Quảng Ninh gặt hái nhiều thành tựu trong năm học 2021 - 2022

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022 ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã vượt qua khó khăn để đạt được những kết quả ấn tượng.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (bên phải) trò chuyện với học sinh lớp 10 chuyên Địa, Trường THPT Chuyên Hạ Long nhân dịp lễ khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: Thu Chung - Minh Cương
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (bên phải) trò chuyện với học sinh lớp 10 chuyên Địa, Trường THPT Chuyên Hạ Long nhân dịp lễ khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: Thu Chung - Minh Cương

Học sinh Quảng Ninh đạt nhiều giải quốc gia, quốc tế

Trong bức tranh chung toàn quốc, đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo điển hình tiên tiến của Quảng Ninh, nhiều học sinh ghi tên trong bảng vàng của đấu trường trong nước và quốc tế.

Trong đó, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn đạt nhiều kết quả tích cực so với năm học trước. Học sinh Quảng Ninh tham dự các kỳ thi, cuộc thi, hội thi đạt kết quả tốt. Nổi bật, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia đạt 48 giải, tăng 7 giải so với năm học trước. Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia đoạt 1 giải Ba, 1 giải Triển vọng.

Quảng Ninh có 1 thí sinh đoạt giải Nhất, Chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia. 2 thí sinh đoạt Huy chương Đồng tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu. 1 thí sinh đoạt Huy chương Bạc tại Cuộc thi Triển lãm thiết kế và sáng chế quốc tế...

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt 97,6%, cao hơn những năm gần đây. Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của Quảng Ninh đạt 6,26 điểm, xếp thứ 31, tăng 5 bậc so với năm 2021. Tỷ lệ điểm trên trung bình từ 5,0 trở lên của tỉnh là 76,41% cũng cao hơn các năm trước.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 645 cơ sở giáo dục, trên 350.000 trẻ mầm non và học sinh các cấp học, 556/631 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 88,11%), gần 22.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Trong năm học vừa qua, nhờ giữ vững địa bàn an toàn và đặc biệt ưu tiên tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mà đa phần học sinh Quảng Ninh được học tập trực tiếp hầu hết thời gian của năm học.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng cho phát triển GD&ĐT. Nhờ vậy, kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được duy trì, giữ vững và nâng cao. Hiện nay, Quảng Ninh được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.

Học sinh THCS ở Quảng Ninh trong một tiết học môn Khoa học tự nhiên. Ảnh: Thu Chung - Minh Cương

Học sinh THCS ở Quảng Ninh trong một tiết học môn Khoa học tự nhiên. Ảnh: Thu Chung - Minh Cương

Đầu tư phát triển giáo dục toàn diện

Để chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023, ngành GD&ĐT Quảng Ninh đã cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình nhà vệ sinh tại 87 trường học với kinh phí khoảng 71,3 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các phòng học không đảm bảo an toàn, xóa phòng học tạm tại 89 trường học với kinh phí gần 190 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa nâng cấp thư viện phát triển văn hóa đọc cho trường tiểu học với kinh phí hơn 29 tỷ đồng; mua sắm thiết bị lớp 1, lớp 2 và lớp 6 với kinh phí hơn 218 tỷ đồng…

Trong năm học này, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD&ĐT. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tăng cường xã hội hóa, đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện chuyển đổi số giáo dục và phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học... Qua đó, giữ vững thành quả đã đạt được, đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tập trung xây dựng nền giáo dục mở, hiện đại, tiên tiến.

Nhằm động viên, khích lệ các em học sinh trước thềm năm học mới và chia sẻ, giảm bớt khó khăn với đời sống nhân dân sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Năm nay tỉnh Quảng Ninh tiếp tục miễn 100% học phí công lập năm học 2022 - 2023 đối với học sinh mầm non, phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên cấp phổ thông, kinh phí dự kiến khoảng 458 tỷ đồng.

Đây là năm học thứ hai liên tiếp tỉnh Quảng Ninh có chính sách này, tiếp tục khẳng định sự quan tâm, đầu tư lớn của tỉnh dành cho sự nghiệp giáo dục, hướng đến một nền giáo dục toàn dân, mọi học sinh đều bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất.

Trong chiến lược phát triển của tỉnh, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm coi trọng thực hiện quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Song song với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và dành nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Ngân sách chi cho lĩnh vực GD&ĐT hàng năm của Quảng Ninh chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30 - 35% tổng chi thường xuyên của tỉnh. Riêng giai đoạn 2015 - 2020, tổng chi cho GD&ĐT là xấp xỉ 22.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng vào lĩnh vực GD&ĐT thông qua Đề án 25, thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2022 - 2023, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh. Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Ký bày tỏ sự trăn trở khi chất lượng giáo dục và đào tạo chưa tương xứng với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự đầu tư của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, trong năm học 2022 - 2023, nhiệm vụ là phải tiếp tục giữ vững thành quả đã đạt được, đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục phổ thông, đặc biệt là khu vực ngoài công lập. Nhanh chóng thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo và chất lượng giáo dục, cơ hội tiếp cận giáo dục ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Phấn đấu đến trước năm 2030 đưa Quảng Ninh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo tốt nhất cả nước.

Ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo bền vững, lâu dài, trong đó ưu tiên đầu tư từ ngân sách để phát triển hạ tầng, phát triển đội ngũ và chăm lo cơ chế chính sách cho vùng khó. Phát triển hoàn thiện hạ tầng giáo dục theo 3 khu vực: Đô thị, nông thôn, miền núi hải đảo.

Phấn đấu chậm nhất đến 2023, hoàn thành việc hỗ trợ mỗi huyện xây dựng một trường công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông. Mỗi thành phố, thị xã xây dựng một trường trung học phổ thông công lập theo tiêu chí chất lượng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.