Quảng Trị kiến nghị khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất do thiên tai

GD&TĐ - Trước hậu quả nặng nề do mưa lũ cực đoan xảy ra đầu tháng 4, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống nhân dân.

Mưa lũ 3 ngày thiệt hại gần 800 tỷ đồng

Do ảnh hưởng kết hợp của nhiều hình thế thời tiết nguy hiểm, nên từ ngày 31/3 - 2/4, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng, với tổng lượng mưa phổ biến 160 - 380mm, có nơi trên 400mm.

Đây là đợt mưa lũ cực đoan, dị thường, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân và gây hư hỏng nhiều công trình thủy lợi, đường giao thông...

Theo báo cáo của địa phương, trận mưa lũ bất thường trong 3 ngày đã khiến 1 người chết, 820 nhà bị ngập, hơn 11.600ha lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh và trổ bông bị ngập úng, đổ rạp, nguy cơ mất trắng; gần 3.100ha ngô, hơn 2.100ha hoa màu bị đổ ngã, hư hại; hơn 450ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, nhiều vùng bị ngập úng ảnh hưởng đến môi trường chăn nuôi của người dân, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh; nhiều km kênh mương nội đồng sạt lở, cuốn trôi... Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính gần 800 tỷ đồng.

Thiệt hại trận mưa lũ trái mùa vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập, nguy cơ thiếu lương thực của các hộ gia đình nằm trong vùng tác động của thiên tai, trước mắt là nguồn giống cho sản xuất vụ Hè - Thu sớm và Thu - Đông 2022.

Đối với những người làm nghề nông ở Quảng Trị, vụ lúa Đông - Xuân là vụ sản xuất chính. Thu hoạch vụ này vừa để giống lúa cho vụ tới gieo sạ, vừa đủ ăn cả năm và bán lấy tiền chi trả các khoản chi phí đầu tư gieo trồng. Vậy mà năm nay, mưa lũ đã đẩy người nông dân ở đây lâm vào cảnh khốn khó, nguy cơ vướng cảnh nợ nần là điều khó tránh.

Chị Phạm Thị Vân (trú tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho hay: “Gia đình tôi làm hơn một mẫu rưỡi lúa. Mỗi năm, cứ vào vụ lúa Đông – Xuân, chúng tôi lại trông chờ đến kỳ thu hoạch. Bởi làm lúa vụ này thuận lợi gấp bội lần vụ Hè – Thu, lại cho năng suất cao.

Trừ mọi chi phí cũng còn dư dả được khoản tiền, phụ trang trải cuộc sống. Giờ nhìn cảnh mấy sào lúa trổ bông vừa rồi dầm phải mưa lũ mà xót xa. Vụ này hơn phân nửa số lúa của gia đình bị mất trắng. Đồng nghĩa với đó là các khoản tiền phân bón, tiền thuê máy cày, máy gặt sẽ không biết xoay xở ở đâu để chi trả”.

Đồng cảnh ngộ với hộ gia đình chị Vân, tại Quảng Trị, hiện có hàng nghìn hộ gia đình đều lo ngại nguy cơ thiếu giống cho vụ lúa sắp tới và tình cảnh thiếu lương thực đang cận kề.

Một nhà dân ở huyện Hải Lăng bị ngập sâu trong nước do trận mưa lũ.
Một nhà dân ở huyện Hải Lăng bị ngập sâu trong nước do trận mưa lũ.

Sẽ đề nghị giãn nợ, giảm lãi suất cho người dân bị ảnh hưởng

Để giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, khôi phục khẩn cấp sau mưa lũ, vào chiều 13/4, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức họp bàn các giải pháp khắc phục hậu quả của thiên tai.

Theo đó, trước mắt địa phương cần khôi phục hơn 3.400ha cây trồng bị ảnh hưởng do mưa lũ có khả năng phục hồi. Cùng với đó, cũng tổ chức vệ sinh, xử lý đồng ruộng hơn 12.000ha cây trồng bị hư hại, không thể khôi phục được để tiến hành sản xuất vụ Hè – Thu; Tổ chức sản xuất hơn 3.700ha cây trồng cạn vụ Hè - Thu sớm trên diện tích cây trồng cạn bị thiệt hại... Cụ thể là sẽ hỗ trợ kinh phí vệ sinh đồng ruộng, hóa chất xử lý môi trường chăn nuôi, hỗ trợ cây con giống, vắc-xin...

Về lâu dài, tỉnh kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình thủy lợi hư hỏng do thiên tai từ 2020 đến nay; Phối hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế nghiên cứu giải pháp chống lũ thượng nguồn sông Ô Lâu; Nghiên cứu thêm giải pháp tiêu thoát lũ chủ động tại các khu vực thấp trũng của tỉnh... Tổng kinh phí thực hiện phương án khắc phục gần 112 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 36 tỷ đồng.

Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị các ngành chức năng, địa phương cần xác định rõ các giải pháp ngắn hạn, dài hạn trong khắc phục thiên tai. Cần tập trung hỗ trợ lương thực cho người dân trong vùng thiệt hại.

Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng thiếu giống cho vụ mùa tới, trong đó cần xác định rõ số lượng, chất lượng, loại giống hỗ trợ cho bà con phải phù hợp với hình thức canh tác sau thiên tai. Tiếp tục kiểm đếm thiệt hại mưa lũ tại các địa phương một cách chính xác, khách quan, công khai minh bạch... để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị cùng ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Ngân hàng Trung ương có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất do thiên tai, dịch bệnh cho người dân.

Còn theo ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, giải pháp trước mắt cần khẩn trương hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vật tư, phân bón, hóa chất... để người dân ổn định sau thiên tai. Tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ một phần để người dân các địa phương tái sản xuất kịp thời vụ.

Tuy nhiên, để đáp ứng đủ số lượng giống cho mùa vụ, tỉnh sẽ đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ bổ sung, cùng với đó Sở NN&PTNT cần sớm ban hành lịch thời vụ phù hợp với từng vùng, từng loại giống trong giai đoạn hiện nay...

Hiện, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cũng giao các ngành chức năng, địa phương rà soát lại, hoàn thiện các nội dung Đề án khôi phục khẩn cấp sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho kỳ họp sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.