Những đột phá sau gần 20 năm đổi mới giáo dục đại học

GD&TĐ - Luật Giáo dục ĐH ra đời và đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện để tiến tới xây dựng một hệ thống giáo dục hội nhập hơn, phối hợp tốt hơn. Các trường công cần nhiều tự chủ hơn, cũng như một bộ khung hiện đại hơn về trách nhiệm giải trình và đảm bảo sức cạnh tranh học thuật quốc tế. 

Hoạt động nghiên cứu tại một trường đại học
Hoạt động nghiên cứu tại một trường đại học

Dưới đây là những đánh giá của các chuyên gia về quá trình cải cách giáo dục đại học (GDĐH) ở Việt Nam cho đến hiện tại, đồng thời vạch ra những khuyến nghị cho những bước đi tiếp theo của nền GDĐH.

Đặt nền móng mở rộng và củng cố hệ thống GDĐH

Theo thống kê của một nghiên cứu do TS Phạm Thị Ly (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) công bố thì hệ thống GDĐH Việt Nam đang mở rộng rất nhanh chóng. Từ năm 2001 đến năm 2017, tỉ lệ sinh viên tăng hàng năm là 10%, một con số rất cao, kể cả so với tiêu chuẩn Đông Á. Trong giai đoạn này, trung bình mỗi năm có 8 trường ĐH và 12 trường CĐ mới được thành lập, và tỉ lệ sinh viên trên 10.000 dân đã tăng từ 162 năm 2001 lên đến 351 năm 2017. Mức tăng trưởng này được dự đoán sẽ lên đến 400 sinh viên trên một vạn dân trước năm 2020. 

Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, suốt thời kỳ áp dụng Luật Giáo dục 1998, nhiều nghị định, quyết định đã được đưa ra để làm rõ vai trò tách biệt giữa trường đại học và cao đẳng, và nhằm định nghĩa rõ ràng bản chất của các trường ngoài công lập.

Sau đó, đến năm 2004, Chính phủ đã xác định 14 trường trọng điểm. Năm 2005, Nghị quyết 14/2005/NQ-CPđưa ra một kế hoạch cải cách chính cho thấy đến năm 2020 hệ thống sẽ lớn hơn, được quản lý tốt hơn, được cấu trúc chặt chẽ hơn, linh hoạt hơn trong việc liên thông, xác định tự chủ tài chính và định hướng nghiên cứu, tiến tới thương mại hóa kết quả nghiên cứu và kết quả đào tạo, hòa hợp hơn với các chuẩn mực chất lượng quốc tế.

Những chuyển biến tích cực

Hệ thống GDĐH Việt Nam phát triển khá vững chắc và đa dạng với các hình thái ĐH quốc gia, ĐH vùng, ĐH nghiên cứu…

TS Nguyễn Văn Oanh (giảng viên thỉnh giảng Trường ĐH Kiên Giang và Trường Trung cấp Luật Hậu Giang) cho rằng: “Vai trò nghiên cứu của các trường ĐH được dự thảo Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung nhấn mạnh một cách thích đáng. Bên cạnh đó, Điều lệ Trường ĐH ban hành năm 2010 công nhận tính chất quan trọng của vai trò nghiên cứu ở các trường ĐH.

Các trường ĐH cũng đang tích cực chuẩn bị nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu thay vì chỉ giảng dạy. Để đạt được hội nhập toàn cầu, các trường ĐH Việt Nam cần gắn bó với hoạt động nghiên cứu hơn nữa”.

“Định hướng nghiên cứu là điểm phân biệt giữa 2 ĐHQG và các ĐH vùng. Những trường này có cơ chế cho phép các trường thành viên hưởng quyền tự chủ tương đối, những trường ĐH thành viên đóng vai trò như là những trường ĐH độc lập, đều có xu hướng tập trung vào nghiên cứu đơn ngành và tạo nên sức mạnh hệ thống” - PGS.TS Ngô Minh Oanh nói.

TS Phạm Thị Ly khẳng định rằng sự mở rộng của hệ thống GDĐH Việt Nam sẽ đòi hỏi một nguồn tài chính khổng lồ. Năm 2009, các trường ĐH công được phép tăng học phí trên cơ sở chia sẻ chi phí giữa người học và nhà nước. Năm 2010, nhà nước ban hành một lộ trình tăng học phí cho các trường công cho những năm sắp đến. Nhà nước đã và đang duy trì một sự cam kết lâu dài với việc miễn giảm học phí đối với sinh viên nghèo, dân tộc thiểu số, và trong một số ngành nhất định, ví dụ như ngành sư phạm. Tác động của chính sách này tính đến hết năm 2016 là 25% tổng số sinh viên đã được hưởng lợi từ việc giảm học phí.

Khuyến nghị những chính sách hữu ích

Hệ thống giải pháp phát huy sức mạnh của quá trình cải cách nền GDĐH, nhất là trong bối cảnh sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH được các chuyên gia giáo dục đề xuất đa số tập trung vào vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.

PGS.TS Ngô Minh Oanh nhận định, Việt Nam đã tạo ra một bước phát triển vô cùng to lớn trong thập niên qua về mặt thực hiện khung bảo đảm chất lượng cho hệ thống GDĐH. Từ năm 2003, Bộ GD&ĐT thành lập Cục Khảo thí và Kiểm định. Các tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá chất lượng bắt đầu được xây dựng, bên cạnh quy trình tự đánh giá được thực hiện trong một số lớn các trường ĐH.

Tuy vậy, theo TS Ngô Minh Oanh, những điểm còn phải quan tâm là tiêu chuẩn chất lượng cần nhấn mạnh ở khâu đầu ra, cho phép một quy trình công khai những ý kiến tranh luận của hội đồng đánh giá liên quan đến chất lượng của những trường được xem xét đánh giá, gấp rút hoàn thiện tiến độ đánh giá để bổ sung cơ sở dữ liệu…

“Cấu trúc của hệ thống GDĐH cũng cần được cải cách theo hướng hội nhập, với sự phân tầng rõ nét, cụ thể là các trường ĐH nghiên cứu nên chiếm khoảng 5% tổng số sinh viên, đào tạo cấp bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Các trường ĐH giảng dạy kết hợp nghiên cứu chiếm khoảng 20% tổng số sinh viên, đào tạo cử nhân, thạc sĩ ứng dụng chuyên ngành và cũng đào tạo tiến sĩ với sự hợp tác cùng các trường ĐH nghiên cứu mạnh. Cuối cùng, 25% tổng số sinh viên học hệ cử nhân chuyên ngành tại các trường ĐH giảng dạy. Hệ cao đẳng sẽ phụ trách 50% tổng số sinh viên còn lại” - TS Phạm Thị Ly gợi ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.