Quán Hành đầu đông

GD&TĐ - Thị trấn Quán Hành với dáng hình bé xíu nằm trầm tư nghiêng mình về phía Tây đường Quốc lộ 1A là những gì còn ấn tượng nhất với tôi từ những ngày tấm bé cho đến bây giờ.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

1. Sáng có chút việc riêng nên tôi phải phóng xe lên thị trấn Quán Hành. Dọc đường đi cảm nhận trời đã chuyển mùa. Chợt nhìn từ xa đã thấy cái bảng hiệu báo đã đến địa phận thị trấn, cái chữ “Quán Hành” màu trắng in đậm đã dần hiện rõ.

Gió thổi lành lạnh, bất giác giật mình bởi cũng chẳng biết cái tên là lạ của thị trấn có tự bao giờ. Trời mưa lất phất, Quán Hành sau đợt giãn cách quán xá đã mở cửa trở lại nhưng xem chừng vẫn còn vắng vẻ. Thi thoảng mới thấy một vài người đã mặc áo ấm xúng xính dạo bộ trên vỉa hè.

Tôi ghé vào quán cà phê Số Đỏ - cái quán gắn bó nhiều kỉ niệm với nhóm bạn quê của chúng tôi. Mấy đứa bạn thân sau khi xa quê tứ xứ, lúc trở về vẫn thường hẹn nhau gặp gỡ ở quán này. Quán sáng nay vắng tanh, tôi ngồi lọt thỏm giữa tiếng nhạc du dương.

Bài hát “Mưa trên phố Huế” vốn đã man mác buồn nay còn da diết nhớ thương hơn “Chiều nay mưa trên phố Huế/ Kiếp giang hồ không bến đợi/ Mà mưa rơi vẫn rơi rơi hoài/ cho lòng nhớ ai… Tình đã xa gió mưa u hoài/ Mắt lệ ngắn dài…”.

Nhìn ra phố, thấy mờ ảo những khuôn mặt bạn bè đang đạp xe đi học trong mưa… Thấy nụ cười vô tư hồn nhiên của một thời áo trắng mộng mơ. Thấy cả giọt nước mắt ấm nồng ngày xưa xa cách…

2. Thị trấn Quán Hành với dáng hình bé xíu nằm trầm tư nghiêng mình về phía Tây đường Quốc lộ 1A là những gì còn ấn tượng nhất với tôi từ những ngày tấm bé cho đến bây giờ. Hồi ấy, thị trấn yên bình, ít xe cộ, ít quán xá và vắng cả tiếng người. Thảng hoặc có tiếng còi tàu từ trong ga vang lên huyên náo nhưng rồi cũng nhỏ dần và mất hút theo dấu những làn khói mỏng manh.

Ngày ấy học cấp ba, chúng tôi thường chở nhau trên những chiếc xe đạp cà tàng từ quê lên thị trấn. Trường nằm cuối thị trấn nên ngày nào cũng hai lượt lướt nhanh qua phố. Nhà nhỏ bạn cùng lớp có cái quán bán đồ điện ven đường. Tan tầm bạn đạp xe nhanh ra trông quán cho mẹ. Có mấy đứa con trai trong lớp đạp theo ngã nhào… thành kỉ niệm.

Rồi con đường từ thị trấn lên xã Đoài, có cái quán tạp hóa nhỏ xíu nhà ông Ngự. Những lần học cả ngày, mấy bạn lớp tôi đều “nghỉ trọ” ở đây. Ăn qua quýt bát mì tôm hay cái bánh chưng lót dạ rồi leo lên võng ngủ một giấc và chiều lại đến trường học. Nhớ thị trấn một thời bình yên nghiêng mình trong những đợt mưa bụi đầu mùa, bạn bè co ro đến lớp. Có ai đó chở nhau trên chiếc xe đạp cà tàng đến lớp.

Lạnh bầm tím môi. Lạnh cứng đơ đôi bàn tay. Những lần ngang qua thị trấn vắng vẻ, cách chừng vài ba trăm mét nữa là đến cổng trường, bao giờ cũng thế, có ai đó xuống xe đi bộ một mình vì... ngại bạn bè trông thấy. Vậy mà cũng đã hơn hai mươi năm rồi...

3. Quán Hành không đông đúc, không tấp nập, cũng không kẹt xe tắc đường như những thị trấn đông đúc khác. Những con đường trong lòng thị trấn tĩnh vắng vô cùng. Tôi nhớ lần đầu mấy đứa bạn hẹn nhau uống cà phê ở Số Đỏ. Đó là cái năm đầu tiên, tôi về phép đúng dịp mấy đứa bạn đại học nghỉ hè.

Hẹn uống cà phê chỉ là cái cớ. Thực ra, bọn tôi muốn qua cuộc gặp gỡ lần ấy để nối lại tình duyên cho một đôi trong nhóm đang trên đà đổ vỡ. Quán nằm trên con đường chạy thẳng lên xã Đoài. Quán nhỏ nên có cảm giác ấm áp. Trà pha rất thơm và ấm nóng.

Thoang thoảng mùi hương một loài hoa nào đó lạc vào quán trong đêm. Thằng Hoàng bảo chủ quán mở hộ bài hát “Mưa trên phố Huế”. Có lẽ nó học trong Huế nên mê bài này chăng? Riêng tôi từ lần nghe ấy trong đêm mưa giữa lòng thị trấn thì mê đắm luôn. Gọi mấy ly cà phê nhưng chả ai uống cả.

Thằng Phước chẳng biết đã rời quán lúc nào và chợt xuất hiện trở lại, trên tay cầm chai rượu và ít đồ nhắm. Thế là mấy đứa nâng ly. Mấy đứa con gái thì ngồi nghe mấy đứa con trai gật gù kể chuyện. Chẳng còn nhớ chúng tôi đã luyên thuyên những gì, chỉ biết rằng khi rời quán thì trời đã khuya lắc.

Có đứa say. Có đứa cười. Có kẻ khóc. Có nỗi buồn đổ vỡ. Và mãi sau này mới hiểu, mục đích “hàn gắn yêu thương” cho đôi bạn đã không thành. Cũng từ đó, tôi biết thêm, có một Quán Hành hẹn hò nâng đỡ những tâm hồn lúc cô đơn.

4. Giờ đây, Quán Hành sau bao năm vẫn chẳng thay đổi là bao. Sự thay đổi không đến từ trong lòng thị trấn mà có chăng là mật độ xe cộ tăng lên khi lưu thông trên tuyến đường 1A. Tôi đã ghé qua nhiều thành phố, thị trấn và thường khi trở lại rất khó nhận ra, bởi sự phát triển chóng mặt.

Quán Hành thì không như thế, vẫn còn đó sự trầm mặc, bình yên, nhất là về đêm. Những dãy quán du dương trong tiếng nhạc nhẹ nhàng. Những bóng người ngồi lặng lẽ nhâm nhi ly cà phê trong ánh đèn mờ. Có ai biết đâu rằng, trong số ấy có những tâm hồn cô đơn đang nhớ về xưa cũ.

Nhác nhìn ra con đường trước mắt, mờ ảo hiện về bao khuôn mặt thân quen. Ai đó gò mình đạp xe ngược chiều gió? Ai đó đuổi bắt một sắc màu thân quen? Người xưa đổi thay. Người xưa xa khuất. Người xưa không về. Có kẻ trở lại mò mẫm vào màn đêm, nhấp môi vào vị ngọt đắng mà nhìn bao ngày tháng đổi thay.

Nhưng không? Riêng thị trấn dường như vẫn vậy, vẫn thâm trầm vắng vẻ. Vẫn thảng hoặc tiếng còi xa. Vẫn da diết trong tiếng nhạc buồn chơi vơi “Ngày xưa mưa rơi thì sao/ Bây chừ nghe mưa lại buồn/ Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng/ Làm mình cô đơn…”.

5. Gió mùa lại về. Gió rít lùa vào ô cửa nhỏ đủ để cho ai đó cảm nhận cái se lạnh đầu đông. Bỗng lại nhớ cái thị trấn nhỏ. Cái thị trấn một thời bình yên nghiêng mình trong những đợt mưa bụi đầu mùa.

Gió mùa lại về...

Lành lạnh một nỗi nhớ xa xưa...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ