Quân vương và cây lúa

GD&TĐ - Thời xưa, các triều đại phong kiến đều rất chú trọng nông nghiệp. Cho đến khi Nho giáo lên ngôi, thứ tự “tứ dân” mới được sắp là “sĩ, nông, công, thương”.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn vẫn được lưu giữ nhằm tri ân các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn vẫn được lưu giữ nhằm tri ân các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng.

Dù đứng sau giới nho sĩ, thì nông nghiệp vẫn là nghề được đánh giá cao hơn các ngành nghề khác.

Thế cho nên từ thời cổ đại, các vị vua Trung Quốc đã luôn chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp, như trị thủy, ra các chính sách khuyến nông, hay trực tiếp cày ruộng tịch điền để làm gương cho bầy tôi.

Ở nước ta, ngoài việc các vị vua cũng trực tiếp đi cày ruộng tịch điền, thậm chí còn “cày ra hũ vàng, hũ bạc” như vua Lê Hoàn để kích thích người nông dân mà sử sách đã viết, thì các quân vương cũng có nhiều hành động gắn với cây lúa.

Từ khi các vua nhà Đinh, tiền Lê nối tiếp vua Ngô xây nền tự chủ, đã có nhiều chính sách khuyến nông. Đến thời Lý, sau thời Lý Thái Tổ mở đường, Lý Thái Tông đã có những mối quan tâm đến ruộng đồng, cây lúa. “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết, năm Canh Ngọ, niên hiệu Thiên Thành thứ 3 (1030), tháng 10, vụ mùa được mùa to, nhà vua thân ra ruộng ở Điểu Lộ xem gặt, nhân đó đổi tên cánh ruộng ấy gọi là ruộng Vĩnh Hưng.

Về địa danh Vĩnh Hưng, bộ sử triều Nguyễn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có chú thích rằng “chưa rõ đích xác ở đâu, nhưng xét huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên, có tổng Vĩnh Hưng, có lẽ là đấy chăng”.

Đến mùa hạ năm 1032, vào đầu tháng 4, vua Lý Thái Tông lại thân hành ngự đến Tín Hương ở Đỗ Động giang cày ruộng tịch điền, có nhà nông dâng một cây lúa chiêm có 9 bông thóc. Vua vui mừng, xuống chiếu đổi gọi ruộng ấy là ruộng Ứng Thiên... Theo các sách địa chí, Đỗ Động giang là vùng đất thuộc các huyện Thanh Oai, Quốc Oai của Hà Nội ngày nay.

Còn cái tên Ứng Thiên do vua Lý Thái Tông đặt, sang đến thời Lê vẫn được dùng để đặt tên một phủ thuộc trấn Sơn Nam, và qua thời Nguyễn đến đời vua Gia Long đổi thành phủ Ứng Hòa, gồm các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa... ngày nay.

Sử chép tiếp là mùa xuân năm 1038, vua Lý Thái Tông cày ruộng tịch điền ở cửa biển Bố Hải (nhiều thuyết cho rằng đất này thuộc thành phố Thái Bình ngày nay), rồi mùa xuân năm 1042, vua lại ngự ra tận cửa biển Kha Lãm (địa danh này sử cũ không xác định được ở đâu) cày ruộng tịch điền.

Các sự kiện này không nổi bật bằng câu trả lời của vua Thái Tông khi bề tôi can gián việc nhà vua tự tay cầm cày, rằng: “Đó là việc của nông phu, bệ hạ cần chi phải làm?”. Câu trả lời của nhà vua nổi bật cho việc nêu gương trăm họ: “Trẫm mà không chính mình cày ruộng thì lấy đâu có gạo làm tế phẩm để thờ cúng nhà tông miếu và lấy gì để nêu gương cho thiên hạ?”.

Bình luận về những hành động của Lý Thái Tông, sử thần Ngô Sĩ Liên viết rằng: “Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến dân đông, của giàu, nên thay!”.

Nối tiếp Lý Thái Tông, vua Lý Nhân Tông cũng thường xuyên về hành cung Ứng Phong để xem cày ruộng, gặt lúa. Phủ Ứng Phong là một vùng đất rộng lớn thuộc Nam Định, nhưng khu hành cung hiện ở huyện Nghĩa Hưng hiện nay.

Có thể thấy trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi chép vô số sự kiện liên quan đến hành cung này, như năm 1117, tháng 6, vua ngự về hành cung này xem cày ruộng. Khi ấy trời lâu ngày không mưa, vua cho cầu đảo ở hành cung để cầu mưa cho mùa màng tươi tốt.

Trước đó, vào tháng 5 năm này, Viên ngoại lang là Ngô Thiệu dâng lên nhà vua một cây lúa chiêm một gốc 9 bông, chắc là một “kỷ lục” đặc biệt về cây lúa ở nước ta trong lịch sử.

Các năm tiếp theo, vua Lý Nhân Tông liên tiếp về hành cung này như tháng 10 năm 1123, vua về xem gặt lúa, hay tháng Giêng (nhuận) năm 1124, vua ngự về xem cày ruộng. Năm sau, 1125, nhà vua mùa hạ về Ứng Phong xem cày ruộng và đến mùa đông, tháng 10, về đây xem gặt.

Ngoài hành cung Ứng Phong, vua Lý Nhân Tông còn đi xem gặt lúa ở hành cung Khải Thụy. Đó là sự kiện diễn ra vào tháng 10 năm 1117.

Vua Lý Nhân Tông còn về Ứng Phong xem gặt cho đến tận năm cuối đời của ngài. Đó là chuyến xem gặt vụ chiêm năm 1127, diễn ra vào tháng 4 âm lịch. Cuối năm đó, tháng 12 thì vua băng. Trong di chiếu để lại cho bề tôi, vua nói rõ: “Trẫm từ khi đi xem gặt lúa đến giờ, bỗng bị ốm, bệnh kéo dài, sợ không kịp nói đến việc nối ngôi”. Năm đó, nhà vua thọ 63 tuổi.

Lý Nhân Tông không có con nối dõi nên lấy Lý Dương Hoán, con của Sùng Hiền hầu, anh trai nhà vua, làm thái tử. Sau khi Nhân Tông băng, Dương Hoán nối ngôi lúc mới 12 tuổi, tức Lý Thần Tông. Vua lên ngôi còn nhỏ tuổi nên không đi thăm lúa, xem gặt như vua cha.

Tuy nhiên, có một sự kiện liên quan đến vụ lúa diễn ra ở thời Lý Thần Tông mà sử sách ghi chép với lời phê bình rất rõ ràng. Đó là chuyện năm Thiên Thuận thứ 4 (1131), tháng 5, trời hạn, nhà vua cho cầu đảo, được mưa to. Đến mùa thu, tháng 7, “Toàn thư” viết rằng: “Các quan dâng biểu mừng được mùa”.

Biên soạn quốc sử nối tiếp, sử thần triều Lê Ngô Sĩ Liên phê rằng: “Các triều thần bấy giờ xiểm nịnh quá lắm! Tháng 5, đại hạn, cầu đảo may mà được mưa, đến tháng 7, thì lúa hè đã quá vụ, mà lúa thu chưa chín, đã vội cho là được mùa, dâng biểu chúc mừng. Nếu đến tháng 9, tháng 10, mà gặp lụt hạn hay bị sâu cắn thì đối với tờ biểu mừng ấy thế nào?”.

Vào thời Trần, sử không chép sự kiện các vua đi thăm lúa như thời Lý. Đời Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 2 (1280), “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết vụ mùa được mùa to, lúa ruộng ở Trà Kiều thuộc Khoái Lộ một giò trổ ra 2 bông. Triều Trần đặt quốc khố ở Cảo Xã, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay, cho các “hoành nhi” cày ruộng nộp thóc vào kho của triều đình.

Thời Lê, các vua cũng đi cày ruộng tịch điền để khuyến khích nhân dân trong nước chăm lo nông tang, như các đời Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông. Theo ghi chú trong sách sử thì ruộng tịch điền thời Lê ở xã Hồng Mai, nay thuộc phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đặc biệt, với chính sách ngụ binh ư nông được thực hiện triệt để, nên nông nghiệp thời Lê sơ có đủ nguồn nhân lực để phát triển.

Như năm 1466, thời Lê Thánh Tông, sử ghi lời Thái bộc tự thiếu khanh hành Thượng bảo tự thiếu khanh Lê Đình Tuấn tâu lên nhà vua rằng: “Vào tháng 5, tháng 6, đương mùa làm ruộng, những quân nhân ứng dịch ở thường ban thì cho ở lại túc trực và làm các việc giữ cửa, coi nhà, canh điếm, lợp nhà, cắt cỏ, nuôi voi, còn các sắc quân ở các sảnh, viện và những thợ ở cục Bách tác thì giữ lại một nữa làm việc, còn thì cho về làm ruộng.

Vua y theo lời tâu này. Văn học dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông, thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn” để nói về sự no đủ của nhân dân đầu thời Lê sơ.

Năm Quang Thuận thứ 8 (1467), từ mùa thu đến mùa đông, trời đã lâu không mưa, vua Lê Thánh Tông đã đại xá thiên hạ để cầu mưa mong vụ lúa tốt tươi. Trong bài văn đại xá, nhà vua cho viết: “Trẫm là kẻ không có đức, làm chủ muôn dân.

Muốn cho mọi người đề giàu đủ, yên vui để tiến tới thịnh trị. Năm ngoái, từ mùa thu đến mùa đông, trời mãi không mưa, người mất hy vọng được mùa, dân lo khó khăn đói kém. Trẫm là cha mẹ dân, chỉ biết đau xót trong lòng. Nếu không ban ơn rộng khoan tha thì sao thấy huệ thực tới dân được?”.

Vua Lê Hiến Tông cũng lo việc dự trữ thóc lúa để dành lúc đất nước khó khăn, khi ban chiếu cho toàn dân ngay sau khi lên ngôi (năm 1498) rằng: “Từ nay, năm nào thóc lúa được phong đăng, thì ty Thừa tuyên các xứ phải sức rõ cho phủ, huyện đốc thúc dân gian cố sức tích trữ cho nhiều để đi đến chỗ giàu đủ, không nên phung phí, tiêu dùng càn”.

Không những vậy, vua Lê Hiến Tông còn đích thân xem sổ tiền thóc của Hộ tào dâng lên và hỏi các quan tả hữu, biết được tình trạng dự trữ của nhà nước và tư nhân.

Từ đấy, vua lại càng để ý đến việc nông tang, tự tay viết sắc lệnh sai các quan thừa hiến, phủ, huyện đi tuần hành khuyên bảo nhân dân đắp đê điều, đào ngòi lạch, khơi bờ ruộng, để phòng hạn, lụt và sai triều thần đi kiểm tra, xem xét những việc đó. Mỗi xã, triều đình đặt một người xã trưởng hay thôn trưởng chuyên trông nom việc nông tang, lại đem xã quân và nông trưởng đi đốc thúc.

Tịch điền và xuống đồng gieo hạt đầu xuân thể hiện ra nền văn hóa lúa nước lâu đời.

Tịch điền và xuống đồng gieo hạt đầu xuân thể hiện ra nền văn hóa lúa nước lâu đời.

Quan bên ngoài ai có việc về Kinh và sứ của triều đình từ ngoài trở về, vua đều cho gọi vào hỏi về mùa màng được hay mất, trăm họ sướng khổ ra sao. Còn lính ở thợ đến phiên thì cứ theo lệ trước, tháng 6, tháng 10 chia một nửa về làm ruộng.

Triều Nguyễn, các vua đầu triều đều luôn chăm lo đến nông nghiệp, đích thân cày ruộng tịch điền để trồng lúa lấy gạo cúng tế tổ tiên. Các tỉnh cũng đều đặt ruộng tịch điền, mùa xuân yêu cầu các quan chức đầu tỉnh phải thân hành đi cày để cho người trồng lúa, lấy gạo phục vụ tế lễ ở hành cung, đền miếu.

Các vua giỏi thơ văn của triều Nguyễn như Thiệu Trị, Minh Mạng có nhiều bài thơ về nghề nông, về cây lúa. Trong tập thơ ngự chế của mình, vua Minh Mạng viết rằng: “Việc nông là gốc vậy, ôi chăm lo cuộc sống của dân cốt ở sự chuyên cần, những điều gọi là quý giá duy chỉ có lúa gạo”.

Trong bài thơ “Vị nông ngâm”, vua Minh Mạng đã nói lên nỗi vui mừng của mình khi đón trận mưa to mà nghĩ đến đồng lúa được tưới tắm đầy đủ: “Đêm đón mưa vui trận trận qua/ Hạt tuôn từng đợt gió ngân nga/ Hắt hiu giá rét mùa xanh lá/ Lõm bõm đồng sâu áo bạc tà/ Mặc ấm ghi ơn người dệt vải/ Ăn no nhớ nghĩa kẻ đồng xa/ Bao đời trọng nỗi gian nan ấy/ Chẳng lúc nào ngơi tiếng ngợi ca”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ