Đồng bộ các giải pháp
Theo bà Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình), thực trạng thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong đó, một số bộ môn như: Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang thiếu giáo viên trầm trọng ở một số nơi.
Thực tế cho thấy, sau khi Bộ Chính trị có quyết định bổ sung gần 66.000 giáo viên cho giai đoạn 2022 – 2026, nhiều địa phương đã tích cực triển khai và có kế hoạch tuyển dụng giáo viên theo nhu cầu.
Song việc này còn gặp nhiều khó khăn do một số bộ môn còn thiếu nguồn tuyển, có địa phương thông báo tuyển dụng nhưng không có người ứng tuyển.
Từ thực trạng nêu trên, bà Đặng Bích Ngọc cho rằng, cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên, nhất là đối với vùng khó.
Qua giám sát bà Hồ Thị Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) nhận thấy, tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, có nơi thiếu đến hàng nghìn giáo viên.
Theo bà Hồ Thị Minh, tình trạng này cần được giải quyết bằng những phương án, giải pháp mang tính căn cơ và dài hơi. Trước mắt, cần bố trí, sắp xếp giáo viên đứng lớp theo tinh thần “ở đâu có học sinh, ở đó có lớp học” và phải có đủ giáo viên để dạy học.
Đồng thời, rà soát lại quy định phân cấp, phân quyền quản lý giáo viên. Nếu cần có thể điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị đề nghị, Hội đồng nhân dân các cấp cần giám sát chặt chẽ vấn đề thừa, thiếu giáo viên ở địa phương. Trên cơ sở đó, có ý kiến đề xuất với cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp để giảm điểm trường, số trường.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, bà Bố Thị Xuân Linh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) đề nghị, Chính phủ cần có phương án bổ sung nguồn giáo viên còn thiếu so với định mức.
Bộ GD&ĐT tiếp tục phối với Bộ Nội vụ giao chỉ tiêu biên chế, có phương án tuyển dụng bổ sung giáo viên còn thiếu, bảo đảm đủ giáo viên dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.
Bà Bố Thị Xuân Linh cũng đề nghị, Bộ Nội vụ xem xét, sửa đổi tăng định mức giáo viên tiếng Anh cho cấp tiểu học, THCS, THPT cho phù hợp. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ, sửa đổi, bổ sung định mức quy định chuẩn về diện tích phòng học và số học sinh/lớp học phù hợp theo vùng miền.
Cần giám sát chặt chẽ vấn đề thừa, thiếu giáo viên ở địa phương. |
Quan tâm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông công lập, Bộ Nội vụ đã căn cứ quy định của pháp luật về viên chức, việc tuyển dụng giáo viên.
Cụ thể, về căn cứ tuyển dụng, theo quy định tại Điều 20 Luật Viên chức và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Về thẩm quyền tuyển dụng, Bộ Nội vụ cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Viên chức năm 2010, Điều 7 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP: đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ), việc tuyển dụng viên chức do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thực hiện, chịu trách nhiệm về quyết định của mình;
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ), việc tuyển dụng viên chức do cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện.
Đối với giáo viên tiểu học, giáo viên THCS do số lượng giáo viên cần tuyển hàng năm của các huyện trong cùng một tỉnh, thành phố không nhiều và do địa phương chưa chủ động tổ chức xây dựng kế hoạch tuyển dụng nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên cục bộ tại một số trường.
Một số đơn vị đã thực hiện ký hợp đồng lao động để làm công tác giảng dạy không đúng quy định của Luật Viên chức; nhiều trường hợp ký hợp đồng lao động nhiều năm dẫn đến vi phạm pháp luật;
Đặc biệt khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, dừng việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp công lập phát sinh những bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động như tại một số địa phương trong thời gian vừa qua.
Phát biểu tại buổi giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT cùng các bộ liên quan rà soát, đánh giá toàn diện về cơ cấu, thực trạng, nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên trong thời gian tới và đề xuất giải pháp.
Đặc biệt, quan tâm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, khó khăn trong tuyển dụng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học tích hợp, các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ Nội vụ kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát các địa phương về các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chính sách tiền lương của đội ngũ giáo viên. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề giáo (nếu có).