Tập huấn kỹ năng xử lý tình huống cho trưởng bản
Quảng Ninh hiện có 56 xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Những năm gần đây, đời sống kinh tế, xã hội ở những địa phương này đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tuy nhiên nhận thức về pháp luật của người dân vẫn còn hạn chế so với khu vực khác.
Từ năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 5 hội nghị tại Ba Chẽ, Uông Bí, Hạ Long, Bình Liêu, Đầm Hà để tập huấn cho 320 học viên là trưởng thôn, bản, người có uy tín, người làm công tác dân tộc để bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, kỹ năng xử lý tình huống trong giải quyết các vụ việc liên quan đến người dân.
Đồng thời, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật của đơn vị.
Cùng với đó, hằng năm Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL và tổ chức thực hiện một cách hiệu quả.
Từ năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền cho gần 1.500 cán bộ, nhân dân vùng DTTS, miền núi tại các địa phương: Móng Cái, Hải Hà; Bình Liêu, Tiên Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Ba Chẽ và Đầm Hà. Nội dung tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Bộ luật Lao động; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; Luật Lâm nghiệp…
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn
Xác định phòng, chống hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, bình đẳng giới là nội dung quan trọng trong tuyên truyền, PBGDPL vùng DTTS, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 25/2/2021 thực hiện đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, từ năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức 14 hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động và hội nghị tuyên truyền thực hiện đề án trên cho 1.109 đại biểu là cán bộ xã, thôn, bản và nhân dân tại các địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Vân Đồn, Hạ Long và Uông Bí. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức 10 hội nghị bình đẳng giới tới 800 đại biểu là cán bộ công chức cấp xã, cán bộ thôn, bản và người dân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.
Công an xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu tuyên truyền pháp luật đến các hộ dân. |
Bà Đặng Thị Hoa (bản Tài Chi, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) cho biết, nhờ thường xuyên được tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, bình đẳng giới… chúng tôi đã hướng dẫn con em mình kết hôn đúng độ tuổi, chứ không quá sớm như trước. Các gia đình cũng quan tâm hơn đến việc học hành của con gái thay vì chỉ cho con trai đi học cao đẳng, đại học như trước.
Các xã vùng DTTS trên địa bàn tỉnh thường có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh biên giới quốc gia, để giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của công dân Việt Nam, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp cùng Bộ đội biên phòng tỉnh tuyên truyền Luật Biên phòng và một số vấn đề về tình hình an ninh, trật tự, văn hóa, kinh tế, xã hội khu vực biên giới.
Bên cạnh đó cũng phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành, đơn vị, lực lượng thực hiện dự án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025”. Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai 5 hội nghị tuyên truyền phòng chống tội phạm ma túy ở vùng DTTS và miền núi tới 500 đại biểu tại 5 địa phương: Hải Hà, Bình Liêu, Móng Cái, Hạ Long, Cẩm Phả với chuyên đề: Quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy; các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm ma túy giai đoạn 2021-2025; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021…
Việc đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL của Ban Dân tộc tỉnh đã góp phần giúp cán bộ, nhân dân vùng DTTS, miền núi nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; tích cực tham gia tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.