Quảng cáo sai sự thật, nghệ sĩ xin lỗi là hết trách nhiệm?

GD&TĐ - Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, không ít nghệ sĩ đã tận dụng để nâng cao thu nhập cá nhân.

Minh họa/ITN.
Minh họa/ITN.

Trong hành vi văn hóa ứng xử lệch chuẩn của nghệ sĩ với công chúng, việc các diễn viên, ca sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sai sự thật đặc biệt bị dư luận lên án.

Cũng bởi, đây là hành vi không chỉ trục lợi từ danh tiếng, mà còn gây ra những thiệt hại cho công chúng, song trách nhiệm của nghệ sĩ chỉ dừng lại ở việc xin lỗi…

Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, không ít nghệ sĩ đã tận dụng để nâng cao thu nhập cá nhân. Nhiều trang cá nhân của họ nhanh chóng biến thành nơi bán hàng, quảng cáo sản phẩm giảm cân, dưỡng da, dưỡng tóc, phẫu thuật thẩm mỹ… hoặc tinh vi hơn là chia sẻ trải nghiệm cá nhân, kiến thức phổ thông...

Có người khéo nhắc tới tên thương hiệu sản phẩm, dịch vụ khi biểu diễn. Trong đó, nhiều sản phẩm chưa được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng vậy mà nghệ sĩ luôn khẳng định là tốt, an toàn khiến không ít người tin và mua rồi rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.

Theo TS Cao Ngọc, hiện nay đa số người tiêu dùng có tâm lý tin tưởng và lựa chọn mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà nghệ sĩ họ yêu thích quảng cáo. Vì vậy, nhiều nhãn hàng, tổ chức cung cấp dịch vụ dựa vào những ảnh hưởng của người nổi tiếng, nương nhờ vào sự lan tỏa của họ để đưa việc nhận diện sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng, khiến họ dễ dàng tin tưởng, lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ này.

Cũng theo TS Cao Ngọc, đây không phải là câu chuyện của riêng ở Việt Nam mà trên thế giới cũng rất phổ biến. Đôi khi, nó là sự tự hào, thước đo cho sự nổi tiếng, vị trí của nghệ sĩ với người cùng giới hoạt động và cát-xê được tính theo độ nổi tiếng này.

Nhưng đáng trách là các nghệ sĩ vì nhiều lý do như bận rộn, tin tưởng vào người quản lý, thương hiệu, hoặc đơn giản hơn, họ chỉ quan tâm tới cát-xê chứ không màng tới chất lượng hàng hóa mà quảng cáo, càng chẳng nói tới việc tìm hiểu, dùng thử trước khi thực hiện hợp đồng quảng cáo. Điều này dẫn tới hệ lụy: Số đông công chúng yêu mến họ lựa chọn sai sản phẩm, ảnh hưởng tới kinh tế, sức khỏe…

“Việc quảng cáo sai sự thật là hành vi vi phạm trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng, lợi dụng sự tin tưởng, tình cảm của công chúng dành cho họ. Thiếu trách nhiệm, trục lợi theo cách bất chấp, gây ra những hậu quả như tổn hại sức khỏe, tinh thần, niềm tin, tiền bạc của công chúng, những nghệ sĩ này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, gây ra những lỗi lớn trong ứng xử văn hóa với số đông”, TS Cao Ngọc đánh giá.

Nghệ sĩ nên có trách nhiệm với việc mình làm. Ảnh minh họa: ITN.

Nghệ sĩ nên có trách nhiệm với việc mình làm. Ảnh minh họa: ITN.

Sinh thời, tác giả Nguyễn Hiếu cũng đặc biệt phê phán việc không ít nhãn hàng, doanh nghiệp và cả chính nghệ sĩ đã lợi dụng tên tuổi, sự nổi danh của mình để kiếm tiền.

Nhiều nghệ sĩ sẵn sàng kí hợp đồng quảng cáo các mặt hàng chưa kiểm nghiệm, nhất là thuốc chữa bệnh; làm cho tưởng như nghề nghệ sĩ là nghề gắn với ốm đau, sầu não, bệnh tật…

“Nhiều nghệ sĩ khi bị dư luận phản đối, lên án vì sự quảng cáo bừa bãi, thiếu trách nhiệm này đã lên tiếng thanh minh rằng bị các doanh nghiệp, nhà thuốc lợi dụng, dùng kĩ thuật ghép hình chứ bản thân nghệ sĩ không kí hợp đồng quảng cáo.

Dù bị lợi dụng, gán ghép thế nào thì tư cách người nghệ sĩ là điều quan trọng nhất mà mỗi nghệ sĩ cần bảo vệ để lưu hình ảnh đẹp trong mắt đông đảo quần chúng”, tác giả Nguyễn Hiếu bày tỏ quan điểm.

Về chế tài xử phạt những vi phạm này, nhiều người cho rằng, vẫn chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Áp lực dư luận chưa đủ mạnh nên các vụ việc sai phạm bị phát hiện, xử lý ồn ào một thời gian nhưng cuối cùng… “đâu vẫn vào đấy”!

Thực trạng đó sẽ khiến các hành vi xấu xí ấy vẫn tiếp diễn, bởi hành vi của các nghệ sĩ, nhất là những người nổi tiếng, có ảnh hưởng rất lớn đến công chúng và toàn xã hội, nên chúng sẽ tác động xã hội rất lớn.

Trong khi đó, ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc có những chế tài khá mạnh với các hành vi quảng cáo sai sự thật như phạt hành chính rất nặng, cấm tham gia quảng cáo…

Nhật Bản cũng yêu cầu nghệ sĩ khi quảng cáo phải có trách nhiệm cung cấp thông tin khách quan, loại bỏ những thông tin sai lệch và các cụm từ có tính chất tuyệt đối hóa như: “Tốt nhất”, “hiệu quả nhất”, “thần dược”… không được phép sử dụng.

“Ở Việt Nam, dường như vẫn còn thả lỏng mảng này, quy định hay chế tài xử phạt cho những sai phạm trong việc quảng cáo vẫn chưa đủ nghiêm và mạnh.

Còn nhớ, hàng loạt nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, nói quá công dụng đã bị công chúng lên tiếng, truyền thông vào cuộc và chỉ đến khi đó, một số nghệ sĩ mới lên tiếng xin lỗi hoặc âm thầm chờ… thời gian trôi, sự việc đi vào quên lãng”, TS Cao Ngọc nhấn mạnh.

“Nghệ sĩ được công chúng mến mộ thì tất nhiên công chúng cũng sẽ là người nuôi dưỡng họ. Vì vậy, nghệ sĩ phải mang những điều tốt đẹp nhất đến với công chúng. Tất nhiên, vì miếng cơm manh áo, nghệ sĩ có thể quảng cáo cho mặt hàng này hay làm gương mặt đại diện cho mặt hàng kia nhưng hãy nhớ, vì nhân phẩm, danh dự của người nghệ sĩ và vì sự tin tưởng của công chúng, trước khi làm điều gì đó thì nên có trách nhiệm với việc mình làm” - Nghệ sĩ Ngọc Dương, Nhà hát Chèo Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ