Hướng về biển đảo

Hướng về biển đảo

(GD&TĐ) - Đối với những địa phương nằm ven biển thì giáo dục biển đảo là một vấn đề quan trọng trong nội dung giáo dục về lịch sử địa phương. Hiểu rõ về từng địa danh, sự kiện lịch sử của quê hương mình sẽ giúp các em thêm yêu, gắn bó và có ý thức bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước.

Nhiều hoạt động phong phú

Từ năm học 2011 – 2012, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đã có kế hoạch triển khai biên soạn tài liệu giáo dục lịch sử địa phương (bao gồm các môn học cấp THCS, THPT). Riêng về bộ môn Lịch sử, nội dung về giáo dục chủ quyền biển đảo được chú trọng, đặc biệt là đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tài liệu này đang được in để làm tài liệu giảng dạy trong nhà trường từ năm học 2013 – 2014.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức triển khai tập huấn cho 100 giáo viên cốt cán cấp THCS và THPT trên toàn tỉnh về nội dung “Giáo dục bảo vệ tài nguyên môi trường biển, hải đảo” vào tháng 10/2012. Đồng thời, Sở chỉ đạo các đơn vị lập kế hoạch triển khai tập huấn cho giáo viên, cũng như tổ chức nhiều hình thức để tuyên truyền, giáo dục cho toàn thể HS về ý thức, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên môi trường biển, hải đảo như tổ chức nói chuyện dưới cờ vào thứ Hai đầu tuần, tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa, bản tin, phát thanh của trường...

Một nét văn hóa độc đáo, có giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh của Quảng Ngãi là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cũng là dịp để giáo dục thêm cho tuổi trẻ xứ Quảng niềm tự hào về lịch sử xây dựng, bảo vệ quần đảo thiêng liêng của dân tộc. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2013 được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, có nghi thức đón nhận và rước bằng Di tích Quốc gia đình làng An Vĩnh và Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lễ hội dân gian truyền thống, độc đáo này.

Với Tuần văn hóa biển đảo Quảng Ngãi năm 2013, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú đã diễn ra như triển lãm ảnh nghệ thuật về biển đảo với chủ đề “Đất nước và con người trên quê hương Hải đội Hoàng Sa”; trưng bày giới thiệu 3.000 bản sách về biển đảo Việt Nam; triển lãm gần 150 bức tranh về biển đảo do thiếu nhi vẽ; chương trình biểu diễn nghệ thuật; giới thiệu các đặc sản Quảng Ngãi; hội bài chòi... Những hoạt động này cũng giúp các em HS Quảng Ngãi thêm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của quê hương, về giá trị của di sản biển đảo.

Một tiết học về biển đảo ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) Ảnh: Sông La
Một tiết học về biển đảo ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)  Ảnh: Sông La 
 

Tư liệu quý về biển đảo

Đặc biệt, triển lãm chuyên đề “Quảng Ngãi - Hoàng Sa, Trường Sa và Di sản văn hóa biển đảo” tại Tuần lễ biển đảo Quảng Ngãi 2013 đã giới thiệu bộ sưu tập văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa được phát hiện ở vùng biển Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn; trưng bày một số vật dụng mà các binh phu đội Hoàng Sa sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa; mô hình thuyền lễ dùng trong Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa; mô hình ghe bầu, ghe câu; mô hình Tứ linh Long, Ly, Quy, Phụng làm bằng hành tỏi Lý Sơn.

Ngoài ra, tại đây còn trưng bày, giới thiệu một số bản đồ, tư liệu lịch sử về việc xác lập, thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam; gia phả các dòng họ khai cơ lập nghiệp ở vùng ven biển, hải đảo Quảng Ngãi; một số hình ảnh về di tích, nhà thờ các Cai đội Hoàng Sa và Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa tại huyện Lý Sơn; một số tư liệu, hiện vật, hình ảnh về đời sống văn hóa tinh thần và tín ngưỡng của ngư dân vùng ven biển và hải đảo tỉnh Quảng Ngãi...

Các hoạt động tuyên truyền hướng về biển đảo của ngành Giáo dục Quảng Ngãi đã từng bước trở thành hoạt động thường xuyên trong các nhà trường hiện nay. Những hoạt động này góp phần nâng cao hiểu biết về ý thức bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo Việt Nam, giáo dục tinh thần yêu nước và sẵn sàng bảo vệ quê hương, đất nước cho học sinh, nhất là học sinh cấp THCS và THPT.

Lý Sa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.