Việc xuất hiện một clip 27 giây ghi lại hình ảnh được cho là một nam sinh viên đang làm chuyện phòng the với bạn gái ngay khi đang tham gia lớp học trực tuyến, đặt ra vấn đề quản lý việc dạy và học trực tuyến...
Đừng để tai nạn trở thành bi kịch
Theo đó, đoạn video nhạy cảm trong lúc học online được cho là của một sinh viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) lan truyền rộng rãi trên mạng vào sáng 28/6. Giảng viên đứng lớp nhanh chóng phát hiện, nhắc nhở và tắt camera của nam sinh trên. Đồng thời, giảng viên này than: “Trong lớp này có cái ông B.N.V.T. ổng đang làm cái trò gì vậy?... Tôi bó tay rồi đó”.
Chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng HUTECH cho biết: Đoạn video đang lan truyền là cảnh quay một buổi học trực tuyến của trường. Nam sinh viên trong đoạn clip đã gửi tâm thư đến ban lãnh đạo nhà trường. Trong thư, nam sinh viên xin lỗi về sai phạm của mình. Phó Hiệu trưởng HUTECH cũng mong rằng, bạn bè và những người xung quanh không lan truyền đoạn clip này.
Liên quan sự việc, một cán bộ Phòng Truyền thông HUTECH cho hay: "Sinh viên này đang bị khủng hoảng tinh thần nên mọi vấn đề liên quan như xử lý kỷ luật… nhà trường chưa đặt vấn đề, để bạn và gia đình ổn định lại trước đã”.
Trao đổi với Báo GD&TĐ về hiện tượng này, TS Tâm lý Đào Lê Hòa An (Giám đốc Chiến lược Trung tâm giáo dục hướng nghiêp 4.0 JobWay) cho rằng: Đây là sự cố đáng tiếc khi những hình ảnh mang tính chất riêng tư bị trình chiếu ngay trong lớp học trực tuyến. Mỗi người cần hết sức cẩn trọng vì lớp học trực tuyến đều có thể ghi lại từng khoảnh khắc, đây cũng vừa là sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhưng cũng là thách thức đối với quá trình dạy và học, với cả giảng viên và sinh viên.
Ở góc độ người tham gia dạy học trực tuyến, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM), cho rằng: Trước khi vào lớp dạy, người dạy và người học cần mặc quần áo nghiêm túc, mặt mũi sạch sẽ, tươi tắn nhất để có thể ngoài bài giảng, truyền thêm đôi chút năng lượng tích cực trong những ngày buồn vì dịch bệnh khắp nơi thế này.
“Với trường hợp đã lỡ xảy ra, tôi nghĩ sinh viên nên tỉnh táo hơn với cuộc sống của mình. Các em nên trưởng thành từ những việc tưởng chừng đơn giản, nhỏ nhặt nhưng có lẽ sẽ ảnh hưởng lâu dài. Các bạn cùng lớp cũng nên tha thứ cho hành động sai lầm của bạn, để bạn có thể vượt qua “tai nạn” này. Đừng để tai nạn trở thành bi kịch” - ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.
Siết nội quy lớp học trực tuyến
Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, trong điều kiện bình thường, khi còn học trực tiếp, trước khi học sinh - sinh viên vào được lớp học, trang phục có đúng quy định của từng trường được kiểm soát ngay từ cổng trường. Cũng có em đã bị bảo vệ hoặc các thầy cô giám thị từ chối cho vào trường vì không đúng tác phong hoặc vi phạm các chuẩn mực.
“Việc thay đổi hình thức học tập từ trực tiếp và trực tuyến, từ trong lớp học (mang tính cộng đồng) chuyển sang tại nhà (mang tính riêng tư) cũng kéo theo nhiều sự thay đổi. Như vậy, để lớp học online có thể đạt hiệu quả cao, bên cạnh phương pháp sư phạm của thầy cô giáo phải có sự thích nghi và thay đổi thì chính nội quy về tác phong, sự cam kết từ phía người học cũng cần được đặt ra.
HSSV cần chọn lựa khu vực yên tĩnh, tập trung tối đa cho việc học, tắt các ứng dụng, nền tảng có thể làm sao nhãng việc học như Facebook, YouTube, trang phục lịch sự, chuẩn mực như tâm thế trong một lớp học thực thụ. Trước khi cấp quyền vào lớp, các em được xét duyệt về tất cả điều kiện đáp ứng yêu cầu của lớp học..” - TS Tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ.
ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ kinh nghiệm: Tôi ít khi yêu cầu sinh viên mở ống kính trực tiếp mà để các em tự nhiên, chọn hình đẹp nhất làm hình hiển thị khi tham gia lớp học. Đôi khi, các em ở nhà, quần áo cũng không được chỉn chu, đầu tóc còn rối, tôi thông cảm và cũng để cho các em tự nhiên nên không yêu cầu mở màn hình trực tiếp. Miễn sao các em có tương tác, tôi hỏi các em có trả lời, cho bài tập các em có làm… Như vậy là ổn rồi.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nêu quan điểm: Học trong môi trường ứng dụng Meeting Video Conferencing đôi khi xuất hiện những hình ảnh xấu có thể từ phía người học, hoặc người dạy có thể được xem như một tai nạn trong quá trình sử dụng. Tai nạn có thể xảy ra từ chức năng chia sẻ màn hình và chế độ bật/tắt Camera (CAM) và Micro (MIC) của thiết bị công nghệ (máy tính, điện thoại thông minh…) được tích hợp sẵn trên các ứng dụng. Vì vậy, người dùng nên kiểm tra chế độ hoạt động của thiết bị công nghệ (CAM và MIC) trước khi rời lớp giải lao và làm việc riêng.