Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao

GD&TĐ - Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, từ năm 2016 - 2018, ngân sách trung ương bố trí 5.730 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng.

Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng. Ảnh minh họa/Sỹ Điền
Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng. Ảnh minh họa/Sỹ Điền

Chăm lo cho giáo dục vùng dân tộc

Hệ thống Trường phổ thông dân tộc bán trú có 975 trường (338 trường Phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học, 578 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở và 59 trường phổ thông dân tộc bán trú liên cấp tiểu học và trung học cơ sở).Tỷ lệ học sinh bán trúhoàn thành cấp tiểu học đạt 98,9%, cấp trung học cơ sở đạt 92%; có 15,2% số trường Phổ thông dân tộc bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia. 

Báo cáo nêu rõ, mạng lưới trường lớp, quy mô giáo dục mầm non, phổ thông vùng DTTS và miền núi được củng cố, mở rộng. Hiện toàn vùng có 5.766 trường mầm non, chiếm tỷ lệ 38,74% so với tổng số trường mầm non toàn quốc.

Số học sinh giáo dục mầm non năm 2016 - 2017 có 779.487 cháu người DTTS chiếm tỷ lệ khoảng 17,6% tổng số học sinh mầm non. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo, trẻ học 2 buổi/ngày ngày càng cao. 100% số trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

Số lượng trẻ được ăn bán trú đạt tỷ lệ cao; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non dưới 5%; Quy mô học sinh tiểu học ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn quốc có 7.790.009 học sinh tiểu học (học sinh DTTS chiếm 17,5%).

Công tác phổ cập giáo dục tiểu học được tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng. chất lượng giáo dục phổ thông có bước phát triển đáng kể. Mạng lưới trường, lớp trung học đã phát triển đến khắp các xã, huyện miền núi, vùng dân tộc. Từ tháng 12/2016 đến nay có 63/63 tỉnh đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 100%; 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, tỷ lệ học sinh 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS là 89,46%.

Cùng với đó, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được củng cố. Hiện cả nước có 314 trường phổ thông dân tộc nội trú với có 91.193học sinh, chiếm khoảng 8% số học sinh DTTS cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông (trong đó 260 trường cấp huyện, 51 trường cấp tỉnh, 3 trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ GD&ĐT).

Chất lượng giáo dục của các trường Phổ thông dân tộc nội trú ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 98,5%; tốt nghiệp THPT qua các năm đạt từ 95,64% đến 99,8%, trong đó có trên 50% học sinh thi đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng, 5% được đi học cử tuyển, 13% vào dự bị đại học, khoảng 30% vào trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và về địa phương tham gia công tác, lao động sản xuất.

Học mà chơi, chơi mà học. Ảnh: Sỹ Điền
 Học mà chơi, chơi mà học. Ảnh: Sỹ Điền

Thực hiện đầy đủ chính sách cho người dạy và người học

Trường dự bị đại học có 4 trường Dự bị Đại học, 1 trường Phổ thông Dân tộc nội trú có đào tạo hệ dự bị Đại học dân tộc (Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc) và 3 khoa dự bị Đại học dân tộc thuộc các Trường đại học (Đại học Tây Nguyên, Đại học Cần Thơ, Đại học Trà Vinh).Hàng năm các trường, khoa dự bị đại học tuyển sinh và đào tạo cho khoảng 4.000 học sinh dự bị/năm.

Chế độ, chính sách với người dạy và học tại vùng DTTS&MN được chú trọng, thực hiện đầy đủ và kịp thời. Chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay đi học, hỗ trợ lao động nông thôn, người khuyết tật học nghề đã giúp nhiều học sinh, sinh viên, lao động nông thôn, người khuyết tật thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội đến trường, duy trì học tập, học nghề tạo việc làm.

Thực hiện chính sách cử tuyển từ năm 2011 đến nay đã có 48/54 dân tộc được hưởng chế độ cử tuyển với số lượng học sinh được cử đi học trên toàn quốc là 8.681 học sinh. Trong đó, số lượng sinh viên đã tốt nghiệp là 4.517; số sinh viên được bố trí việc làm là 1.663 (đạt tỷ lệ 36,15%).

Một số dân tộc có số học sinh cử tuyển khá đông như: dân tộc Thái (15,17%), Khmer (12,46%),Tày (9,59%), Hmông (8,04%), Dao (5,58%),... .Tuy nhiên vẫn còn 5 dân tộc chưa có học sinh cử tuyển như: Brâu, Lự, Ngái, Ơđu, Sila (thuộc các dân tộc rất ít người).

Mặc dù mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo vùng DTTS&MN; chất lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục còn bất cập .

Các chính sách cho người dạy, người học ở vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn một số hạn chế, bất cập về đối tượng, định mức, thời gian hưởng, phương thức hỗ trợ; việc triển khai một số chính sách có lúc, có nơi chưa kịp thời, thiếu đồng bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ