Nghề giáo nhiều áp lực
Cụ thể, theo nghiên cứu, 73% giáo viên tiểu học và 87% giáo viên THCS - có số giờ làm việc cao hơn nhiều so với bác sĩ và lao động ở các ngành nghề khác.
Đặc biệt, giáo viên THCS - phải chịu trách nhiệm giám sát cả các hoạt động câu lạc bộ thể thao - có xu hướng bị quá tải; 15% trong số họ phải đến trường trước 7 giờ sáng và 22% ra về sau 9 giờ tối - theo nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Nâng cao tiêu chuẩn sống.
Luật Tiêu chuẩn Lao động của Nhật Bản quy định số giờ làm việc theo luật định là 40 giờ/tuần và 8 giờ/ngày. Trong nghiên cứu cho thấy không có giáo viên nào làm việc ít hơn 50 giờ/tuần.
Vào ngày 6/1, Bộ trưởng Giáo dục Hirokazu Matsuno công bố các biện pháp giảm số giờ làm việc quá dài của giáo viên, bao gồm 1 ngày nghỉ khỏi các hoạt động thể thao và thiết kế khoảng 20 “khu vực mẫu” tại Nhật Bản - những nơi sẽ thí điểm thực hiện các bước giảm tải cho giảo viên.
Sawako Yufu - Giảng viên Trường Đại học Waseda, người đã phân tích kết quả của nghiên cứu trên, cảnh báo rằng nếu tình trạng quá tải tiếp diễn sẽ bất lợi cho hệ thống giáo dục công lập.
“Giáo viên vì quá mệt mỏi do giờ làm việc kéo dài sẽ dần đánh mất sự nhiệt tâm giảng dạy. Họ phải hy sinh cuộc sống riêng tư và còn quá ít thời gian để trao đổi nâng cao nghiệp vụ, điều này cuối cùng sẽ dẫn tới suy giảm chất lượng giáo dục” - Sawako nhận xét.
Viện nghiên cứu phát phiếu tới khảo sát 2.835 giáo viên tiểu học và 1.700 giáo viên THCS đại diện cho nhiều vùng miền tại Nhật Bản trong tháng 12/2015. Họ nhận được phản hồi từ 1.903 giáo viên tiểu học, chiếm 67% và 1.094 giáo viên THCS, chiếm 64%.
Ngoài giờ làm việc kéo dài, 84% giáo viên tiểu học và 82% giáo viên THCS cho biết công việc nặng nề nhất của họ là trả lời các đòi hỏi và kêu ca từ phụ huynh học sinh và cộng đồng địa phương - theo nghiên cứu.
Một áp lực không kém căng thẳng khác đối với 83% giáo viên tiểu học và 80% giáo viên THCS là điền vào bảng câu hỏi của cơ quan quản lí giáo dục địa phương và trung ương.
Suy giảm sức khỏe tâm thần
Từ kết quả nghiên cứu trên có thể thấy, quá tải công việc có thể làm trầm trọng hơn sức khỏe tâm thần giáo viên - vấn đề đã được Bộ Giáo dục Nhật Bản nhìn nhận từ dăm năm trước.
Theo một cuộc khảo sát về giáo viên tại các trường tiểu học, THCS, THPT và một số trường đặc biệt ở Nhật do Bộ Giáo dục nước này vừa công bố năm 2013, hơn 5.200 giáo viên phổ thông ở Nhật Bản phải xin nghỉ phép trong năm học 2011 - 2012 do bị trầm cảm hoặc mắc một số bệnh tâm thần khác.
Kết quả khảo sát chỉ ra rằng trong 8.544 giáo viên nghỉ phép do bệnh, có tới 5.274 người mắc các bệnh tâm thần. Đây là năm thứ tư liên tiếp số giáo viên nghỉ phép do mắc bệnh tâm thần vượt hơn 5.000 và tăng gấp đôi so với trước đó một thập niên.
Cũng theo nghiên cứu này, giáo viên từ 40 tuổi trở lên căng thẳng do công việc quá tải, trong khi những đồng nghiệp của họ trong độ tuổi 20 - 30 lại lo lắng về cách tiếp xúc phụ huynh.