Nhọc nhằn con chữ miền biên viễn

GD&TĐ - Mẹ mất tích nghi là bị bắt cóc khi đi làm nương cách đây khoảng 7, 8 năm, bố mất vì bị cảm năm 2015, 4 anh em mồ côi sống cùng nhau dưới một mái nhà, đứa lớn nuôi đứa bé. Để được cắp sách tới trường, theo đuổi ước mơ con chữ, với Thò Mí Cơ, học sinh lớp 7, Trường PTDTBT THCS Lũng Cú, Đồng Văn (Hà Giang) vẫn là giấc mơ xa vời.  

Ba anh em Thò Mí Cơ (bên trái) cùng anh trai Thò Mí Nhù và em gái Thò Thị Chở
Ba anh em Thò Mí Cơ (bên trái) cùng anh trai Thò Mí Nhù và em gái Thò Thị Chở

Ngôi nhà đất tuềnh toàng và 4 anh em mồ côi

Ngôi nhà nhỏ được dựng sơ sài ở lưng chừng đồi bằng những mảnh ván là nơi trú ngụ của 4 anh em Thò Mí Cơ thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đó là một ngôi nhà đất tuềnh toàng với món đồ đáng giá nhất trong nhà là cái bếp gas.

Nhà Thò Mí Cơ có 4 anh em, em út là Thò Mí Chở học lớp 5 Trường PTDTBT Tiểu học Lũng Cú. Anh lớn nhất là Thò Mí Nhù năm nay 24 tuổi. Anh kế tiếp là Thò Mí Hờ năm nay 18 tuổi.

Qua câu chuyện, chúng tôi mới thấu hiểu được cảnh cơ cực của 4 anh em mồ côi dựa vào nhau để sống. Mẹ Cơ mất tích nghi là bị bắt cóc khi đi làm nương cách đây khoảng 7, 8 năm, bố em mất vì cảm năm 2015. Mất cha, thiếu mẹ, những đứa trẻ lớn lên trong thiếu thốn đói khát. Các em lớn lên hoang dại như cây cỏ vì thiếu tình thương, bàn tay chăm sóc hàng ngày của cha mẹ.

Nỗi nhọc nhằn làm oằn đôi vai gầy của anh trai cả Thò Mí Nhù. Làn da cũng theo cái nắng, gió của miền biên viễn mà đen quánh lại. 24 tuổi mà trông Thò Mí Nhù chỉ như trẻ lớp 7 nơi thành phố. Duy chỉ có đôi mắt, non nớt mà đầy lo toan vẫn sáng ngời niềm tin, hy vọng.

Hiện Cơ và em gái sống cùng anh trai cả Thò Mí Nhù 24 tuổi đã có vợ. “Cháu thương 2 em lắm, các em rất ngoan. Đã lâu rồi bọn cháu chưa biết đến mùi vị của miếng thịt. Có gạo nấu cơm ăn là đã đủ lắm rồi nên cả 3 anh em cháu không dám mơ ước nhiều, chỉ mong được đến trường đi học để tìm con chữ như các bạn thôi” - anh trai Thò Mí Nhù chia sẻ.

Khao khát học thêm con chữ

Cô giáo Phạm Thị Tuyển, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lũng Cú, Hà Giang cho biết, nhà Thò Mí Cơ cách trường khoảng 3km. Em là học sinh bán trú ở tại trường, thường về nhà một vài lần trong tuần và vào những ngày nghỉ cuối tuần. Em Cơ có lực học trung bình nhưng rất ngoan, học tập chăm chỉ, ý thức kỷ luật tốt.

Nhìn cậu bé nhỏ thó, khuôn mặt hiền lành, tôi cứ thầm cầu mong các nhà hảo tâm hãy giúp em thực hiện được giấc mơ vào đại học. Bởi cậu bé khát khao học lên cao để giúp gia đình thoát khỏi đói nghèo.

Các cô giáo ở đây tâm sự, anh trai của Cơ là Thò Mí Nhù không uống rượu, chăm chỉ lao động để dành tiền kiếm được để nuôi em và giờ là nuôi vợ với con nữa.

Cô Tuyển cho biết, do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, em Cơ luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của thôn, xã, các thầy cô giáo phụ trách thôn và giáo viên chủ nhiệm thường xuyên đến nhà gặp gỡ, động viên anh trai quan tâm và tạo điều kiện để em Cơ yên tâm học tập.

“Nhìn bọn trẻ không người lớn trông nom tội lắm. Nhất là những khi vùng cao chuyển rét, trong căn nhà tuềnh toàng, lại thiếu hơi ấm tình thương, thiếu sự vỗ về chăm sóc của cha mẹ. Thương lắm!” - cô Tuyển xúc động nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.