Păng, cách khu vực trung tâm gần 16km.
Thầy giáo Nguyễn Đình Nghĩa – Hiệu trưởng Trường PTDTBT – Tiểu học và THCS Hướng Lập cho biết, nhà trường có đông đảo học sinh là con em đồng bào Vân Kiều theo học, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Bước vào năm học mới, nhà trường đã rà soát đội ngũ cán bộ, giáo viên, bố trí phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới. Khắc phục tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, cải thiện và nâng cao chất lượng dạy học.
Vượt khó nâng cao chất lượng
Huyện Hướng Hóa có 60 trường học, trong đó có 26 trường mầm non, 34 trường phổ thông. Bước vào năm học 2022-2023; chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018, Phòng GD&ĐT đã bám sát phương hướng, nhiệm vụ năm học, tập trung chỉ đạo các trường tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục đúng kế hoạch.
Qua rà soát, địa phương còn thiếu hơn 100 phòng học, cùng hàng trăm cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, để đảm bảo dạy học và thực hiện Chương trình GDPT 2018. Một số trường sau sáp nhập vẫn còn nhiều điểm trường và khoảng cách khá xa, khó khăn cho công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tập thể chung toàn trường.
Việc tổ chức dạy học môn Tin học và tiếng Anh lớp 3 có những khó khăn, bất cập do ở vùng bản có nhiều điểm trường; khoảng cách giữa các điểm trường lẻ cũng như cách điểm trường trung tâm quá xa (ở các xã Ba Tầng, Hướng Lộc, Thanh, Hướng Linh, Húc, Hướng Sơn, Hướng Lập), nên việc tổ chức dạy học rất vất vả.
Nhiều trường học tại miền núi Quảng Trị chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước vào năm học mới. |
Từ thực tiễn khó khăn của giáo dục miền núi, Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa tham mưu UBND huyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để đảm bảo triển khai có hiệu quả việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 cũng như Chương trình GDPT 2018; tham mưu UBND huyện đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ tuyển dụng đủ giáo viên, phục vụ cho giảng dạy.
Tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh lớp 1, lớp 6, trẻ em 5 tuổi để huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi đến trường. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và chủ động xây dựng kế hoạch vận động học sinh đến trường, nhất là đối tượng học sinh khó khăn, đối tượng học sinh bỏ học các năm học trước.
Ông Hoàng Văn Sơ - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho biết: Trước thềm năm học 2022-2023, Phòng GD&ĐT đã chú trọng tham mưu, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học, nhất là các điểm trường bị xuống cấp, đảm bảo tốt nhất cho việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
"Mặc dù còn gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, thiếu trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên, nhưng với việc chủ động chuẩn bị các điều kiện đảm bảo và khơi dậy lòng yêu nghề của đội ngũ nhà giáo, ngành giáo dục Hướng Hóa vững tin bước vào năm học mới 2022-2023 chất lượng và hiệu quả”, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho hay.
Ông Nguyễn Sĩ Huấn – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đakrông cho biết, hiện các cơ sở giáo dục tại địa phương đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước vào năm học 2022-2023, theo khung kế hoạch năm học và chỉ đạo của UBND huyện.
Năm học 2022-2023, huyện Đakrông có hơn 13.180 học sinh; với khoảng 85% là con em đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Trong đó, bậc mầm non có hơn 4.230 cháu, tiểu học khoảng 5.650 học sinh và THCS khoảng 3.300 học sinh.
“Huyện Đakrông đã có kế hoạch tổ chức ngày khai giảng năm học 2022-2023. Theo đó, lãnh đạo địa phương sẽ xuống các trường học để dự lễ khai giảng và động viên cán bộ, giáo viên và học sinh bước vào năm học mới”, ông Huấn cho hay.