Quản lý điểm số “tay 3”

GD&TĐ - Quản lý "tay 3" gồm "Ban giám hiệu - giáo viên - học sinh" - cùng một lực lượng xã hội rất công tâm là cha mẹ học sinh chung vai giám sát sự chính xác trong mỗi điểm số kiểm tra, thi cử trong nhà trường. 

Các trường tập trung triển khai ôn thi các môn học sinh đăng ký
Các trường tập trung triển khai ôn thi các môn học sinh đăng ký

Quy trình chặt từ lãnh đạo trường

Thầy Hoàng Nghĩa Đào - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng (Đăk Lăk): Quá trình đào tạo, việc cho điểm, quản lý điểm, đánh giá là làm theo Quy chế. Trong đó, BGH quản lý điểm trong máy theo cập nhật từng tháng; giáo viên quản lý theo sổ điểm cá nhân; tập thể lớp học sinh quản lý sổ điểm lớn của lớp. 

Bài kiểm tra định kỳ, thường tổ chức thi tập trung theo khối và đề chung. Học sinh mỗi em đều có thể tự chấm bài của mình và trong lớp luôn có sự giám sát việc chấm bài của giáo viên đối với từng em.

Bên cạnh đó, là khâu thanh tra, kiểm tra, thăm dò ý kiến học sinh của BHG đối với giáo viên.

Đó là một số biện pháp hành chính. Ngoài ra, cái cốt lõi nhất là nơi trường học, người Hiệu trưởng phải công - minh - chính - trực, làm gương tốt, cùng tập thể xây dựng nền nếp dạy - học - đánh giá nghiêm túc, từ đó giáo dục "cái tâm" cho người thầy. Chỉ có bằng cái tâm, sự tự giác của người thầy mới thực sự tránh được những tiêu cực.

Cô Nguyễn Hồng Thúy - Hiệu trưởng trường Ngô Quyền (Hải Phòng): Tôi khẳng định những lo lắng về cho điểm không công tâm, nâng điểm… không dễ dàng thực hiện. Như ở trường tôi và nhiều trường bạn, bài kiểm tra định kỳ nhà trường tổ chức thi chung, chấm chung và sau khi thi nhà trường phát đáp án cho học sinh tự chấm điểm. Vậy nên, sẽ hạn chế rất nhiều sự tiêu cực trong cách cho điểm của giáo viên.

Cô Nguyễn Nhâm Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội): Hiện nay, giáo viên bộ môn cũng đóng vai trò quan trọng trong kết quả xét tốt nghiệp của học sinh. Vì vậy cần sự chính xác, công bằng trong việc cho điểm.

Chúng tôi thực hiện quản lý chặt chẽ việc chấm điểm của giáo viên. Trong tất cả các phòng tổ chuyên môn đều dán công khai tiến độ kiểm tra của từng lớp trong trường, ngày kiểm tra, ngày trả bài. Giáo viên kiểm tra 1 tiết một số môn theo đề chung, chấm chéo và trả điểm cho bộ phận giáo vụ. 

Theo đó, bộ phận giáo vụ sẽ vào điểm trực tiếp trên mạng, GV có thể xem điểm trên mạng môn mình dạy. Khi kiểm tra theo đề chung, giáo viên cần phải cẩn thận ra đề, chấm bài thật chính xác, chữa bài kỹ và rõ ràng.

Nhà trường cũng đưa ra các hình thức phạt thi đua nặng với các trường hợp giáo viên coi không nghiêm túc, chấm bài còn sai sót, thiếu... Các kỳ thi đều chia phòng thi, giáo vụ vào điểm qua mạng cho nên điểm công khai, chính xác và không có hiện tượng tiêu cực nào xảy ra.

 

Tâm sáng từ mỗi giáo viên

Cô giáo Vũ Thu Huyền - Giáo viên môn Sinh học Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình): Tôi không cảm thấy áp lực khi chấm điểm cho học sinh. Từ trước đến nay chúng tôi vẫn thực hiện một cách rất nghiêm túc quy chế đánh giá, kiểm tra thi cử của Bộ GD&ĐT.

Cho đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định rằng bản thân tôi, các đồng nghiệp cùng các em học sinh đều rất yên tâm trước quyết định đổi mới của Bộ GD&ĐT. Chúng tôi vẫn tiến hành lấy điểm kiểm tra của học sinh một cách bình thường như những năm học trước: Ra đề kiểm tra đúng với phân phối chương trình, phù hợp với đối tượng và trình độ học sinh. 

Khi chấm bài kiểm tra luôn trân trọng sự cố gắng, nỗ lực của từng học sinh và trả bài đến tận tay các em cho các em tự chấm với đáp án được phát sẵn.

Từ những năm học trước, kết quả thi tốt nghiệp của học sinh trường chúng tôi thường phản ánh tương đối đúng với việc đánh giá học lực trong học bạ.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thu - Giáo viên Văn Trường THPT Yên Lạc 1 (Vĩnh Phúc): Với hình thức thi tốt nghiệp mới, việc đánh giá và cho điểm của giáo viên đối với học sinh cũng có chút áp lực với chúng tôi. Đòi hỏi mỗi người phải chính xác hơn nữa trong việc cho điểm.

Trên thực tế giáo viên chấm điểm theo thang điểm quy chuẩn chung. Với những kỳ thi quan trọng thì nhà trường thực hiện chỉ đạo của Sở và tổ chức công tác chia phòng, đánh SBD, việc ra đề, chấm điểm, vào điểm đều được kiểm tra và qua quá trình xét duyệt của lãnh đạo. Một quy trình khép kín hạn chế việc cho điểm tiêu cực từ cá nhân giáo viên.

Học sinh "để ý" hơn đến điểm số

Phạm Hằng Vy - Học sinh 12D Trường THPT M.V Lômnoxop: Việc đánh giá của giáo viên đối với học sinh trong quá trình học tập sẽ ảnh hưởng đến việc xét tốt nghiệp nên điều đó càng khiến chúng em "để ý" hơn đến điểm số của mình.

Em được biết một bài kiểm tra được phép sai số 0,5 - 1 điểm, chỉ 0,5 điểm thôi cũng tác động đến điểm phẩy của chúng em. Vậy nên cả lớp em đều ý thức việc chính xác điểm số mỗi bài kiểm tra.

Nguyễn Lan Anh - Học sinh lớp 12A1, Trường THPT Hải Hậu A (Nam Định):  Theo em, việc xét điểm tốt nghiệp qua quá trình học phổ thông là hợp lý vì đây là thành quả sau những nỗ lực của em và các bạn. Các thầy cô giáo đều rất công tâm trong đánh giá nên chúng em không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, chúng em cũng không lơ là với điểm số của mình, sau mỗi bài kiểm tra em đều xem lại rất kỹ, và cũng chuyển lại bài cho các bạn kiểm tra chéo giúp mình.

                Những đôi mắt giám sát tinh tường                                                                                                                                     Chị Phạm Thị Nhung xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ - Hưng Yên): Là phụ huynh đang có con học lớp 10, tôi rất quan tâm đến việc đánh giá chấm điểm của giáo viên đối với con mình. Sau mỗi bài kiểm tra trên lớp tôi vẫn đối chứng với điểm số mà cô giáo chấm và những lời nhận xét phê bình của cô để từ đó giúp con điều chỉnh lại phương pháp học. Nếu điểm số chưa phản ánh đúng học lực của cháu, tôi đều có trao đổi với giáo viên. Mục đích để các cháu thấy được giá trị và ý nghĩa của điểm số, từ đó nâng cao ý thức tự học, tự rèn luyện nhằm đạt kết quả cao nhất trong học tập.

Anh Cao Hoàng Luyện (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội): Trước kia, tôi không để ý nhiều đến điểm của con vì không muốn tạo áp lực cho các con trong quá trình học và càng không muốn con mắc bệnh thành tích. Tuy nhiên, năm nay việc đánh giá học lực của giáo viên đối với học sinh sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc tốt nghiệp của các con. Chính vì vậy, bản thân tôi thường xuyên quan tâm đến điểm của con cũng như cách đánh giá, cho điểm của giáo viên.


Chị Nguyễn Thu Hương - Giảng viên Trường Đại học Thủy lợi:  Phụ huynh ai cũng quan tâm lo lắng đến lực học của con thông qua điểm số. Nhưng người hiểu rõ nhất chuyện thầy cô cho điểm lại là các con. Tôi rất yên tâm khi không thấy con phàn nàn về cách chấm điểm trên lớp của thầy cô. Ngược lại, chắc chắn tôi cũng sẽ tìm hiểu xem có vấn đề gì trong bài vở của con hay cách đánh giá của thầy cô giáo. Thời điểm hiện tại, điểm số các môn học trong quá trình học của con rất quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.