Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang được các sở, ngành và địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc tích cực triển khai. Từ 2021-2025, Vĩnh Phúc dành hơn 1.700 tỷ đồng thực hiện các chính sách giảm nghèo.
Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang được các sở, ngành và địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc tích cực triển khai. Từ 2021-2025, Vĩnh Phúc dành hơn 1.700 tỷ đồng thực hiện các chính sách giảm nghèo.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, công tác giảm nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng và đặt trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh được triển khai đồng bộ và không ngừng mở rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Năm 2021, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Trong năm 2021, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng cho 2 xã Liên Châu (Yên Lạc) và Tam Phúc (Vĩnh Tường) thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020. Hỗ trợ hơn 229 tỷ đồng cho các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Sông Lô và Lập Thạch thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo chuẩn vùng đồng bằng sông Hồng. Hỗ trợ trực tiếp hơn 78 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo....
Thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đáp ứng tiêu chí đô thị loại I. |
100% số xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo theo quy định
Theo kế hoạch, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 0,3 - 0,5%. Đến cuối năm 2025, tỷ hộ nghèo đa chiều còn dưới 0,5%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm dưới 2,5% trong tổng số hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh.
Riêng đến cuối năm 2022, Vĩnh Phúc phấn đấu không có hộ chính sách người có công thuộc hộ nghèo. 100% số xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.
Hỗ trợ xây dựng nhân rộng từ 05 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm bền vững…
Đối với các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, đến năm 2025, tỉnh có 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; tối thiểu có 6.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, xã miền núi được hỗ trợ kết nối việc làm thành công. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.
Một góc Khu đô thị VCI Mountain View Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. |
Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt 80%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 40%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững…
Hết tháng 6/2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giảm còn 1,36%
Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, giai đoạn 2016 - 2020, trung bình mỗi năm, ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc bố trí 300 - 500 tỷ đồng thực hiện công tác giảm nghèo.
Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 43.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất; ngân sách tỉnh hỗ trợ đóng 100% bảo hiểm y tế cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người DTTS sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; hàng nghìn lượt người thuộc đối tượng chính sách được khám, cấp thuốc miễn phí, miễn, giảm viện phí…
Thôn Giếng Mát, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. |
Thông tin tại hội nghị họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 với các địa phương nhằm đánh giá tình hình thực hiện các chương trình 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 và giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện diễn ra ngày 29/7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước chủ trì hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc thông tin cho biết, tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã ban hành 5 kế hoạch để tổ chức các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thực hiện hiệu quả các nội dung thuộc chương trình giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh đã có trên 1.400 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn 1,36%. Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang được các sở, ngành và địa phương trong tỉnh tích cực triển khai.
Nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của xã hội và cộng đồng đối với công tác giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên của mỗi hộ nghèo, cận nghèo; phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 0,5%, đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn dưới 2,5%, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,08%
Theo tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 5.207 hộ nghèo đa chiều, chiếm 1,51% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó, hộ nghèo khu vực thành thị chiếm 0,98%, hộ nghèo khu vực nông thôn chiếm 1,72%.
3 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% gồm thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên và huyện Bình Xuyên. Địa phương có số hộ nghèo thấp nhất tỉnh là thành phố Phúc Yên với 170 hộ.
Trục chính thôn mới Thanh Vân, huyện Tam Dương cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn thời gian qua. |
Căn cứ kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021, thực hiện chương trình giảm nghèo năm 2022, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo tỉnh xây dựng các chỉ tiêu giảm nghèo năm 2022.
Các địa phương, các sở, ngành liên quan và các hội, đoàn thể đã ký cam kết thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cho hộ nghèo năm 2022.
Phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,08% (tương đương giảm 1.400 hộ nghèo); có 1.194 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
Tại hội nghị ký cam kết thực hiện các chỉ tiêu vay vốn tín dụng, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo gắn với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Vũ Việt Văn nhấn mạnh, mục tiêu giảm nghèo là nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Cùng với việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho các huyện, thành phố, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ giảm nghèo cho các địa phương ngay từ đầu năm để có giải pháp cụ thể hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đề ra.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể và các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, thực hiện các chính sách hướng đến đối tượng là các hộ nghèo có khả năng thoát nghèo; tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, vay vốn sản xuất, thoát nghèo bền vững; các chính sách về giảm nghèo phải được triển khai xuống cơ sở; hằng tháng, hằng quý tổng hợp tình hình, khó khăn, vướng mắc báo cáo để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo tháo gỡ...
Ưu tiên hộ nghèo có phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số
Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ quan tâm tạo điều kiện cho người nghèo ổn định, phát triển sản xuất, việc làm, tăng thu nhập.
Trong đó, tiếp tục thực hiện cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, đảm bảo các đối tượng hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để cho hộ nghèo, cận nghèo có sức lao động, có nhu cầu vay vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi...
Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, ưu tiên hộ nghèo có phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số.
Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo ở các xã khu vực nông thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ giống để chuyển đổi vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ lãi suất, vật tư, dịch vụ phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, dịch vụ thú y, phòng dịch để tạo cơ hội cho người nghèo ổn định sản xuất, việc làm, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương…