Bài học kinh nghiệm
Năm 2016, Học viện Tài chính hoàn thiện báo cáo tự đánh giá và được Bộ GD&ĐT cho phép đánh giá ngoài. Tháng 3/2017, Học viện được Trung tâm KĐCL GD của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam trao quyết định đạt chuẩn chất lượng GD. PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện cho biết, thông qua công tác tự đánh giá hằng năm và kết quả đánh giá ngoài, Học viện xây dựng được hệ thống quản trị đại học và hình thành văn hóa quản lý chất lượng.
“Có thể nói, công tác KĐCL tác động lớn đến các mặt công tác của Học viện. Đoàn đánh giá ngoài góp ý với Học viện nhiều ý kiến quý báu. Theo đó, các chuyên gia chỉ ra các điểm mạnh cần phát huy, những tồn tại cần khắc phục và gợi ý cho Học viện hướng khắc phục tồn tại đó” - PGS Nguyễn Trọng Cơ chia sẻ, đồng thời cho hay: Hiện nay, Học viện rà soát theo định kỳ để điều chỉnh lại chiến lược phát triển và kế hoạch thực hiện chiến lược đó. Ngoài ra, Học viện còn tổ chức thảo luận lấy ý kiến rộng rãi về sứ mạng nhằm tranh thủ trí tuệ của tập thể cán bộ giảng viên để điều chỉnh cho phù hợp.
Sau một chu trình hành động cải tiến chất lượng, Học viện đánh giá hiệu quả đạt được và sự hài lòng của các bên liên quan. Thông qua việc khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp để có những điều chỉnh kịp thời và xác lập chuẩn chất lượng cho chu trình kế tiếp.
PGS Nguyễn Trọng Cơ cho biết thêm, một bài học kinh nghiệm khác được Học viện rút ra từ công tác kiểm định đó là, với mỗi công việc cụ thể cần xây dựng quy trình tổ chức, thực hiện. Các công việc phải được duy trì thường xuyên và liên tục. Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, cần định kỳ kiểm tra tiến độ thực hiện nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh, đảm bảo kế hoạch được tiến hành đúng thời hạn và đạt được mục đích đề ra.
Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá cần tuân thủ nguyên tắc: Giúp cá nhân, tổ chức nhận ra ưu và khuyết điểm của mình trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó tiếp tục hành động để đạt kết quả cao hơn. Kết thúc một kế hoạch hành động phải có báo cáo tổng kết; trong đó nêu rõ những việc đã làm được một cách cụ thể cũng như hiệu quả và tác động của hoạt động đó đến chất lượng GD của nhà trường. Đồng thời làm rõ những việc chưa làm được, phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan. Qua đó rút kinh nghiệm và có phương hướng hành động cho lần kế tiếp.
Tham gia KĐCL giúp nhà trường rà soát lại toàn bộ hoạt động. Ảnh minh họa/ Internet |
Sinh viên đánh giá giảng viên
Là trường đã đạt KĐCL GD, TS Lâm Thành Hiển - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho biết, bộ tiêu chuẩn về KĐCL đánh giá đầy đủ các hoạt động của trường, từ đội ngũ cán bộ giảng viên cho đến cơ sở vật chất, tài chính.... Điều đáng nói, qua kiểm định nhà trường thấy được điểm mạnh, điểm yếu để điều chỉnh theo hướng tốt hơn.
Minh chứng cho nhận định trên, TS Lâm Thành Hiển dẫn giải: Trước đây, phương pháp giảng dạy của giảng viên chưa đa dạng, nhưng sau kiểm định thì mọi chuyện đã thay đổi, phương pháp GD-ĐT của giảng viên đa dạng và phù hợp hơn với sinh viên.
Đặc biệt tư duy nhận thức của giảng viên cũng thay đổi đáng kể. Chẳng hạn: Nếu như những năm trước, việc để sinh viên nhận xét, đánh giá giảng viên vẫn còn khoảng cách dài và rộng. Nhưng nay mọi chuyện đã khác, không những giảng viên sẵn sàng lắng nghe sinh viên nhận xét, đánh giá về mình mà còn đón nhận với tinh thần rất cầu thị. Bởi họ cho rằng, đó cũng là một kênh thông tin để soi chiếu bản thân, từ đó có thể cải tiến phương pháp giảng dạy của mình được tốt hơn.
Cũng theo TS Lâm Thành Hiển, tham gia KĐCL; cơ sở GD mang đến nhiều lợi ích cho nhà trường. Trong quá trình kiểm định, các chuyên gia sẽ góp ý những mặt được và chưa được; đồng thời khuyến nghị các giải pháp để khắc phục những nhược điểm còn tồn tại để nhà trường điều chỉnh.
Chẳng hạn như: Các chương trình đào tạo sát với thực tế hay chưa, có đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động hay không…? “Thông qua công tác kiểm định, quy trình làm việc của chúng tôi bài bản hơn. Nhà trường có bản mô tả cho từng vị trí công việc. Còn các cá nhân đã tự xây dựng kế hoạch làm việc riêng cho mình” - TS Lâm Thành Hiển chia sẻ.
GS.TS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Quản lý và Công nghệ Hải Phòng chia sẻ: Tham gia KĐCL giúp nhà trường rà soát lại toàn bộ hoạt động, từ vấn đề quản trị cho đến chất lượng chương trình đào tạo. Bởi khi đó, nhà trường sẽ được đánh giá trong và đánh giá ngoài. Nếu không có KĐCL, nhiều vấn đề về quản trị, về đào tạo nhà trường sẽ không biết nên khó có thể thực hiện được tốt.