Sáng 15/4, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Phát biểu khai mạc, ông Hồ Giang Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình khẳng định về tầm quan trọng của tiếng Anh. Thực tế, ngành Giáo dục Quảng Bình đã chú trọng nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong trường học thời gian dài, liên tục.
“Hội thảo này để các đơn vị nhìn nhận và đánh giá lại tình hình dạy học bộ môn tiếng Anh trong những năm qua, chia sẻ những giải pháp, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả mà các đơn vị đã thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết.

Là một trong những địa bàn chú trọng dạy học tiếng Anh cho học sinh, ông Lê Ngọc Thành, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy cho biết, đa số trường học tại huyện Lệ thủy đã tiếng Anh vào tiết chào cờ đầu tuần, mời giáo viên nước ngoài vào giảng dạy, tổ chức bồi dưỡng tiếng Anh cho giáo viên, thậm chí là tổ chức dạy song ngữ một số môn.
Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh tại tỉnh Quảng Bình còn không ít khó khăn. Chia sẻ về điều này, bà Trần Thị Thanh Nhàn, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa đã chỉ ra một số khó khăn mà địa phương đang gặp phải, trong đó phải kể đến tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng, kinh phí và sự quan tâm của phụ huynh chưa nhiều.

Trong tham luận của mình, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh chỉ ra nguyên nhân khiến chất lượng dạy học tiếng Anh tại Quảng Bình chưa cao. Môi trường thực hành tiếng Anh chưa nhiều, tâm lý học sinh còn ngại và sợ sai, việc tự học chưa được học sinh chủ động thực hiện, cơ sở vật chất chưa đáp ứng là những thách thức mà huyện Quảng Ninh nói riêng, toàn tỉnh Quảng Bình nói chung đang phải đối mặt.
Ngoài chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của địa phương, trong phát biểu của mình, ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa bày tỏ mong muốn nhận được nhiều hơn sự quan tâm và hỗ trợ về trang thiết bị từ Sở GD&ĐT, có thêm những chương trình tập huấn sử dụng phần mềm, tư vấn phương pháp học phù hợp nhu cầu của học sinh, thêm cơ hội để giáo viên giao lưu, học học về tiếng Anh.

Tại Hội thảo, đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá những khó khăn, thách thức trong việc đổi mới dạy học bộ môn tiếng Anh, từ đó, đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn, để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học thời gian tới.