“Bóng” của quái kiệt Lê Nguyên Mạnh

“Bóng” của quái kiệt Lê Nguyên Mạnh

Tôi vẽ về tôi!

Với hàng loạt các tác phẩm ấn tượng, Lê Nguyên Mạnh giới thiệu tới người xem những góc nhìn mới mẻ, vui nhộn về nghệ thuật hầu bóng đương đại của Việt Nam. Tuy nhiên, qua các tác phẩm này người ta khó thấy đâu là hầu bóng, mà lại hiển hiện cái bóng của nghệ sĩ quái kiệt từng làm mưa làm gió trong các buổi trình diễn đường phố.

Các tác phẩm của Lê Nguyên Mạnh theo lối siêu thực đồng hiện, cái có cái không đan xen, cái thật cái ảo hòa quyện. Đó là một thế giới được lược bớt những thứ thừa thãi và thêm thắt vào những thứ đang thiếu. 

Trong một số tác phẩm, kể cả khi trình diễn Lê Nguyên Mạnh luôn gắn liền với cá. Anh ngậm cá vào mồm, mặt ngơ ngác với nước da quét sơn trắng bệch, đôi chỗ bong tróc như một thông điệp nhắc nhở người xem đừng quên môi trường sống.

“Bóng” của quái kiệt Lê Nguyên Mạnh ảnh 1
Họa sĩ Lê Nguyên Mạnh là người tiên phong trong lĩnh vực trình diễn nghệ thuật.

Riêng 12 tác phẩm mang âm hưởng của Bóng được Lê Nguyên Mạnh phác thảo lại từ màn trình diễn "Đồng Cu" do anh cùng nghệ sĩ Lê Anh Hoài và Nguyễn Hồng Phương từng trình diễn. 

Trong một khu vườn ở ven Hồ Tây do một nhóm nghệ sĩ trẻ ưa thích tìm tòi và phá cách lập ra, Lê Nguyên Mạnh vẽ lên người rồi nhập vào các giá ông Hoàng Mười, Cô Bé… say sưa với nhạc chầu văn, pha nhạc Richard Clayderman, dance vũ trường. Họ nhảy đồng, đọc thơ, múa gươm và dùng súng bắn nước vào khán giả.

Nghệ thuật hầu đồng từng được nhiều họa sĩ khai thác, nhưng Lê Nguyên Mạnh lại đi theo lối riêng với góc nhìn hài hước, đôi khi quái dị. Điều đó khiến người xem sởn gai ốc nhưng các màn trình diễn của anh luôn mang thông điệp và ý nghĩa sâu sắc với đời sống nhân sinh.

"Bản thân tôi từng đi dự hầu bóng ở nhiều đền phủ. Tôi cũng tham dự nhiều buổi trình diễn về hầu đồng. Ẩn sâu trong diễn xướng tâm linh là cả một bầu trời nghệ thuật. Đó là chất liệu để tôi vẽ Bóng, và các nhân vật Bóng trong những bức tranh chẳng ai khác chính là tôi. Tôi vẽ về tôi", họa sĩ Lê Nguyên Mạnh bật mí.

Thông điệp rõ ràng từ những mà trình diễn quái dị

“Bóng” của quái kiệt Lê Nguyên Mạnh ảnh 2
Tác phẩm trình diễn của Lê Nguyên Mạnh bao giờ cũng kỳ dị nhưng mang thông điệp rõ ràng.

Bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 2000, đến nay Lê Nguyễn Mạnh đã có tới 20 triển lãm chung và riêng, như "Khói và nước", "Tôi hòa tan" cùng các dự án nghệ thuật đương đại như Luồn lách, Ra đường, Vào chợ, Ngẫu hứng múa, Trí tuệ rác... Anh được coi là một họa sĩ trẻ có ấn tượng, được giới nghệ thuật quan tâm đặc biệt.

Cách đây hơn chục năm, Lê Nguyên Mạnh đã làm trình diễn và là một trong những nghệ sĩ ít ỏi thực hành thứ nghệ thuật rất xa lạ với công chúng. Nhiều người đến giờ vẫn còn e sợ khi nhắc lại cuộc trình diễn mang tên "Dễ vỡ" với hành động uống nước có mảnh thủy tinh vào năm 2003.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng kể rằng: Cả những người cứng vía nhất cũng phải run rẩy. Tác phẩm đầu tiên Mạnh thực hiện là đổ một cốc nước xuống đất và đập vỡ cốc thủy tinh. Sau đó, anh lấy khăn mặt thấm xuống và vắt vào mồm, uống cả nước cùng thủy tinh vỡ.

Đó là thời Lê Nguyên Mạnh đang đi những bước đầu tiên trên đường nghệ thuật, song song với việc học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Đến nay, anh "biến hình" thành một quái kiệt trong giới hội họa trình diễn.

Năm 2007, anh sơn màu trắng kín người, ra đường dùng sơn trắng tô lại những vạch sơn chỉ báo giao thông bị mờ. Năm 2008, với phong cách quái dị ấy, anh ra đường với hai cuộn chỉ đỏ - trắng đến đâu thì cuốn vào các vật trên đường, biểu đạt thông điệp gắn kết.

“Bóng” của quái kiệt Lê Nguyên Mạnh ảnh 3
Các tác phẩm của Lê Nguyên Mạnh theo lối siêu thực đồng hiện. 

Lê Nguyên Mạnh cũng hóa thân màu da xanh như lá trong tác phẩm "Sự hủy diệt vô hình". Hình ảnh con người có lúc giao hòa với máy móc, có lúc lại vật lộn, chống chọi lại chúng. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam có tác phẩm sắp đặt trình diễn sử dụng những máy móc cơ khí lớn. 

Cũng theo mạch cảm hứng sống đương đại từ máy móc, tác phẩm "Thời đại công nghệ" do anh trình diễn với máy tính và bàn phím ngay tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam mặc các nghệ sĩ lớp trước chê bai.

Giới chuyên môn đánh giá trong lĩnh vực trình diễn nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, thì Lê Nguyên Mạnh là một nghệ sĩ tiên phong. Tiên phong bao giờ cũng chịu nhiều chỉ trích từ búa rìu dư luận, nhưng một quái kiệt như Lê Nguyên Mạnh có vẻ rất thích thú bị chê bai. 

Tuy anh không mang tâm niệm mình phải là người "khai sơn phá thạch" nhưng nghệ thuật là phải khai phá, đi những con đường chưa ai đi, giống tuyên ngôn sáng tác của nhà văn Nam Cao.

Cùng chủ đề trình diễn "hút" nhiều bàn tán, vào tháng 3/2019 Lê Nguyên Mạnh thực hiện tác phẩm "Trí tuệ rác". Kết hợp cùng hai nghệ sĩ khác, trong đó có một nghệ sĩ người Đan Mạch trình diễn bằng video art, người còn lại đội tivi nhảy múa giữa bãi rác hôi hám.

Tuy các tác phẩm trình diễn của Lê Nguyên Mạnh gây ấn tượng sâu sắc, mang thông điệp đẹp. Tuy nhiên không ít lời bàn tán chê bài, có người nói thẳng, cách Lê Nguyên Mạnh thực hiện thấy khổ sở, đáng thương quá và chỉ có tác dụng thu hút trí tò mò. Là họa sĩ cứ vẽ đẹp, bán tranh chạy là đáng nể, là hạnh phúc.

"Tôi không nghĩ đến việc giá bán tranh cao hay thấp, mặc dù tôi sống bằng nghề vẽ. Thực ra, tranh của tôi ẩn chứa nhiều khái niệm lẫn xung đột nên thị trường chưa quen. Nhưng cũng có khi... bán được. Có tiền, tôi sẽ ăn mặc "sành điệu", đi nhảy tưng bừng, vui vẻ và lại làm trình diễn, rồi tiếp tục phát triển cảm hứng đó đưa vào tranh. Nghệ thuật của tôi sẽ đi theo hướng đó", họa sĩ Lê Nguyên Mạnh khẳng định.

"Do tôi thích vui nhộn, hài hước nên muốn vẽ lại chính mình. Tôi cũng thích tập trung vào bản thân mình hơn là những ẩn ý vĩ mô của xã hội. Nhưng dù chỉ tập trung cao độ vào bản thân, vào các tác phẩm của mình, vào sự phát triển tâm linh, những tác phẩm của tôi vẫn mang đậm chất Việt" - Họa sĩ Lê Nguyên Mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.