Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi: Nguy cơ “sóng đô thị” nuốt chửng làng chài

GD&TĐ - Rất nhiều làng chài của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã bị xóa sổ trước cơn lốc đô thị hóa.

Làng chài Nam Ô hơn 700 năm tuổi dưới chân đèo Hải Vân chỉ còn khoảng 160 hộ dân theo nghề biển.
Làng chài Nam Ô hơn 700 năm tuổi dưới chân đèo Hải Vân chỉ còn khoảng 160 hộ dân theo nghề biển.

Theo nhóm giảng viên của Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, muốn tồn tại, các làng chài này ngoài vươn khơi bám biển cần phải biết “đánh bắt” khách du lịch. 

Bản đồ hóa những làng chài ven biển

Một số người dân vui mừng trước thông tin chính quyền Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch Khu du lịch sinh thái Nam Ô để không ảnh hưởng đến không gian di tích văn hóa tâm linh của làng. Những lối xuống biển của ngư dân cũng được mở ra để ngư dân di chuyển ngư cụ cho mỗi chuyến ra khơi. 

Thế nhưng, không ít hộ dân làm nước mắm ở Nam Ô vẫn đau đáu với nghề bởi để nhường đất cho dự án du lịch, nhiều gia đình đã phải chuyển nhà về nơi tái định cư. Làm nghề biển mà không gần biển nên bất tiện đủ đường. Làng chài Tân An và An Đồn, tuy vẫn giữ nguyên cấu trúc theo truyền thống lâu đời với cây đa, đình làng, miếu xóm… nhưng người làng đã gần như không còn ai theo nghề biển. 

Trong số 17 làng chài ven biển của Đà Nẵng, chỉ có làng chài Nam Ô là có số lượng hộ dân theo nghề biển lớn nhất với 160. Tiếp sau là làng Mân Thái với 150 hộ. 

Ông Nguyễn Tấn Vinh – lão ngư ở Nam Ô đang theo nghề làm nước mắm truyền thống cho biết, cả làng giờ chỉ còn khoảng 120 hộ làm nghề đánh bắt ven bờ bằng ghe nhỏ, thúng chai. Khoảng 40 – 50 hộ sản xuất nước mắm, phơi khô cá, khô mực. 

Ở thời kỳ cực thịnh, Nam Ô có khoảng 700 hộ dân sống bám vào biển với những chiếc ghe mành, thúng máy ra khơi mỗi ngày. Hiện, có những làng biển như Thanh Bình, chỉ còn hai hộ theo nghề biền.

Trên cơ sở xác định sự tồn tại, biến mất hoặc thay đổi và khả năng duy trì, phát triển của mỗi làng chài dựa trên các chỉ số liên quan đến hoạt động ngư nghiệp, ngư dân và cộng đồng làng chài, Th.S-KTS Phan Trần Kiều Trang (GV Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) và cộng sự đã xây dựng hồ sơ các làng chài để có những đề xuất phù hợp.

“Nhu cầu kết nối, tạo thành mạng lưới các làng chài hiện nay là có. Tuy nhiên, làm thế nào để các làng chài chủ động ngồi lại cùng nhau thảo luận, chia sẻ và trên hết hành động vì sự phát triển chung của cộng đồng làng chài vẫn chưa có câu trả lời” – KTS Kiều Trang gợi mở. 

Đánh bắt truyền thống kết hợp du lịch

Trung tâm học tập gắn kết cộng đồng của Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng đã tổ chức đã tổ chức cho đại diện ngư dân từ các làng chài tham quan học tập mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam) và đảo Bé của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Các ngư dân cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm để có thể áp dụng mô hình này theo điều kiện thực tế tại cộng đồng mình. KTS Kiều Trang chia sẻ: “Mô hình sinh kế kết hợp giữa đánh bắt truyền thống với du lịch sinh thái vào cộng đồng đã và đang áp dụng thành công ở nhiều làng chài không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới”. 

Ông Dương Mạnh Tấn – ngư dân trú tại thôn Cấm (xã Tân Hiệp, TP Hội An) kể: “Nguồn lợi thủy sản ở đây đang bị khai thác đến mức cạn kiệt. Không chỉ ngư dân trong vùng khai thác mà còn ở các địa phương lân cận đến đánh bắt, vừa xung điện, bắn, lặn đêm cũng làm giảm nguồn lợi thủy sản”. 

Theo thống kê sợ bộ, tại Tân Hiệp, ngoài các ngư dân địa phương hành nghề lặn bộ, có khoảng 10 thuyền lặn, đánh bắt hải sản bằng ống dẫn khí oxy. Tuy nhiên, số thuyền từ các địa phương khác đến Tân Hiệp khai thác thủy sản không dưới 50 thuyền và tổ chức đánh bắt cả ngày lẫn đêm. 

Gia đình ông Hồ Thương – thôn Bãi Làng của xã đảo Tân Hiệp trước đây hành nghề đánh bắt xa bờ rồi chuyển về đánh bắt gần bờ nhưng thu nhập bấp bênh. Một chương trình hỗ trợ cộng đồng của Đan Mạch hỗ trợ gia đình ông 1.500USD để cải hoán tàu đánh cá thành tàu du lịch đầu tiên trên đảo. Ngoài kinh doanh homestay, ông Thương còn tham gia đội cộng đồng chung tay bảo tồn tài nguyên trên biển. 

“Năm đầu tiên lượng khách không nhiều, rồi cũng tăng dần lên vào những năm sau. Thu nhập gia đình tôi ổn định hơn trước nhiều. Người dân Cù Lao Chàm đều được tuyên truyền và ý thức được rằng cần phải bảo tồn để bảo đảm cân bằng cho hệ sinh thái của khu bảo tồn. Đây là biện pháp để giữ sinh kế bền vững cho người dân trên đảo” – ông Thương bày tỏ. 

Mô hình đồng quản lý bảo tồn biển đầu tiên của Quảng Nam được áp dụng tại Cù Lao Chàm. Cộng đồng ngư dân cùng chia sẻ trách nhiệm và lợi ích trong việc quản lý, khai thác hợp lý, bền vững nguồn lợi hải sản và các giá trị kinh tế - xã hội ở Cù Lao Chàm. Trong đó, ngư dân thực hiện tuần tra, kiểm soát, phát hiện và phối hợp với lực lượng chức năng xử lý các trường hợp đánh bắt hải sản trong vùng cấm.

Đây cũng là điểm sáng trong khai thác, bảo tồn nguồn lợi hải sản trên cả nước. Sau Cù Lao Chàm, Quảng Nam xây dựng thêm 3 mô hình cộng đồng quản lý nghề cá tại xã Duy (Duy Xuyên), Bình Hải (Thăng Bình) và Tam Tiến (Núi Thành). Diện tích bảo tồn biển nhờ vậy đã được gia tăng đáng kể, nhất là bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ. 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng cũng đã đề xuất ý tưởng “Đưa nghệ thuật cộng đồng vào không gian sống – Bảo tồn Làng biển xưa Đà Nẵng”.

Giải pháp đưa nghệ thuật cộng đồng vào không gian sống cho làng biển Tân An, An Đồn với những nét riêng có của làng biển để thu hút khách tham quan là một cách để giúp người dân có thêm thu nhập. Điều này cũng gìn giữ văn hóa của một làng biển lâu đời hiếm hoi còn sót lại giữa đô thị Đà Nẵng khi bao quanh làng là cao ốc, khách sạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.