Quảng Ngãi: Đầu tư hàng chục tỷ đồng xây trường rồi… bỏ hoang

GD&TĐ - Trường THPT Phó Gia Mục (xã Trà Bình, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) được xây dựng với tổng vốn đầu tư 43 tỷ đồng.

Trường THPT Phó Mục Gia được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn “đắp chiếu” gần 2 năm nay.
Trường THPT Phó Mục Gia được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn “đắp chiếu” gần 2 năm nay.

Công trình hoàn thành đã 2 năm nay nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng do chưa có quyết định thành lập trường. 

Chỉ là vỏ bọc… trường

Dự án Trường THPT Phó Mục Gia được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt đề án thành lập trường vào đầu năm 2017. Việc thành lập trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho HS các xã khu Đông của huyện Trà Bồng và các xã lân cận của huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh. UBND huyện Trà Bồng làm chủ đầu tư dự án xây dựng trường với tổng số vốn là 43 tỷ đồng.

Trường gồm có một dãy phòng học, phòng bộ môn, khu nhà hiệu bộ 3 tầng, nhà thi đấu đa năng, nhà công vụ cho GV, nhà để xe… đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 500 HS. Công trình xây dựng dự án Trường THPT Phó Mục Gia đã hoàn thành vào năm 2019 nhưng vẫn chưa được đưa vào khai thác.

Theo như đề án thành lập trường, sau khi dự án hoàn thành, UBND huyện Trà Bồng có trách nhiệm làm tờ trình báo cáo Sở GD&ĐT để trình UBND tỉnh ra quyết định thành lập trường. Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đã 3 lần tổ chức kiểm tra nhưng vẫn chưa thể nhận bàn giao do một số hạng mục chưa thực hiện.

Ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết, việc thành lập một trường THPT mới trên địa bàn huyện Trà Bồng nằm trong quy hoạch trường lớp của Quảng Ngãi. Tuy nhiên, thời điểm xây dựng đề án, để không làm phát sinh thêm một đơn vị sự nghiệp công, UBND huyện Trà Bồng và Sở GD&ĐT thống nhất sẽ thành lập trường có hai cấp học. Trên cơ sở này, UBND huyện Trà Bồng đã xây dựng đề án thành lập Trường THCS & THPT Phó Mục Gia, trình Sở GD&ĐT thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thành lập trường.

Khi thẩm định, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi không đồng ý với hai nội dung. Trước hết, thời điểm trình đề án thành lập trường là tháng 6/2020, dự án chưa nghiệm thu cơ sở vật chất. Khi UBND huyện Trà Bồng đã tổ chức nghiệm thu công trình vào thời điểm 30/9, Sở GD&ĐT cho rằng, huyện mới chỉ thực hiện xong dự án xây dựng chứ chưa hoàn thành đề án.

Ông Đỗ Văn Phu lý giải: “Trường THPT Phú Mục Gia mới chỉ là dự án, chứ chưa thành trường. Tức là đã hoàn thiện phần xây dựng, đã có vỏ phòng học, khu hiệu bộ, phòng bộ môn… Thế nhưng, phần ruột bên trong như bàn ghế, thiết bị đồ dùng dạy học, sách vở, tài liệu tham khảo… chưa được mua sắm, trang bị. Trách nhiệm của UBND huyện Trà Bồng là phải thực hiện xong đề án theo quyết định của UBND tỉnh”.

Trong khi đó, UBND huyện Trà Bồng cho rằng, trang thiết bị phục vụ giảng dạy ở bậc THPT là thuộc quyền quản lý của Sở GD&ĐT, nên rất khó để huyện tổ chức triển khai thực hiện. 

Không phải là điểm nóng về áp lực tuyển sinh

Ông Đỗ Văn Phu cho biết, theo điều lệ thành lập mới trường THPT, UBND huyện sẽ thành lập đề án, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các sở có liên quan rồi giao lại cho huyện làm chủ đầu tư.

Huyện phải xong dự án, lập báo cáo rồi làm tờ trình cùng hồ sơ có liên quan gửi về Sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT sẽ xem xét để làm tờ trình gửi UBND tỉnh, trên cơ sở này, UBND tỉnh sẽ ra quyết định thành lập trường. Lúc đó, Sở GD&ĐT mới lo bộ máy, đội ngũ và thực hiện tuyển sinh.

“Sở GD&ĐT đã có các văn bản hướng dẫn rất cụ thể cho UBND Trà Bồng về việc mua sắm cái gì, danh mục trang thiết bị như thế nào nên không thể nói là không thuộc thẩm quyền của UBND huyện”, ông Phu nói.

Hiện trường THPT trên địa bàn huyện Trà Bồng đã gần như “vét” hết số HS lớp 9 lên lớp 10 của huyện. Chính vì vậy, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cũng đang tính đến phương án hợp lý nhất nếu đưa Trường THCS & THPT Phó Mục Gia vào hoạt động.

Ông Phu thông tin: “Có thể phải xóa 1 trường THCS hiện tại của xã Trà Bình để chuyển toàn bộ HS sang học tại Trường THCS & THPT Phó Mục Gia và tiến hành tuyển sinh lớp 10 thì mới đủ số lượng HS. Không thể thành lập một trường THPT độc lập mà chỉ có khoảng 100 HS được”.

Tuy nhiên, với phương án này, Sở GD&ĐT sẽ gặp khó khăn trong công tác quản lý với mô hình trường 2 cấp học. “Địa phương sẽ được giảm biên chế, nhưng cùng một lúc, Sở GD&ĐT phải quản lý chuyên môn và đội ngũ GV của cả bậc THCS vốn lâu nay đã phân cấp cho phòng GD&ĐT. Chưa kể là đội ngũ CBQL của trường THCS hiện có của địa phương sẽ dôi dư khi thành lập trường liên cấp” – ông Phu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ