Đảm bảo mọi học sinh đều được đến trường
Theo quan điểm của lãnh đạo thành phố, mọi người đều có quyền được học, và các bậc cha mẹ phải có trách nhiệm cho con em đi học, nên việc miễn học phí cấp THCS mà TPHCM đang hướng tới là điều kiện cần thiết để phần nào thực hiện chủ trương trên, đồng thời điều này rất phù hợp với nội dung mà Bộ GD&ĐT đề xuất trong đề án sửa đổi Luật Giáo dục đã được Chính phủ thông qua, tạo được sự đồng thuận rất lớn từ phía người dân và những người làm công tác giáo dục.
Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1, bày tỏ: “Khi biết thông tin liên quan đến vấn đề miễn học phí THCS, tôi rất vui và thực tâm đồng tình với chủ trương này của thành phố. Theo tôi, vấn đề này là hoàn toàn khả thi. Có thể thấy việc miễn học phí sẽ có tác dụng động viên tinh thần rất lớn với những gia đình không có điều kiện cho con em đi học. 100.000 đồng/tháng với nhiều gia đình không là gì nhưng số tiền đó đối với các trường hợp khó khăn lại là cả một vấn đề, nhất là những gia đình có đông con. Một năm học 9 tháng là 900 ngàn đồng, bớt được số tiền này cũng giảm đi áp lực cho nhiều gia đình”.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2017-2018, ngân sách thu được từ nguồn học phí cấp THCS khoảng 350 tỷ đồng. (Nhiều năm học qua, TPHCM không tăng học phí). Với một đô thị lớn như TPHCM, ước tính tổng thu ngân sách của năm 2017 lên tới 347.892 tỉ đồng, con số 350 tỷ đồng ngân sách thu từ nguồn học phí là nhỏ và như vậy việc tiến tới miễn học phí bậc THCS ở thành phố, theo nhiều chuyên gia giáo dục là điều dễ thực thi.
Học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TPHCM) |
Miễn học phí, vẫn tăng đều đầu tư cho giáo dục
Tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT TPHCM vào hồi tháng 8/2018, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc không thu học phí cấp THCS đã được giao cho Sở Tài chính lên phương án để trình HĐND thành phố xem xét, thông qua vào cuối năm 2018.
Thông tin này cũng được Bí thư Thành ủy TPHCM nhắc lại thêm một lần nữa tại Hội nghị tổng kết năm học của ngành GD&ĐT TP vào ngày 14/8/2018. Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Thành phố sẽ cân đối ngân sách để xem xét miễn học phí cấp THCS nhưng nguồn chi cho giáo dục nói chung, cho cấp THCS nói riêng không giảm mà vẫn phải tăng thêm.
Do vậy, để thực hiện chính sách này đồng bộ, lãnh đạo TPHCM cần giao các đơn vị liên quan tính toán hợp lý để cân đối ngân sách, cũng như yêu cầu Sở GD&ĐT giám sát chặt chẽ việc thu chi ở các trường do lẽ việc không thu học phí dễ làm nẩy sinh tâm lý “bù lỗ” bằng cách mở các khoản thu khác dẫn đến việc lạm thu trong trường học.
Một chuyên gia GD cũng cho rằng việc miễn giảm học phí là chính sách phù hợp với sự phát triển giáo dục hiện nay. Và chẳng những miễn giảm học phí mà nhà nước - trong trường hợp này là TPHCM, còn phải luôn tính toán tăng cường ngân sách đầu tư cho giáo dục. Ngoài ngân sách nhà nước, thành phố cũng cần huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục. Một số trường học tại TPHCM đã làm rất tốt công tác này, ví dụ như huy động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng phòng thực hành STEM, thực hiện công trình xanh hóa không gian trường học, cải tạo nhà vệ sinh cho học sinh, thành lập các CLB bộ môn miễn phí, v.v...
Giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu, quan điểm này đã được lãnh đạo TPHCM khẳng định tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2018-2019 vừa qua, mà việc giảm học phí bậc THCS là một ví dụ. Theo đó, trong khi cả nước quy định dành 20% ngân sách đầu tư cho giáo dục, nhưng với thành phố, con số này là 25%. Điều đó cho thấy thành phố luôn quan tâm đầu tư vào giáo dục, bởi “phát triển giáo dục là phát triển nguồn lực của đất nước”- như lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã nói.