Điều này có thể là thách thức khi châu lục này bước vào “mùa đông Covid-19” thứ hai.
Dữ liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho thấy, Đông Âu và Nga là những khu vực ghi nhận tình trạng dịch diễn biến tồi tệ nhất với số ca tử vong theo ngày tăng, tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống mức thấp 24%.
Hôm 21/10, Latvia trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu áp lệnh phong tỏa khi gia tăng ca nhiễm trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng thấp. Ước tính, chỉ 56% số người trưởng thành đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin so với tỷ lệ trung bình của EU là 74,6%.
Không chỉ Đông Âu, Tây Âu cũng đang chứng kiến sự gia tăng ca nhiễm Covid-19 dù nhiều quốc gia gần như đã “phổ cập” vắc-xin. Đơn cử, tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 trong 100.000 người dân Đức đã tăng lên 100 ca vào ngày 23/10, mức tăng cao nhất tính từ tháng 5/2021. Bỉ, Ireland ghi nhận tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất Tây Âu.
Tỷ lệ tiêm chủng khác nhau đã đặt Đông Âu và Tây Âu theo hai chiều hướng riêng biệt nhưng điểm chung là tỷ lệ ca nhiễm tăng cao. Theo các chuyên gia y tế, khi nới lỏng hạn chế về dịch, đồng thời thời tiết trở lạnh nên người dân có xu hướng tập trung đông trong nhà. Từ đó, biến thể Delta có khả năng lây truyền cao bất chấp nỗ lực tiêm chủng và kiểm soát dịch của chính phủ các nước.
Một số quốc gia châu Âu đang trở lại với các quy định phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Từ ngày 25/10, Romania sẽ áp lệnh giới nghiêm ban đêm, yêu cầu người dân phải xét nghiệm trước khi đến các địa điểm đông người. Quốc gia này ghi nhận 19,25 ca tử vong trên một triệu người, một trong những tỷ lệ tử vong trên đầu người vì Covid-19 cao nhất thế giới.
Vấn đề của Romania không nằm ở tình trạng thiếu vắc-xin do việc tiêm chủng, vận chuyển vắc-xin đã được EU phê duyệt. Nhưng giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, việc triển khai tiêm chủng tại Romania bị cản trở bởi kế hoạch lỏng lẻo của chính phủ và sự nghi ngờ của cơ quan chức năng. Theo ECDC, chỉ 35,6% dân số trưởng thành nước này đã tiêm đủ hai mũi.
Nước láng giềng, Ukraine, cũng liên tục báo cáo số ca nhiễm tăng cao kỷ lục kể từ khi biến thể Delta xâm nhập vào tháng 5/2021. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi người dân quốc gia tiêm vắc-xin, khẳng định không phong tỏa để hồi phục nền kinh tế.
Song đến hôm 22/10, các trường học tại điểm nóng Covid-19 ở nước này phải đóng cửa. Chính phủ yêu cầu người dân trình giấy chứng nhận tiêm vắc-xin hoặc xét nghiệm âm tính trước khi tham gia giao thông công cộng.
Chung số phận, Nga đang chịu đựng giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất từ trước đến nay. Thủ đô Moscow đã áp đặt lệnh phong tỏa trở lại, kéo dài 10 ngày từ hôm 25/10 trong nỗ lực hạn chế các trường hợp nhiễm Covid-19 mới tăng cao. Động thái này diễn ra khi Nga đang phải trải qua giai đoạn tồi tệ nhất từ trước đến nay của đại dịch.
Mùa đông 2021 có thể là mùa đông thứ hai châu Âu đối mặt với khủng hoảng vì dịch Covid-19. Nhưng các chuyên gia nhận định, nó sẽ không tồi tệ như quá khứ vì bệnh viện dã chiến đã được xây dựng, vắc-xin đang được triển khai. Những công cụ hỗ trợ đang giúp con người thay đổi cuộc chơi với dịch bệnh nên người dân châu Âu vẫn cảm thấy tương đối lạc quan.
Một trong những ví dụ điển hình là thái độ của người dân Anh trước dịch bệnh. Sau “Ngày Tự do”, người dân và chính phủ nước này khá thờ ơ dù số ca nhiễm tăng cao. Họ tin tưởng rằng nhờ vắc-xin, tỷ lệ bệnh trở nặng sẽ giảm và Covid-19 sẽ dần chuyển thành bệnh đặc hữu, như cúm mùa.