Quá khó tuyển dụng giáo viên tại Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Mặc dù có nhiều chính sách thu hút cũng như chủ động các giải pháp khắc phục, tuy nhiên việc tuyển dụng giáo viên ở ĐBSCL vẫn bế tắc.

Giáo viên Trường Tiểu học Long Hòa 2 (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) hướng dẫn học sinh lớp 1 xếp hàng.
Giáo viên Trường Tiểu học Long Hòa 2 (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) hướng dẫn học sinh lớp 1 xếp hàng.

Bế tắc nguồn tuyển

Thành phố Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) có tỷ lệ giáo viên lớn tuổi cao. Phòng GD&ĐT đã cho rà soát, thống kê lộ trình và tính toán để tham mưu UBND thành phố xin biên chế, tuyển dụng, nhưng đến nay vẫn bế tắc nguồn tuyển.

Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Trưởng phòng GD&ĐT TP Hồng Ngự cho biết: Những năm qua ngành Giáo dục đã chủ động ký phối hợp với Trường ĐH Đồng Tháp, đặt hàng tuyển dụng giáo viên theo nhu cầu địa phương, đồng thời tổ chức định hướng và phân luồng nghề nghiệp, tuyển học sinh theo học ngành sư phạm trên địa bàn. Tuy nhiên những giải pháp này chưa mang lại hiệu quả.

Tại tỉnh Hậu Giang, để tiếp tục đảm bảo đội ngũ giáo viên, nhân viên phục vụ năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tỉnh chủ động rà soát, thống kê nhu cầu thực tế của đơn vị, cần hợp đồng 427 giáo viên (trong đó, cấp mầm non là 218, tiểu học 105, THCS 92, THPT 12).

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cho hay:Thời gian qua, Hậu Giang có những chính sách đặc thù để thu hút, giữ chân giáo viên. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành chính sách thu hút giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mĩ thuật tại các trường công lập.

Theo đó, khi tuyển mới giáo viên hoặc giáo viên chuyển về tỉnh giảng dạy những môn này sẽ được hưởng 50 triệu đồng, cam kết làm việc tại Hậu Giang ít nhất 5 năm. Chính sách khá hấp dẫn nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Ngành mới tuyển được 23 giáo viên cho các môn học này.

Chia sẻ khó khăn trong tuyển dụng, bà Hằng cho biết: Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ chuẩn giáo viên cấp mầm non đến THCS tăng lên so với trước. Công tác đào tạo giáo viên sư phạm của trường chưa đáp ứng kịp nhu cầu các tỉnh thành, dẫn tới thiếu hụt nguồn giáo viên có đủ trình độ theo quy định. Ngoài ra, môn Tiếng Anh, Tin học bắt buộc từ lớp 3, Âm nhạc, Mỹ thuật là môn học mới đối với cấp THPT trong Chương trình GDPT 2018, nguồn dự tuyển thiếu. Nên càng dẫn tới việc tuyển không đủ chỉ tiêu theo kế hoạch.

Để đảm bảo giáo viên cho năm học mới, ông Nguyễn Văn Chi - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đề xuất các cấp lãnh đạo nghiên cứu tìm giải pháp hỗ trợ ngành Giáo dục giải bài toán thiếu giáo viên cục bộ. Các ngành liên quan cho phép tuyển dụng giáo viên cam kết thực hiện lộ trình nâng chuẩn theo quy định Bộ GD&ĐT, nếu không đạt thì chấm dứt hợp đồng.

“Các trường sư phạm tăng cường thu hút thí sinh, đào tạo nguồn cán bộ, giáo viên. Các ngành, các cấp nghiên cứu, có chế độ đặc thù cho ngành Giáo dục như thực hiện chế độ cử tuyển”, ông Chi nêu thêm đề xuất.

Giúp học sinh lớp 1 tự tin vào lớp.

Giúp học sinh lớp 1 tự tin vào lớp.

Linh hoạt giải pháp khắc phục

Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Trưởng phòng GD&ĐT TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Thành phố Hồng Ngự có 26 trường công lập, 1 trường tư thục, trong đó có 8 trường mầm non công lập, 1 trường mầm non tư thục, 11 trường tiểu học, 2 trường TH&THCS và 5 trường THCS với gần 17 nghìn học sinh.

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý chưa thật sự đồng bộ, còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Nhiều trường học thiếu giáo viên, nhân viên theo quy định nên ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng chuyên môn. Dù biên chế được giao là 895 giáo viên nhưng ngành Giáo dục thành phố mới sử dụng 825, còn thiếu 70 giáo viên.

“Năm học vừa qua, phòng Giáo dục đã tham mưu UBND thành phố tuyển dụng 2 đợt nhưng vẫn không đủ biên chế được giao do hồ sơ nộp vào không đủ tuyển. Bất cập bởi các địa phương tự chủ, cùng tuyển nên ứng viên nộp hồ sơ cùng lúc, xảy ra tình trạng ứng viên thi đậu cùng lúc nhiều địa phương, nhà trường. Lúc thông báo trúng tuyển thì ứng viên đã nhận công tác nơi khác”, bà Yến thông tin thêm.

Không riêng Đồng Tháp, tại quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ) tình trạng ứng viên sau khi trúng tuyển nhận nhiệm vụ nơi khác cũng xảy ra. Bà Nguyễn Kiều Phương - Phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ cho biết: “Trong nghị định, thông tư không có quy định ràng buộc vấn đề này, khi ứng viên có cơ hội hay vị trí tốt hơn họ sẽ sẵn sàng đi”.

Đặc thù địa phương giáp ranh vùng trung tâm nên thực trạng trên xảy ra. Năm học vừa qua, khi thông báo kết quả tuyển dụng tại địa phương có hơn 1/3 ứng viên là giáo viên tiểu học thông tin đã nhận nhiệm vụ nơi khác. Chia sẻ giải pháp khắc phục, bà Phương lưu ý: “Khi xây dựng kế hoạch tuyển dụng hằng năm, ngoài điều kiện trình độ, văn bằng, chứng chỉ thì với điều kiện điểm thi sát hạch phải chủ động xây dựng điểm chuẩn quy định tối thiểu để linh hoạt sử dụng kết quả của ứng viên thay thế từ trên xuống dưới”.

Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Trưởng phòng GD&ĐT TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Đặt hàng trong tuyển dụng giáo viên mới phải gắn với nhu cầu con người của địa phương thì họ mới trở về và cống hiến”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.