Mặc dù vậy, nhưng người nông dân vẫn miệt mài chăm sóc tỉ mỉ cho từng gốc hoa với hi vọng “bội thu” như những năm trước.
Nông dân trồng hoa tại phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn) hiện đang tất bật chăm sóc vườn hoa để kịp cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo về thời tiết, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế cũng khiến người trồng hoa lo lắng về sức tiêu thụ.
Nhiều công đoạn chăm sóc
Bà Phạm Thị Dậu, TDP Thủy Sơn, phường Quảng Long chia sẻ: “Sợ ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua của người tiêu dùng giảm nên tôi xuống giống trồng 5 sào hoa bán dịp Tết, còn lại 3 sào tôi đang trồng các loại rau ngắn ngày như: Cải, xà lách để bán, sau khoảng thời gian 1 tháng nữa tôi sẽ làm đất và bắt đầu xuống giống hoa cúc để ra Tết bán phục vụ cho Rằm tháng Giêng”.
Đó không chỉ là lo lắng riêng của bà Dậu, mà còn là nỗi lo chung của nhiều nông dân trồng hoa ở phường Quảng Long. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề trồng hoa tại phường Quảng Long đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, qua đó đã tạo ra giá trị kinh tế cao cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương này.
Thế nên, dù lo lắng nhưng người dân vẫn mạnh dạn mở rộng diện tích trồng hoa vào dịp cuối năm. Toàn phường Quảng Long hiện có khoảng 75 hộ tham gia trồng hoa với diện tích hơn 13ha.
Chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Văn Thiết, ở TDP Trường Sơn, phường Quảng Long, người có thâm niên trồng hoa hơn 15 năm nay cho biết, đây là vụ chính của năm nên mọi công tác chuẩn bị được gia đình đặc biệt quan tâm.
“Năm nay, ngoài các loại hoa cúc truyền thống thì gia đình tôi còn đầu tư trồng thêm hoa ly. Tuy hoa ly là loài hoa tương đối khó chăm sóc, nhưng bù lại giá thành hoa ly cao, đầu ra cũng khá ổn định trong dịp Tết”.
Để đảm bảo hoa nở đúng dịp Tết phục vụ nhu cầu của khách hàng, người nông dân phải làm đất rất kỹ càng, xuống giống từ giữa tháng 9 âm lịch. Bên cạnh đó, muốn hoa phát triển tốt, bông to và chắc thì phải thường xuyên bón phân, trừ sâu và tưới nước liên tục nhằm bảo đảm độ ẩm cho cây hoa sinh trưởng, phát triển.
Ngoài ra, ban đêm còn phải bật điện bảo đảm ánh sáng phù hợp để điều chỉnh thời gian cho hoa nở đúng dịp. Không chỉ trồng hoa phục vụ dịp Tết, một số người dân chia nhỏ diện tích, xuống giống chậm hơn để phục vụ Rằm tháng Giêng.
Kỳ vọng một mùa hoa “bội thu”
Đối với người dân phường Quảng Long, từ lâu, trồng hoa không chỉ là một nghề mang lại thu nhập ổn định mà còn tạo nét đặc trưng riêng của phường so với các địa phương khác trên địa bàn.
Chính vì vậy, dù có lo lắng thua lỗ, người dân vẫn tỉ mỉ chăm những gốc hoa một cách cẩn thận để có những bông hoa to nhất, đẹp nhất, xây dựng thương hiệu hoa Quảng Long trong lòng người tiêu dùng.
Việc trồng hoa Tết được người dân tại phường Quảng Long kỳ vọng nhất, vì đây được xem là vụ chính mang lại thu nhập khá cao, dao động từ khoảng 20 - 25 triệu đồng/sào.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người trồng hoa lo lắng sức mua sẽ giảm hơn so với mọi năm. Mặc dù vậy, nhưng người nông dân vẫn chăm sóc tỉ mỉ cho từng gốc hoa, đặt cược may rủi với hi vọng “bội thu” giống những năm trước.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Sáu - Chủ tịch UBND phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn cho hay, việc thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, hoa phù hợp với chất đất pha cát của địa phương đã mang lại thu nhập khá cao cho người dân.
Đặc biệt, vụ trồng hoa Tết mang lại lợi nhuận gấp 5 - 6 lần so với trồng các loại cây khác. Chính vì vậy, thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện và có các chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân mở rộng thêm diện tích trồng rau, hoa, góp phần giảm nghèo bền vững.