Xóa 'nghèo' pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Do sống chủ yếu ở miền núi, vùng sâu, giáp biên, đời sống khó khăn nên nhận thức pháp luật của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Kè tuyên truyền pháp luật cho người dân bản Huổi Khon.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Kè tuyên truyền pháp luật cho người dân bản Huổi Khon.

Việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho bà con tại những địa bàn này đã trở thành nhiệm vụ quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) hiện nay.

“Chìa khóa” song ngữ

Xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo có gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Theo đánh giá từ chính quyền địa phương, hiện còn nhiều người dân, nhất là phụ nữ không biết tiếng phổ thông, nhận thức pháp luật hạn chế. Do vậy, dễ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật hoặc không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của bản thân.

Cũng như nhiều tổ chức đoàn thể khác ở địa phương, chị Mùa Thị Xế, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thường tranh thủ thời điểm nông nhàn để xuống bản. Những dịp như thế, chị thường mang theo rất nhiều tài liệu. Song quan trọng nhất theo chị đó là phải nói được tiếng đồng bào.

“Trước nay, cán bộ tuyên truyền chủ yếu sử dụng ngôn ngữ phổ thông, nên hiệu quả không cao. Vì trên thực thế ở nhiều vùng, bà con dân tộc thiểu số chỉ nghe và hiểu tiếng mẹ đẻ. Họ không hiểu cán bộ nói gì, thì làm sao mà nâng cao nhận thức?!”, chị Xế bộc bạch.

Tại bản Ten Hon – nơi đa phần dân tộc Mông sinh sống, việc tuyên truyền với chị Xế nhiều thuận lợi. Với một số tờ gấp, hình ảnh chuẩn bị trên tay, chị trò chuyện bằng tiếng bản địa với chị em về các nội dung liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết...

Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, giáp biên, đời sống khó khăn.

Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, giáp biên, đời sống khó khăn.

Để bà con dễ hiểu, nhớ lâu và nắm luật tốt hơn, mỗi vấn đề chị đều kể một câu chuyện, kèm hình ảnh cụ thể. Cùng với đó là những lý giải dễ hiểu liên quan đến các quy định của pháp luật.

“Trước mỗi địa bàn dân cư, tôi luôn xác định rõ đối tượng, nội dung, mục đích và phương pháp khi tuyên truyền, sao cho phù hợp nhất. Không những vậy, thời gian qua các lực lượng còn phối hợp mang pháp luật đến tận nơi cho bà con, bằng cách đi từng nhóm, từng hộ”, chị Xế chia sẻ.

Cũng theo chị Xế, từ khi sử dụng song ngữ, hiệu quả truyền thông tốt hơn. Việc sinh nhiều con, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... vùng dân tộc thiểu số giảm đáng kể. Từ việc nâng cao nhận thức pháp luật, bà con còn chủ động tham gia phòng chống tệ nạn xã hội.

Theo ông Bùi Anh Hùng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tuần Giáo, hiện trên địa bàn có 271 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 38 báo cáo viên pháp luật cấp huyện. Thông qua đội ngũ này, thông tin giáo dục pháp luật đã tới từng địa bàn, từng người dân.

Ngoài ra địa phương này cũng duy trì hiệu quả 177 tổ hòa giải cơ sở ở các địa bàn dân cư. Thành viên các tổ hoạt động tích cực trong việc tiếp nhận, phát hiện và tham gia giải quyết các vụ việc hòa giải. Chủ yếu là bằng hình thức phổ biến pháp luật, phân tích, giảng giải từng đối tượng, trường hợp cụ thể.

Tuyên truyền qua loa phát thanh theo phương pháp truyền thống vẫn được duy trì tại các địa bàn dân cư và chủ yếu bằng tiếng dân tộc.

Tuyên truyền qua loa phát thanh theo phương pháp truyền thống vẫn được duy trì tại các địa bàn dân cư và chủ yếu bằng tiếng dân tộc.

“Mưa dầm thấm lâu”

Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Đây là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, với 19 dân tộc anh em. Trong đó, người Mông chiếm 38%.

Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức hạn chế. Do vậy, trên thực tế vẫn tồn tại nhiều tập quán, tập tục lạc hậu. Tình trạng truyền đạo, vượt biên trái phép, buôn bán, vận chuyển ma túy vẫn diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.

Trước tình hình đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông. Chú trọng vào các địa bàn được xác định là “vùng lõm”, “nghèo” nhận thức phát luật.

Tuyên truyền phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn dân cư khu vực trung tâm thị trấn Tuần Giáo.

Tuyên truyền phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn dân cư khu vực trung tâm thị trấn Tuần Giáo.

Ông Lò Xuân Nam, Phó ban Dân tộc tỉnh cho hay, những năm qua, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban, ngành và người có uy tín kiên trì tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Nội dung trọng tâm là các kiến thức về an toàn giao thông, y tế, đất đai, môi trường.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng triển khai mô hình hoạt động tư vấn pháp luật với hàng trăm câu lạc bộ được thành lập ở nhiều cơ quan, đoàn thể, thôn, bản, tổ dân phố. Cụ thể như câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”, “Phòng chống mua bán người”; mô hình “Cưới theo nếp sống mới”, “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt trong đồng bào DTTS”...”, ông Nam nói.

Còn theo ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp thì hiện nay tài liệu tuyên truyền, PBGDPL đã được biên soạn theo hướng thiết thực hơn, ngắn gọn, dễ hiểu và bằng nhiều thứ tiếng dân tộc khác nhau. Đến nay, các cấp, ngành địa phương đã biên soạn và cấp phát miễn phí gần 82.000 tài liệu tuyên truyền pháp luật. Trong đó, trên 17.500 tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số.

“Khâu lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cũng hết sức quan trọng. Do vậy, tại vùng thấp, dân trí cao hơn thì các cấp đi sâu vào tuyên truyền nghị quyết của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới… Ðối với vùng cao, vùng đồng bào DTTS thì trọng tâm là các vấn đề định canh định cư, ổn định sản xuất. Không nghe theo kẻ xấu, du canh du cư, sinh con thứ 3… và chủ động phát hiện, tố giác tội phạm”, ông Quế cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.