Tạo sân chơi cho trẻ mầm non khi không gian trường học chật hẹp

GD&TĐ - Dù diện tích chật hẹp, nằm ở trong khu dân cư nhưng Trường Mầm non Ngọc Lan (Hải Châu, TP Đà Nẵng) có nhiều giải pháp sáng tạo cho trẻ trải nghiệm.

Trẻ lớp nhà trẻ 36 tháng Trường Mầm non Ngọc Lan tham gia trải nghiệm làm thợ sơn, xây dựng công viên khủng long ngay tại khu vực trường.
Trẻ lớp nhà trẻ 36 tháng Trường Mầm non Ngọc Lan tham gia trải nghiệm làm thợ sơn, xây dựng công viên khủng long ngay tại khu vực trường.

Trường nhỏ, sân chật

Trường Mầm non Ngọc Lan nằm ngay trung tâm thành phố với diện tích đất chỉ khoảng 1.000m2, phải xây chồng 4 tầng lầu.

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “So với đa số các trường mầm non khác thì sân trường Ngọc Lan rất ít các khu vực vui chơi cho trẻ. Gần như các khoảnh sân đều bê tông hoá. Các bồn hoa được thiết kế ngay giữa sân trường nên chiếm diện tích, rất bất tiện khi các cô muốn cho trẻ ra sân để tổ chức các hoạt động. Trẻ chủ yếu chỉ chơi tại lớp, nếu có ra sân chỉ đi dạo quanh các lối chật hẹp vì diện tích đất đều bị giới hạn bởi các khu vực bị chia cắt nhỏ”.

Dọc các hành lang lớp học của Trường Mầm non Ngọc Lan được đặt các chậu nhựa để làm vườn rau của bé, tạo những góc xanh, trẻ được học các kỹ năng chăm sóc cây.

Dọc các hành lang lớp học của Trường Mầm non Ngọc Lan được đặt các chậu nhựa để làm vườn rau của bé, tạo những góc xanh, trẻ được học các kỹ năng chăm sóc cây.

Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cơ sở vật chất càng xuống cấp. Các bồn trồng hoa bỏ hoang do không được cải tạo chăm sóc xơ xác và là nơi chứa những đồ chơi hư hỏng, vừa mất mỹ quan và nguy hiểm cho trẻ. Sân khấu chiếm một phần diện lớn của sân chơi nhưng chỉ sử dụng vào các dịp lễ lớn, văn nghệ. Các bức tường bám rêu, ẩm mốc rất dễ lây các bệnh về đường hô hấp cho trẻ nhỏ. Cổng trường nhỏ và cao, thiết kế kín cách biệt với bên ngoài… tạo nên một ngôi trường cũ kỹ và thiếu sức sống, chật chội.

Cô Thư Trâm chia sẻ: “Để phá vỡ rào cản về không gian, tạo được nhiều góc hoạt động cho trẻ, nhà trường đã trưng cầu ý kiến Tổ tư vấn chuyên môn, nhờ những phụ huynh là kiến trúc sư, thợ xây, thợ mộc, thợ sơn… để cùng đóng góp ý kiến, rà soát quy hoạch lại các khu vực hành lang lớp học, sân trường”.

Các bồn hoa được thay bằng các bồn di động tận dụng từ các nguyên vật liệu là nồi, chậu, xô hư hỏng do phụ huynh đóng góp. Phụ huynh cũng tham gia cùng cô giáo trang trí tạo nên những bồn cây ngộ nghĩnh và vui mắt, sau đó chia thành các khu vực tập trung nhất định, giao cho từng lớp để cô giáo và các bé tự tay chăm sóc.

Trẻ học kỹ năng đi bộ an toàn khi tham gia giao thông qua trò chơi đóng vai khi đi qua các ngã tư.

Trẻ học kỹ năng đi bộ an toàn khi tham gia giao thông qua trò chơi đóng vai khi đi qua các ngã tư.

Sân khấu cũng được cải tạo trải thảm nhân tạo, bố trí bàn ghế để trẻ được tham gia học và chơi bên ngoài lớp học một cách thú vị nhất và đến gần với thiên nhiên hơn.

Các quy hoạch và thay đổi không gian được nhà trường chú trọng từ vấn đề nhỏ nhất như thay lại cổng trường mới, với thiết kế nhẹ nhàng để trẻ nhỏ có thể đứng trong sân quan sát các hoạt động nhộn nhịp của phố phường. Phụ huynh cũng rất yên tâm khi có thể quan sát các hoạt động ngoài sân của các qua khung cửa.

Với bốn tầng cầu thang thì việc duy chuyển lên xuống mỗi ngày nhiều lần đối với các con. Với các cô giáo cũng như phụ huynh đều rất mệt và thiếu an toàn, thấu hiểu và chia sẻ nên ở từng chiếu nghỉ cầu thang đều được bố trí ghế ngồi nghỉ tạm…

Học bằng chơi, chơi bằng học

Trường Mầm non Ngọc Lan đã tận dụng nhiều góc không gian phù hợp để xây dựng các khu vui chơi, hoạt động phù hợp với từng độ tuổi của trẻ.

Khu chơi sỏi được bố trí dưới những bụi tre xanh mát tạo sự êm đềm giúp trẻ tăng trí tưởng tượng. Khu vực “Vào bếp cùng bé” để các bé thường xuyên được tập làm quen với dao, thớt, nĩa, đũa… chỉ cần một khoảng sân nhỏ, còn lại là xin từ phụ huynh, mạnh thường quân, từ các cô giáo với cái bếp từ, chảo, chén, dĩa, dao thớt… đã có ngay một căn bếp với đầy đủ đồ dùng các chức năng để các con tập nấu ăn, làm bánh… Qua các hoạt động tập làm bếp, các bé được trực tiếp làm quen với kỹ năng cầm dao đúng cách, lăn bột, cán bột an toàn không làm ảnh hưởng đến bàn tay.

Bé học làm bánh tại khu vực trải nghiệm làm bếp cùng bé.

Bé học làm bánh tại khu vực trải nghiệm làm bếp cùng bé.

Bé Phạm Phúc Khang – lớp Nhỡ 1 kể rất hào hứng: “Con thích nhất là chơi ở khu gara xe con nít và trạm xe buýt. Con được đạp xe đạp, điều khiển xe ô tô, xe kéo hàng… Con cũng phải nhớ đi xe đúng làn đường quy định, đậu xe đúng chỗ không là bị phạt. Chơi xong phải cho xe vào gara. Không chen lấn khi lên xuống xe buýt, không thò đầu tay ra ngoài khi ngồi trên xe…”.

Phòng chức năng cũng được nhà trường sửa chữa, trang bị vừa làm phòng học năng khiếu nhưng cũng là một rạp xem phim thu nhỏ để các bé được thư giản cuối tuần. Thông qua hoạt động xem phim giúp bé làm quen với một số quy định khi vào rạp phim như ngồi đúng vị trí số ghế ghi trên vé, giữ trật tự, không xả rác. Bé Ngô Phương Mai kể: “Lúc xem phim, con và các bạn còn được ăn bắp rang bơ và uống nước hoa quả. Dù rạp phim tắt hết đèn, chúng con cũng không hề sợ”. Nhiều bạn nhỏ Trường Mầm non Ngọc Lan lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác xem phim tại rạp với các bộ phim vui nhộn phù hợp với độ tuổi.

Vào rạp xem phim của trường, bé học được cách tìm đúng số ghế, giữ trật tự khi đang xem phim.

Vào rạp xem phim của trường, bé học được cách tìm đúng số ghế, giữ trật tự khi đang xem phim.

Tùy theo từng độ tuổi, các giáo viên sẽ xây dựng những hoạt động ở bên ngoài không gian nhà trường cho trẻ. Từ đi dạo công viên, đi siêu thị, đi chợ, tham quan phố ẩm thực, trẻ đủ tự tin và mạnh dạn tham gia vào các sự kiện lễ hội bên ngoài khu vực sân trường, giao lưu với mọi người xung quanh.

Nhà trường tổ chức các hoạt động xử lý tình huống như: Bé làm gì khi phát hiện có cháy, điện giật, tiếp xúc với người lạ khi không có bố mẹ người thân bên cạnh, cách xử lý khi thấy bạn té ngã, trầy xước, văn hoá xếp hàng, văn hoá nhường nhịn, cảm ơn, xin lỗi, văn hoá trong ăn uống và giao tiếp, đuối nước… từ đó hình thành cho các con kỹ năng cần thiết để tự ứng phó, thích nghi với một số rủi ro thường gặp…

Chỉ sau 8 tháng kể từ khi mạnh dạn thay đổi lại không gian trường lớp, đổi mới các hoạt động giáo dục, Trường Mầm non Ngọc Lan đã thu hút thêm gần 100 trẻ trong độ tuổi đến trường so với năm học trước. Phụ huynh rất hứng thú khi được giáo viên thông báo cùng tham gia vào các hoạt động của con ở trường.

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan cho biết: "Nhà trường đặc biệt chú trọng thiết kế các khu vực chơi luôn có tính mở về diện tích và ánh sáng nhằm đảm bảo cho đôi mắt các con khỏi bị tổn thương. Chúng tôi đã mạnh dạn phá bỏ sự “cầu kì, rườm rà” trong trang trí. Giản đơn về màu sắc sẽ làm dịu mát không gian chơi của trẻ, thay những bức tường bê tông bằng một số tường gương kính, nhiều cửa sổ nhìn ra bên ngoài sẽ giúp không gian bên trong và bên ngoài lớp học hoà quyện, giúp cho đứa trẻ cảm thấy gần hơn với thiên nhiên, giúp cho các hoạt động vui chơi đạt hiệu quả".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.