Đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non

GD&TĐ -Thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi không chỉ mạng lưới trường lớp được mở rộng và phát triển, GDMN huyện Việt Yên (Bắc Giang) với hàng loạt giải pháp đáp nhu cầu, chương trình mới...

 Trẻ vui chơi tại Trường Mầm non Ninh Sơn (huyện Việt Yên).
Trẻ vui chơi tại Trường Mầm non Ninh Sơn (huyện Việt Yên).

Giúp trẻ sẵn sàng vào lớp 1

Tại huyện Việt Yên (Bắc Giang) những năm qua, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (GDMNTNT) đã tạo được những tiền đề căn bản nhằm nâng cao chất lượng, chăm sóc giáo dục trẻ mầm non.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, bà Đỗ Thị Hương - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Việt Yên cho biết, phổ cập GDMNTNT huyện Việt Yên được công nhận năm 2012, luôn duy trì vững chắc kết quả phổ cập GDMN ở tất cả 17/17 đơn vị cấp xã, thị trấn. Sau 10 năm thực hiện, mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phát triển.

Tính đến tháng 5/2022, toàn huyện có 424 phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố chiếm 95,8% , tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng mạnh (13.644 cháu), trong đó, có 3.847 trẻ mẫu giáo 5 tuổi.

"Các địa phương đã chú trọng đến GDMN, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Hiện nay, GDMN đã chuyển biến tích cực với mạng lưới trường lớp được củng cố, mở rộng và phân bố trên các địa bàn dân cư, đáp ứng kịp thời nhu cầu và chương trình GDMN mới trong giai đoạn hiện nay...", bà Hương bày tỏ.

Có được kết quả trên theo bà Đỗ Thị Hương cho rằng, đó là sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị xã hội. Đặc biệt là sự nỗ lực của ngành Giáo dục Việt Yên đáp ứng, thực hiện tốt mục tiêu, bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở địa phương được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục hai buổi/ngày. Qua đó, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng vào lớp 1.

Trường Mầm non Ninh Sơn (huyện Việt Yên) - chuẩn quốc gia mức độ 2.
Trường Mầm non Ninh Sơn (huyện Việt Yên) - chuẩn quốc gia mức độ 2.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMNTNT trong giai đoạn mới, ngành Giáo dục huyện Việt Yên đưa ra hàng loạt giải pháp đồng bộ cụ thể. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về phổ cập GDMNTNT dưới nhiều hình thức. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng đối với việc thực hiện phổ cập. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác Phổ cập GDMNTNT, coi phổ cập GDMNTNT là tiền đề để nâng cao chất lượng GD&ĐT. Qua đó, huy động các nguồn lực cho Phổ cập giáo dục mầm non.

Đồng bộ các giải pháp

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Việt Yên – Đỗ Thị Hương cũng bày tỏ, cần quan tâm hơn việc hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho GDMN, đáp ứng yêu cầu huy động trẻ 5 tuổi và giữ vững số trẻ dưới 5 tuổi đến lớp.

Trong đó, ưu tiên mở rộng quỹ đất đầu tư xây dựng trường mầm non và quỹ đất để xây dựng trường mầm non khi quy hoạch xây dựng đô thị. Xây dựng đủ phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh, đồ chơi và các công trình phụ trợ khác đáp ứng yêu cầu Phổ cập.

"Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, thực hiện các chế độ chính sách cho giáo viên mầm non thông qua việc gắn nội dung đào tạo giáo viên với đổi mới GDMN. Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với GVMN, khuyến khích địa phương có chính sách riêng hỗ trợ giáo viên; nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non...", bà Hương nêu thêm giải pháp.

Cơ sở vật chất trường mầm non tại huyện Việt Yên được quan tâm đầu tư.
Cơ sở vật chất trường mầm non tại huyện Việt Yên được quan tâm đầu tư.

Từ thực tiễn công tác quản lý, cô Cao Thị Vân - Hiệu trưởng trường Mầm non Quảng Minh (huyện Việt Yên, Bắc Giang) cho biết, những năm qua, Phổ cập GDMNTNT đã đạt và duy trì tốt.

Chính vì vậy việc nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong GDMN nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ em mầm non được tiếp cận giáo dục. Đồng thời, duy trì, nâng cao kết quả đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi.

Nói về giải pháp nâng cao chất lượng phổ cập GDMN, cô Cao Thị Vân cho rằng, cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên nhằm giữ vững tỷ lệ huy động tối đa trẻ em 5 tuổi đến trường để đạt 100%, chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ vào lớp 1.

Đồng thời, giữ vững kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi là thành quả của những năm qua và nâng cao trong những năm tiếp theo, theo hướng đổi mới.

Cô Cao Thị Vân cũng đề nghị, cần giảm tải một số thủ tục hành chính, hồ sơ sổ sách cho giáo viên. "Nên bỏ các quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sẽ giảm đáng kể những gánh nặng không cần thiết cho giáo viên. Bởi lâu nay, việc giáo viên phải chịu gánh nặng về sổ sách, chứng chỉ, điều kiện bổ sung quá nhiều khi cần đạt một tiêu chuẩn nào đó...", cô Vân bày tỏ.

Cô Vân cho rằng, việc giảm thủ tục hành chính giúp giáo viên đỡ mất nhiều thời gian và công sức vào việc bổ sung, hoàn thiện các chứng chỉ cho đủ điều kiện theo các quy định.

"Với giáo viên để làm tốt các môn học việc chính là học tập, đổi mới, sáng tạo nội dung, phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, cùng với việc giảm đến mức thấp nhất số lượng sổ sách thì bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là thiết thực để giáo viên tập trung nâng cao chất lượng, thực hiện đổi mới giáo dục hiệu quả.

Bên cạnh đó việc xây dựng chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi trong bối cảnh mới để đáp ứng yêu cầu phát triển GDMN trong bối cảnh mới nhằm phù hợp điều kiện về kinh tế, chính trị và sự phát triển của từng địa phương nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung...", cô Vân nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ