Học bạ điện tử được triển khai sẽ thúc đẩy nhà trường, nhà giáo nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục.
Thúc đẩy nâng cao chất lượng
Chia sẻ về ứng dụng và triển khai học bạ điện tử, ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: Thành phố đã triển khai học bạ điện tử được gần 10 năm. Đây là quá trình thực hiện chương trình số hóa của ngành, việc lưu trữ đảm bảo an toàn, bảo mật cao vì chỉ người có thẩm quyền mới được điều chỉnh. Số hóa giúp không tốn không gian lưu trữ, tránh tình trạng mối mọt... hư hỏng theo thời gian; Tra cứu và truy xuất rất nhanh qua mã học sinh.
Theo ông Nhân, công khai học bạ học sinh đồng nghĩa việc đánh giá chất lượng giáo dục mỗi trường. Giáo viên trong trường, trường khác nhìn vào học bạ biết giáo viên dạy thế nào. Điều này đồng nghĩa nhà trường, giáo viên chủ động nâng cao chất lượng dạy học. Khi học sinh chuyển trường, nhà trường chỉ cần chuyển hồ sơ trên hệ thống mạng, không tốn thời gian, công sức và giấy như trước.
Nhờ chủ động triển khai học bạ điện tử, các trường học ở TP Cần Thơ thực hiện công tác quản lý số hóa theo quy trình và trên một mô hình tập trung. Tất cả dữ liệu phần mềm chính thống được chuyển đồng bộ, tự động từ các trường tới cơ quan quản lý cấp trên (phòng, sở).
Mỗi khi cần số liệu thống kê hay kiểm tra kết quả học tập và thông tin của học sinh nào đó, cơ quan quản lý cấp trên chỉ cần thực hiện một vài thao tác đơn giản là đã có đầy đủ số liệu chính xác, thay cho việc kiểm tra trực tiếp hoặc tổng hợp và chờ đợi từ các đơn vị gửi lên. Đồng thời, hệ thống học bạ điện tử còn tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh chủ động kiểm tra, nắm bắt kết quả học tập của con em mình, có sự trao đổi thông tin với giáo viên một cách thường xuyên, thuận lợi.
Chị Đặng Bích Ngọc, phụ huynh học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) bày tỏ: “Hệ thống học bạ điện tử không chỉ mang tới cho người dạy, người học, cơ quan quản lý và các bậc cha mẹ nhiều thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát quá trình học tập của con em mà quan trọng hơn là tạo ra sự minh bạch, công bằng trong giáo dục. Ngoài ra, phụ huynh còn dễ dàng nắm bắt thông tin về tình hình học tập hàng ngày của con cũng như các nhận xét, thông báo, mời họp từ phía nhà trường, kế hoạch của lớp...”.
Cần triển khai đồng bộ
Tỉnh Tiền Giang đã áp dụng học bạ điện tử nhiều năm qua. Được triển khai đồng bộ, sổ điểm, học bạ điện tử là một trong những giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính, tăng công khai minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh. Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, tỉnh triển khai có hiệu quả học bạ điện tử, sổ điểm điện tử và khai thác sử dụng phần mềm Mạng giáo dục VnEdu trên địa bàn. Hiện, tỷ lệ sử dụng học bạ điện tử là 100% ở các trường THCS và trường THPT.
Cô Đàm Thị Xuân Uyên, giáo viên Trường THCS Lê Ngọc Hân (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) nhìn nhận: Học bạ điện tử giúp nhà trường dễ dàng quản lý điểm số của học sinh, giáo viên cũng giảm bớt công việc, có điều kiện tập trung vào chuyên môn. Về phía học sinh, học bạ điện tử giúp thuận tiện hơn khi chuyển trường, chuyển cấp. Hệ thống học bạ điện tử thống nhất, an toàn, có thể liên thông dữ liệu cho các trường đại học, cao đẳng. Như vậy, các em lớp 12 không phải mất thời gian scan học bạ khi xét tuyển hoặc phải rút ra, nộp vào như trước…
Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc triển khai học bạ điện tử chưa đồng bộ. Do chưa có hướng dẫn sử dụng trong toàn quốc, mỗi tỉnh, thành thực hiện một kiểu. Vì thế, học sinh tỉnh này chuyển trường sang tỉnh khác vẫn phải xin bản học bạ truyền thống, bởi hai hệ thống không liên thông. Trước khó khăn này, các trường và địa phương đang triển khai học bạ điện tử kiến nghị Bộ GD&ĐT đồng bộ hóa dữ liệu, khắc phục các bất cập về công nghệ để tiến tới ban hành hướng dẫn về quy trình, cách thức quản lý sổ điểm, học bạ điện tử, nhằm tạo thuận tiện cho học sinh, tối giản các thủ tục. Khi có một hệ thống chung cả nước, các hướng dẫn sẽ thống nhất, tạo sự yên tâm cho địa phương khi sử dụng…
Ở góc độ trường đại học, cao đẳng, trong phương án tuyển sinh có sử dụng xét tuyển dựa trên kết quả học tập học bạ của học sinh, các trường mong muốn việc ứng dụng học bạ điện tử được thống nhất, đồng bộ. Qua đó giúp đơn vị yên tâm và tin tưởng vào phương án xét tuyển.
Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, năm 2022, trường tuyển sinh 20 ngành với 1.520 chỉ tiêu. Theo đó có 3 phương thức xét tuyển: Điểm học bạ; Điểm thi tốt nghiệp THPT và Điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM. Trong đó, tỷ lệ chỉ tiêu xét học bạ là 70% nên việc các trường THPT có học bạ điện tử được công khai rất thuận lợi cho học sinh và các trường dùng phương thức xét tuyển học bạ.
“Tuy nhiên, việc này đòi hỏi có phần mềm quản lý thống nhất nguồn dữ liệu trong ngành Giáo dục và các trường THPT phải cập nhật chính xác thông tin của học sinh THPT ngay từ năm lớp 10 và cần cập nhật theo từng học kỳ để có thể đánh giá toàn diện năng lực học trò”, TS Nguyễn Tuấn Khanh cho nói.