Quảng Ninh: Xã hội hóa giáo dục để… sống chết mặc doanh nghiệp?

GD&TĐ - Bài toán sắp xếp lại các cơ sở giáo dục phổ thông theo tinh thần của Bộ GD&ĐT, chủ trương xã hội hóa giáo dục của tỉnh Quảng Ninh gặp khó bởi vấp phải sự phản đối của một bộ phận phụ huynh, GV “đi lùi xu thế”.

Trường THPT Nguyễn Trãi cơ sở vật chất khang trang nhưng thiếu vắng người học.
Trường THPT Nguyễn Trãi cơ sở vật chất khang trang nhưng thiếu vắng người học.

Đã 3 năm trôi qua, việc chuyển hoạt động dạy học từ Trường THPT Tiên Yên sang Trường THPT Nguyễn Trãi chưa được thực hiện. Để rồi, mỗi mùa tuyển sinh Trường THPT Nguyễn Trãi chật vật tìm mọi phương kế chiêu sinh.

Đừng để “sống chết mặc… doanh nghiệp”

Sau “quãng lặng” về việc thực hiện Quyết định số 896/QĐ-UBND ngày 8/3/2019 theo phương thức đầu tư PPP, để chuyển hoạt động giáo dục của Trường THPT Tiên Yên về Trường THPT Nguyễn Trãi, ngày 12/3, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo Ban Tuyên giáo tỉnh nắm tình hình dư luận về việc tuyển sinh của Trường THPT Nguyễn Trãi.

Tại buổi làm việc ngày 16/3, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Tiên Yên đưa ra phương án đề nghị tỉnh Quảng Ninh sắp xếp giảm đầu mối các trường có cấp THPT trên địa bàn.

Có ý kiến cho rằng nên giải thể Trường THPT Nguyễn Trãi vào trước kỳ tuyển sinh năm học 2021 – 2022. Đề nghị tỉnh mua lại CSVC hiện nay của Trường THPT Nguyễn Trãi phục vụ cho việc dạy học của 2 trường: THPT Tiên Yên và Trung tâm GDNN-GDTX.

Đặc biệt, có ý kiến không phân chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho Trường THPT Nguyễn Trãi để thuận lợi hơn trong công tác giải thể trường này.

Theo tìm hiểu, từ năm học 2018 - 2019 đến nay, số học sinh vào học tại Trường THPT Nguyễn Trãi đều thấp hơn so với chỉ tiêu được giao và giảm dần qua các năm. Năm học 2021 - 2022, Trường THPT Nguyễn Trãi chỉ tuyển được 71 học sinh của địa phương.

Đứng trước nguy cơ sống còn, nhà trường phải vận động mọi phương thức xuống vùng biển huyện Đầm Hà chiêu sinh được 37 em và ngược vùng cao đến huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) tuyển được 13 học sinh để duy trì trường lớp.

Trên phần diện tích 3,7ha, với quy mô có thể tổ chức được 32 lớp học, với 1.440 học sinh, các phòng học, phòng chức năng hiện đại phục vụ tốt nhu cầu đổi mới giáo dục mà hiện chỉ có hơn 300 học sinh theo học. Tình trạng thừa trường thiếu trò tại một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Quảng Ninh đang diễn ra.

Trong khi đó, Trường THPT Tiên Yên cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp, tỉnh Quảng Ninh không có chủ trương đầu tư mới tại trường này nhưng lại được giao chỉ tiêu tuyển 240 học sinh, tăng 40 học sinh so với năm học trước.

Ông Phạm Văn Mạn - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Nguyễn Trãi - cho biết, những năm qua cá nhân ông đã rất cố gắng duy trì hoạt động của trường. Đầu tư bổ sung các hạng mục công trình phục vụ công tác dạy và học.

Tuy nhiên, diễn biến thực tế lại có nhiều bất cập, dẫn đến khó khăn trong công tác duy trì hoạt động của nhà trường. Tình trạng này cũng ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của cán bộ giáo viên, học sinh của trường, gây nên sự chán nản, xao nhãng trong hoạt động dạy và học. 

“Phá rào” tâm lý trường tư, vì quyền lợi người học

Trường THPT Tiên Yên tổng diện tích 7.500m2 thuộc nhóm trường THPT có diện tích nhỏ nhất tỉnh Quảng Ninh. Cơ sở vật chất đã được xây dựng từ lâu, sân trường chật hẹp, bị chia cắt bởi các khối công trình nên thiếu không gian hoạt động học tập. Trường không có bãi tập dành cho các hoạt động giáo dục thể chất.

Ngay cạnh Trường THPT Tiên Yên là Trường THCS thị trấn Tiên Yên được xây từ năm 2001, có diện tích 2.900m2. So với chỉ tiêu chuẩn quốc gia còn thiếu hơn 1.300m2 và nhiều hạng mục đã xuống cấp. Vì thế, chủ trương chuyển Trường THPT Tiên Yên sang cơ sở mới để dành diện tích lại cho Trường THCS Tiên Yên là hợp lý vì quỹ đất giáo dục tại địa phương không còn.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiên Yên cơ sở vật chất còn khó khăn hơn rất nhiều lần. Trung tâm có quy mô 8 lớp với 271 học sinh, đội ngũ giáo viên, nhân viên gồm 13 người trên diện tổng diện tích 1.800m2.

Trung tâm được cải tạo trên nền các lô cốt phòng thủ, đất của quốc phòng, không thể mở rộng. Cơ sở vật chất tương đối “nghèo nàn” với 2 khu nhà học bán kiên cố 1 tầng, 7 phòng học, 1 phòng hành chính xây dựng năm 2010. 1 phòng học tạm, 1 khu nhà hiệu bộ tạm bán kiên cố gồm 2 phòng. 1 nhà bán trú tạm và 1 khu vệ sinh học sinh diện tích khoảng 20m2.

Trung tâm này không có diện tích dành cho nhà xưởng phục vụ việc học nghề. Không đảm bảo về vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Không đáp ứng được các chỉ tiêu cần có về cơ sở vật chất đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Do diện tích phòng học rất nhỏ nên học sinh ngồi chật chội, sân trường nhỏ hẹp nên không có không gian để tổ chức hoạt động tập thể, hoạt động thể chất.

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh ngày 23/3/2021, phụ huynh có nguyện vọng giữ nguyên Trường THPT Tiên Yên là trường công lập. Họ không chuyển đổi mô hình sang dân lập trong thời gian tiếp theo. Phụ huynh muốn con em mình được học trong ngôi trường khang trang hơn, đảm bảo về cơ sở vật chất theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

“Những phản đối, khiếu nại của phụ huynh học sinh qua các năm 2018, 2019, 2020 đều có sự đồng thuận từ phía sau của một bộ phận cán bộ, giáo viên Trường THPT Tiên Yên”, báo cáo nêu.

Ông Phạm Văn Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên - cho hay, năm 2019 tỉnh đã đồng ý chuyển địa điểm Trường THPT Tiên Yên sang Trường THPT Nguyễn Trãi.

Lúc đó chốt phương án sẽ thuê lại cơ sở vật chất của Trường THPT Nguyễn Trãi để chuyển học sinh của cả 2 trường thành trường công lập, giáo viên cũng vậy. Nhưng lúc đó người dân chưa đồng thuận do tâm lý chuyển sang THPT Nguyễn Trãi rồi sẽ từng bước chuyển sang hệ ngoài công lập.

Sau đó, huyện đã tuyên truyền với phụ huynh. Hiện, huyện vẫn đang đề xuất với tỉnh cho phép tiếp tục chủ trương đó để huyện vận động phụ huynh, nhưng đến nay chưa có thông báo kết luận chính thức từ tỉnh.

Ông Đào Xuân Thắng, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Yên, cho biết, qua khảo sát một bộ phận phụ huynh trước đây có ý kiến phản đối việc chuyển Trường THPT Tiên Yên sang Trường THPT Nguyễn Trãi thì cơ bản họ không phản đối. Họ mong muốn có một phương án rõ ràng hơn để tạo đồng thuận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ