Lập trạm, cấm xe
Bức xúc trước việc lập trạm kiểm soát của UBND phường Phương Nam gây ảnh hưởng đến công việc, ngày 12/2, người dân đã gọi điện thoại đến đường dây nóng của Báo GD&TĐ để phản ánh. Một ngày sau đó, phóng viên Báo GD&TĐ đã có mặt tại khu sản xuất vôi của người dân tại khu Vành Kiệu I, phường Phương Nam để ghi nhận thực tế.
Theo đó, đường vào khu sản xuất vôi của người dân xuất hiện trạm kiểm soát có chắn barie, các ô tô tải khi ra vào sẽ phải được sự đồng ý của tổ kiểm soát. Trao đổi với Báo GD&TĐ, một số người dân bức xúc: “Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì số lượng vôi mà chúng tôi đã sản xuất, chỉ trong vài ngày sẽ bị hỏng hết, thiệt hại sẽ rất lớn”.
Trước đề nghị của người dân, UBND phường Phương Nam đã tổ chức đối thoại trực tiếp ngay tại trụ sở phường trong ngày 13/2.
|
Thu mua nguyên liệu tồn
Tại buổi đối thoại, người lao động cũng như chủ cơ sở sản xuất vôi đều đồng ý ngừng sản xuất vôi theo kế hoạch của tỉnh. Tuy nhiên, họ bày tỏ mong muốn được sản xuất nốt số nguyên vật liệu đã nhập về từ năm ngoái, sau đó sẽ ngừng toàn bộ hoạt động. Các chủ cơ sở sẽ tự động dỡ bỏ ống lò khi được chính quyền hỗ trợ một khoản tiền phù hợp.
Trước đó, Báo GD&TĐ đã có loạt bài viết phản ánh về việc hàng loạt hộ dân có nguy cơ vỡ nợ do kế hoạch xóa sổ lò nung vôi thủ công của UBND tỉnh Quảng Ninh. Theo kế hoạch này, thời hạn chót cho để các hộ dân phải dừng hoàn toàn hoạt động sản xuất đó là trước ngày 31/3/2019.
Các chủ lò vôi cũng mong muốn chính quyền tạo điều kiện để họ tận dụng khu nhà xưởng chuyển đổi ngành nghề khác, giúp sớm hồi phục kinh tế. Người lao động cũng mong muốn chính quyền hỗ trợ về việc làm, kinh phí và vay vốn ngân hàng chính sách để chuyển đổi ngành nghề.
Giải đáp những mong muốn của người dân, ông Đặng Duy Thịnh - Chủ tịch UBND phường Phương Nam, nói: “Để giải quyết việc làm, chúng tôi đã liên hệ một số đơn vị tiếp nhận người lao động còn trong độ tuổi lao động. Trước mắt có 3 đơn vị là cơ sở vàng hương, công ty bao bì, cơ sở làm gỗ”…
Về mong muốn của người dân xin gia hạn đốt hết nguyên vật liệu, ông Thịnh trả lời: “Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh là dừng đốt lò vôi thủ công trước ngày 31/1/2019, do vậy đây là Nghị quyết và Kế hoạch của tỉnh nên chính quyền TP và chúng tôi phải thực hiện. Nếu chính quyền chúng tôi không thực hiện thì hóa ra là chống đối lại cấp trên. Nếu không dừng sản xuất thì không đúng Nghị quyết”.
Ông Thịnh cũng lý giải thêm, với những nội dung mà phường không thể giải quyết được cho bà con do không đủ thẩm quyền, UBND phường sẽ báo cáo lên TP. Về số nguyên liệu sản xuất vôi còn tồn, ông Thịnh cho biết: “Tại Thông báo Kết luận số 32 ngày 12/2/2019 của đồng chí Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kí, đã có chỉ đạo rất rõ ràng là giao TP Uông Bí chủ trì phối hợp với các sở, ngành cùng TKV và Tổng Công ty Than Đông Bắc, các đơn vị có liên quan thực hiện kế hoạch thu mua đá vôi, đá xít còn tồn lại trên mặt bằng các cơ sở sản xuất lò vôi thủ công”.
Tuy nhiên, kết thúc buổi đối thoại các chủ sản xuất vôi vẫn lo lắng về việc các đơn vị thu mua nguyên liệu của họ có trả họ bằng mức giá khi họ mua vào ban đầu hay không? Hiện câu hỏi này của họ vẫn chưa được phía chính quyền trả lời chính thức.