Ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã tích cực tham mưu và đã được UBND tỉnh ban hành chính sách thuộc lĩnh vực quản lí của ngành giáo dục; triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, 5 giải pháp theo Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT ngày 26/8/2016 của Bộ GDĐT chỉ đạo đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh, nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục phổ thông; chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh,...
Công tác tuyển sinh được thực hiện theo đúng quy định, công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành. Công tác cải cách hành chính; kỷ cương, kỷ luật.. của ngành được thực hiện kịp thời, hiệu quả, công khai minh bạch tạo sự đồng thuận trong ngành và xã hội.
Môt kết quả nổi bất khác nữa là kết thúc năm học 2016-2017, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non và trẻ 5 tuổi(GDMNTNT). 183/184 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDMNTNT, 14/14 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGDMNTNT, tỷ lệ 100%; 184/184 xã, 14/14 huyện, thành phố duy trì bền vững kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 183/184 xã, 14/14 huyện, thành phố đạt phổ cập giáo dục THCS.
Toàn ngành đã đầu tư 367,317 tỉ đồng: xây dựng mới 132 phòng học kiên cố, 127 phòng học bán kiên cố, sửa chữa hơn 300 phòng học. Tu sửa các phòng bộ môn, nhà vệ sinh, tường rào, bàn ghế và nhà ở bán trú cho học sinh, nhà công vụ giáo viên.
Ngoài ra, các đơn vị, cơ sở giáo dục đã cung ứng, trang thiết bị dạy học để phục vụ năm học, kịp thời tham mưu với các cấp, ngành cấp phát sách giáo khoa, cho học sinh con em gia đình chính sách, học sinh người dân tộc thiểu số,...có đủ phương tiện học tập.
Trong năm học, có 38.479 lượt học sinh được miễn, giảm, nhận học bổng từ các nguồn kinh phí hợp pháp với số tiền hơn 20 tỷ đồng cấp hỗ trợ gạo cho học sinh theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP”, ông Đỗ Văn Phu chia sẻ.
Hiện nay, trong tổng số 14 huyện/thành, tỉnh Quảng Ngãi có đến 6 huyện miền núi nằm trong 63 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước và 1 huyện đảo. Với những khó khăn đặc thù riêng như vậy, trong thời gian qua và cả hiện nay, ngành GD&ĐT phải đối với rất nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến kết quả việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm học. Cụ thể như: Một số đề án, kế hoạch thực hiện chậm tiến độ; phòng học cho giáo dục mầm non còn thiếu.
Đề án xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú theo Quyết định 1038/QĐ-UBND ngày 31/7/2013 không khả thi, đến khi tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 368/QĐ-UBND ngày 14/3/2016 thay thế; Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Riêng đối với giáo dục mầm non còn 40 phòng tạm, mượn trường Tiểu học và nhà văn hóa thôn (tỷ lệ 2,2%), 183 công trình vệ sinh tạm (ở điểm lẻ)...
Tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn cao (0,69%). Tiểu học: 24, tỷ lệ 0.02%, tăng so với cùng kỳ năm trước 0,01%; THCS: 571, tỷ lệ 0,79% giảm so với cùng kỳ năm trước 0,09%; THPT: 841, tỷ lệ 2,28% giảm so với cùng kỳ năm trước 0,05%. Nguyên nhân bỏ học: do học yếu nên chán nản; một bộ phận sinh viên ra trường không có việc làm nên tác động đến tâm lý, nhận thức của học sinh dẫn đến bỏ học; một số gia đình chưa quan tâm kịp thời đến con em, phó mặc cho nhà trường; một số học sinh THCS, THPT ở miền biển bỏ học để đi làm biển để có thu nhập cao cho gia đình và nạn tảo hôn của học sinh ở miền núi vẫn còn xảy ra.
Qua rà soát, đánh giá lại các trường đạt chuẩn quốc gia sau 5 năm, có 131 trường không có khả năng duy trì được chuẩn ở các bậc học; qua rà soát, đánh giá của 14 phòng GD&ĐT huyện, thành phố, số lượng học sinh tiểu học chưa biết đọc, viết, tính toán, đọc chậm, viết chậm... còn cao. Chỉ tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn còn bấp bênh, nguyên nhân là do nhiều trường chưa đảm bảo điều kiện về diện tích đất, cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư còn ít.
Ông Đỗ văn Phu cho biết thêm: Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do hiện nay việc phân cấp quản lý tài chính về giáo dục đào tạo hiện nay tại các huyện, thành phố trong tỉnh chưa thống nhất, ngành giáo dục chưa chủ động trong việc sử dụng kinh phí sự nghiệp giáo dục và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng, chống xuống cấp trường lớp, hoạt động chuyên môn.
Công tác tham mưu của một số cán bộ quản lý chưa kịp thời, quản lý chất lượng, kiểm tra, giám sát ở một số cơ sở giáo dục chưa được coi trọng đúng mức. Một bộ phận giáo viên ngại đổi mới trong dạy học; ứng dụng CNTT; sử dụng thiết bị dạy học được trang bị còn nhiều hạn chế...Một số văn bản về thực hiện cơ chế, chính sách giáo dục và đào tạo còn bất cập, chưa sát với thực tiễn, cấp quản lý chậm điều chỉnh, bổ sung.