Trên diện tích đất khoảng 200m2 vùng đồi núi cạnh trường được cải tạo bằng phẳng, khi năm học mới khai giảng cũng là lúc thầy cô và các em học sinh đi mua hạt giống các loại rau, phân bón về cùng tổ chức gieo trồng.
Nhìn những luống rau muống, rau cải, rau thơm… vừa gieo trồng được gần 3 tuần bắt đầu xanh tươi trông thật thích.
Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập cho biết, điểm trường chính có 325 học sinh, trong đó có 265 em bán trú. Mỗi em được Nhà nước hỗ trợ 40% mức lương cơ bản. Số tiền này được nhà trường tổ chức nấu ăn cho các em bán trú.
“Với 40% mức lương cơ bản này gồm dầu ăn, mắm, muối, dầu gội đầu… cho một em bán trú, nhà trường phải đảm bảo ngày ăn 3 bữa cho các em. Trong đó không kể gạo được nhà nước hỗ trợ riêng”, thầy Phương cho biết.
Với số tiền trên thì để tổ chức nấu ăn cho các cháu thì phải biết gói ghém, nếu không sẽ thiếu. Để có thêm rau xanh, thịt cho các em trong bữa ăn, các thầy cô nhà trường cùng nhau tăng gia.
Cô giáo Trần Thị Tú Điển - một giáo viên ở huyện đồng bằng Thăng Bình lên miền núi Nam Trà My công tác từ năm 2015 cũng tham gia trồng rau, nuôi lợn.
Cô cho biết, cả trường đều tham gia trồng rau và nuôi lợn trong không khí vui vẻ. Cứ hết giờ học, thầy cô lại ra vườn rau chăm sóc, vừa có thực tế, vừa có rau xanh ăn hàng ngày.
Vườn rau này của nhà trường được thầy cô và học sinh bắt tay vào thực hiện từ năm học 2018-2019. Năm học này là năm thứ hai nhà trường tiếp tục thực hiện để các cháu học sinh của trường cùng những thầy cô ở lại có thêm rau xanh trong bữa ăn hàng ngày vì miền núi Nam Trà My đường xa cách trở, lương thực, thực phẩm đưa lên đến nơi đều có giá cao hơn ở đồng bằng.
Không những trồng rau, nhà trường còn tổ chức nuôi lợn để có thêm thịt cho thầy trò của trường. Thầy Lê Huy Phương cho biết, ngày 25/9, nhà trường đã xuất chuồng được 4 tạ lợn thịt. Còn lại 3 con khoảng 1,5 tạ để cho các cháu bán trú cùng thầy cô của trường ăn dần.
Theo thầy Phương, mỗi lứa nhà trường nuôi từ 10-12 con lợn. Đàn lợn này cũng được cả trường cùng nhau chăm lo. Tận dụng phụ phẩm thừa của trường nên cũng không tốn nhiều tiền mua thức ăn cho lợn. Đến khi xuất chuồng, nhà trường “để dành” vài con cho cả trường.
“Vừa rồi có dịch tả lợn châu Phi nhưng cũng may đàn heo của trường không nhiễm bệnh nên mới vừa xuất chuồng được 4 tạ. Dự kiến nhà trường cũng sẽ làm thêm chuồng để nuôi gà, vịt tăng gia cho các em học sinh”, thầy Phương chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên về cách làm của nhiều trường trên địa bàn huyện Nam Trà My tổ chức tăng gia nuôi trồng, phụ thêm cho bữa ăn các cháu họ sinh bán trú có chất, thầy Võ Đăng Thuận - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Nam Trà My cho biết, trước đây Phòng phát động phong trào trồng rau xanh rau, rau sạch để phục vụ cho học sinh bán trú ở những trường có điều kiện đất đai rộng, đảm bảo.
Theo thầy Thuận, trên địa bàn huyện hiện những trường đủ điều kiện để trồng rau sạch rất ít vì địa hình đồi núi, nhưng cũng có nhiều trường có diện tích để trồng rau xanh phục vụ cho các cháu bán trú.
“Việc các trường trồng bí, bầu, rau xanh có ý nghĩa thứ nhất là phục vụ thức ăn tươi cho học sinh bán trú. Cái thứ hai là hướng cho học sinh biết cách lao động, sản xuất…”, thầy Thuận cho biết.