Quản lí đổi mới sáng tạo trong dạy học

GD&TĐ - Gần đây dư luận trong ngành xôn xao với câu chuyện một giáo viên (GV) môn Văn ở TPHCM bị kỷ luật vì cho HS đóng “cảnh nóng”. Mặc dù lãnh đạo nhà trường cho rằng việc kỷ luật GV này có nhiều nội dung chứ không phải mỗi một chuyện nhạy cảm trên, nhưng nhiều GV tỏ ra băn khoăn về giới hạn cũng như những rủi ro khi đổi mới sáng tạo dạy học.

Đổi mới sáng tạo trong GD phải tuân thủ theo yêu cầu quản lý chuyên môn. Ảnh: Quý Trung
Đổi mới sáng tạo trong GD phải tuân thủ theo yêu cầu quản lý chuyên môn. Ảnh: Quý Trung

Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đang đòi hỏi bản thân mỗi nhà giáo phải có những chuyển biến tích cực trong chuyên môn. Để nhà giáo phát huy vai trò, vị thế của mình, nhà trường và xã hội cho họ “đất” sáng tạo, song bao giờ cũng đi liền với những vấn đề rủi ro, mạo hiểm.

Trong một tọa đàm về “Đổi mới GD - Nhìn từ góc độ người thầy”, GS.TS Đinh Quang Báo (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã bình luận: “Làm GV bây giờ rất rủi ro, rủi ro hơn cả tham gia giao thông... Đôi khi dạy xong một buổi mới biết mình an toàn”. 51,92% ý kiến của hội đồng sư phạm nhà trường nơi thầy giáo bị kỷ luật trong câu chuyện nói trên đồng tình với hình thức kỷ luật, còn lại 48,08% GV không có ý kiến hoặc ủng hộ thầy giáo.

Cục diện này đã phản ánh phần nào một điều rằng: Nhận thức trong đội ngũ về ranh giới sáng tạo trong dạy học chưa thống nhất. Một câu hỏi đã đặt ra: Vậy GV phải đổi mới sáng tạo như thế nào để hạn chế thấp nhất rủi ro? Quản lí việc đổi mới sáng tạo ở cơ sở giáo dục cần phải như thế nào để không xảy ra tình huống hiểu thế nào cũng được?

Không phải ngẫu nhiên mà quản lí đổi mới sáng tạo là một kỹ năng quan trọng đã được đưa vào các chương trình đào tạo nghiệp vụ quản lí. Đòi hỏi một khung chuẩn mực cụ thể theo kiểu “hành lang pháp lí” cho đổi mới sáng tạo trong dạy học, chưa có và cũng không dễ có khi sáng tạo là vô cùng.

Tuy nhiên, thực tế có những công thức chung trong quản trị đổi mới sáng tạo để bảo đảm hiệu quả. Đó là: Xác định vai trò và các quy trình làm việc liên quan đến quá trình đổi mới; việc ra quyết định và sự tham gia vào đổi mới; người chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm cốt lõi, xác lập các giá trị thể hiện tất cả các sáng kiến đổi mới; cách mà đổi mới được đo lường và đánh giá, quyết định tài chính cho việc đổi mới; quản trị rủi ro khi đổi mới…

Ở trong phạm vi trường học, có nhiều công cụ để quản lí việc đổi mới sáng tạo, đó là quy chế chuyên môn; là những biện pháp quản lí dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho HS qua việc phát huy vai trò tổ chuyên môn như quản lí việc xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học, việc chuẩn bị bài lên lớp, giờ lên lớp của GV, hồ sơ tổ chuyên môn và hồ sơ chuyên môn GV; tôn chỉ mục tiêu mà môn học hướng đến như tính khoa học, tính chân thiện mỹ; phân phối chương trình mang tính pháp quy do Bộ GD&ĐT ban hành và nội dung bài học trong SGK… Nắm vững những công cụ trên, cán bộ QLGD cấp cơ sở và GV sẽ vững vàng hơn trong hành trình đổi mới sáng tạo.

Khi mỗi nhà trường quan tâm đến quản lí đổi mới sáng tạo thì mỗi sáng kiến của GV sẽ thực hiện đúng quy trình với sự kề vai sát cánh của “bà đỡ” là tổ chuyên môn, rủi ro sẽ được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò quản lý của nhà trường, bản thân nhà giáo cũng cần xác định rõ ý thức, trách nhiệm, đầu tư thời gian tự học, tự nghiên cứu để nâng cao tay nghề, tham gia đề xuất và điều chỉnh về sự đổi mới trong GD-ĐT. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ