Xuống giống “nhỏ giọt”
Đến hẹn lại lên, thời điểm giữa tháng 8 âm lịch hằng năm là khoảng thời gian mà những nông dân trồng hoa Tết ở Đà Nẵng bắt đầu xuống giống. Thế nhưng, năm nay, lúc xuống giống vụ hoa Tết thì Đà Nẵng vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Xuống giống trễ, cộng với việc các thương lái vẫn chưa đến đặt hàng khiến nhiều nông dân như đang “ngồi trên đống lửa”.
Tại tổ hợp tác của làng hoa Dương Sơn (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) hiện có 23 vườn hoa của các hộ dân.
Ông Lê Phước Dạng - Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa Dương Sơn - cho biết, số lượng hoa Tết năm nay giảm mạnh. Cả tổ chỉ có 12.500 chậu trên diện tích 4,5 ha, ít hơn so với các năm trước khoảng 3.000 chậu, trong đó sử dụng 1,5 ha đất để trồng lan công nghệ cao, hoa cúc, còn lại là một số loại hoa khác.
“Giá chậu hoa cúc đại năm trước khoảng 700.000 đồng/cặp nhưng hiện nay giá chỉ khoảng 500.000 đồng/cặp. Chi phí chăm sóc cao, bên cạnh đó do dịch bệnh Covid-19, nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đầu ra của hoa dịp Tết”, ông Dạng nói.
Cũng theo ông Dạng, thời điểm này hoa dễ sinh sâu bệnh, trong khi giá các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm đều tăng chóng mặt. Phân bón giá tăng cao so với năm trước, hiện phân bón giá 1.400.000 đồng/bao, trong khi trước đó giá chỉ 900.000 đồng/bao. “Mặc dù, nhiều gia đình đã quyết định cắt giảm số lượng lớn, nhưng tôi vẫn lo sợ không tiêu thụ hết hoa Tết và bị thua lỗ”, ông Dạng chia sẻ.
Tương tự, vườn hoa của Hội Nông dân quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) năm nay số lượng hoa cũng giảm mạnh.
Anh Lê Tiến Dũng (trú ở tổ 25, phường Thanh Khê Tây) thuộc vườn hoa Hội Nông dân quận Thanh Khê cho biết, vườn của anh các năm trước số lượng khoảng 10.000 chậu, nhưng năm nay đã phải giảm một nửa số lượng.
Anh Dũng tâm sự rằng: “Các năm trước, nhiều gia đình trồng hoa như chúng tôi rất hào hứng mỗi khi bước vào vụ Tết. Bởi vì đây là vụ lớn nhất trong năm và có thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, năm nay thì ngược lại, các hộ trồng hoa ở Đà Nẵng hoang mang, thấp thỏm đầu ra vì dịch Covid-19 cùng bao nhiêu mối lo khác.
Ngoài ra, giá vật tư, công chăm sóc hoa cũng tăng cao nên đầu ra cũng tăng cao. Trong khi đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn nên sức mua sẽ giảm, nếu không cân đối thì rất dễ thua lỗ”.
Tìm cách “gỡ khó” cho nông dân
Ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) - cho hay, nghề trồng hoa đã và đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo ông Vinh, hiện trên địa bàn xã Hòa Liên có khoảng 40 hộ thường xuyên duy trì việc trồng hoa. Để thích ứng với tình hình hiện nay, nhiều hộ đã giảm diện tích, đổi mới canh tác, tăng chất lượng hoa kiểng, trồng thêm các loại giống hoa mới, có sức chống chịu với sự thay đổi của thời tiết để cung cấp cho thị trường, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
“Hội Nông dân xã cũng thường xuyên khuyến cáo người trồng hoa theo dõi sát diễn biến thời tiết trên các kênh thông tin, thực hiện các biện pháp chăm sóc để thúc đẩy sinh trưởng của cây trồng, tăng khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt”, ông Vinh cho hay.
Còn ông Lê Đình Ca - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang - cho biết, tính đến tháng 11/2021, diện tích sản xuất hoa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn khoảng 20ha với gần 194.000 chậu hoa cúc các loại, vạn thọ… Trong đó, hơn 210.000 cây hoa cúc đất, lan Mokara và hoa treo các loại.
Ông Ca cũng cho biết, nhiều nhà vườn và vùng hoa chuyên canh đã mạnh dạn trồng các loại hoa, cây cảnh, tạo sự đa dạng, phong phú cho thị trường hoa Tết. Để khuyến khích nông dân sản xuất hoa phục vụ thị trường Tết, huyện Hòa Vang còn hỗ trợ kinh phí mua các giống hoa ly, vạn thọ, dạ yến thảo… và vật tư cho một số hộ dân tham gia sản xuất tại vùng chuyên canh hoa ở Nhơn Thọ (xã Hòa Phước), Dương Sơn (Hòa Châu), Gò Giảng (Hòa Phong)…
Ông Nguyễn Kim Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP Đà Nẵng - cho hay, hội vừa hỗ trợ và thực hiện giải ngân gần 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để các hội viên có thêm kinh phí đầu tư sản xuất.
Ngoài ra, hội còn phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm (Sở NN&PTNT) phổ biến, tăng cường các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, cải tiến phương pháp trồng hoa để phù hợp với thực tế.
“Mặt khác, tuyên truyền, khuyến cáo các hội viên nông dân trồng những loại hoa phù hợp với thị trường, dễ tiêu thụ, tập trung nâng cao chất lượng.
Năm nay, do nhiều điều kiện khách quan, nông dân trồng hoa cần phải nắm chắc thị trường, thường xuyên theo dõi tình hình thực tế, liên lạc với các đối tác để tìm đầu ra, tránh tình trạng đến sát Giao thừa Tết mới tiêu thụ được”, ông Nguyễn Kim Dũng nói.