Qua bộ phim "Đi tìm Phong": Nhiều phụ huynh còn mơ hồ về LGBT

GD&TĐ - Trong mấy tuần qua, bộ phim tài liệu “Đi tìm Phong” kể về hành trình chuyển giới của một họa sĩ trẻ đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với bà Trần Phương Thảo, đạo diễn của bộ phim xung quanh những nội dung mà bộ phim đề cập và muốn chuyển tải thông điệp.  

Lê Ánh Phong xinh tươi và hạnh phúc
Lê Ánh Phong xinh tươi và hạnh phúc

Đạo diễn Trần Phương Thảo và chàng trai Lê Quốc Phong đã gặp và cùng tìm thấy cô gái Lê Ánh Phong như thế nào?

-Phim tài liệu đã đưa tôi đến với Phong. Nhà sản xuất chính của phim là một người Mỹ sinh sống tại Việt Nam. Anh từng xem các phim tài liệu “Giấc mơ là công nhân”, “Trong hay ngoài tay em”…mà tôi và ê kíp làm trước đó. Anh quen biết Phong và đã nghe em thổ lộ mong muốn chuyển giới để tìm đúng cơ thể của mình. Cảm động bởi câu chuyện của Phong và muốn giúp đỡ em ấy đồng thời là nhà sản xuất phim và mê điện ảnh, anh đã giới thiệu chúng tôi với nhau.

Lần đầu gặp, Phong vừa tốt nghiệp và đi làm được một năm tại Nhà hát Múa rối Thăng Long, với tư cách là họa sĩ. Khi ấy Phong 24 tuổi, nhưng trông em như một chàng thiếu niên 16, 17 tuổi, mặc áo phông trắng rộng lùng thùng, quần bò, dép lê trắng. Gương mặt dễ mến, nhưng trông em có vẻ lúng túng che đậy cơ thể của mình. Khi nói về bản thân, về nỗi cô đơn, về chuyện không được yêu như mọi nam thanh nữ tú khác, mồ hôi hai tay em đầm đìa… Tôi cảm nhận rất rõ sự khổ sở và đặc biệt là cảm giác cô đơn ở Phong.

Chuyển giới là đề tài nhạy cảm và có phải là thách thức với thể loại phim tư liệu không, thưa chị?

-Chúng tôi hiểu là nếu chấp nhận làm phim với Phong, chúng tôi sẽ không chỉ là những người làm phim, mà còn là những người anh, người chị có trách nhiệm khuyên bảo, lắng nghe và bảo vệ em.

Lúc đầu, cảm giác trách nhiệm này khiến chúng tôi rất sợ, suýt từ chối đảm nhận bộ phim.

Tuy nhiên, khi trao đổi kĩ với nhà sản xuất, anh đã thuyết phục chúng tôi rằng, thông qua trải nghiệm đặc biệt và rất cá nhân này của Phong, bộ phim sẽ hé lộ cho chúng ta vô số chủ đề khác của xã hội mà truyền thông Việt Nam đang phải đối diện với những thay đổi rất nhanh về giới, tính dục và gia đình.

“Đi tìm Phong” diễn ra như thế nào trong đời thường và trong phim?

-Chúng tôi bàn bạc và quyết định đưa cho em một máy quay nhỏ, có gắn micro định hướng, để em chủ động ghi lại những tâm tư, suy ngẫm, trạng thái tâm lý và cảm xúc buồn, lo, sợ hãi... dưới dạng nhật kí video. Phong đồng ý ngay bởi bản thân em đang mong muốn lưu lại tư liệu về quá trình chuyển đổi này, để sau này - như em nói - khi về già nhìn lại còn biết mình từng là một chàng trai như thế nào.

Hàng tuần, Phong chuyển thẻ nhớ để chúng tôi xem. Chúng tôi làm quen với em, môi trường làm việc, nếp sinh hoạt và hiểu đời sống nội tâm của Phong qua những thước phim nhật kí đó. Cái máy quay nhỏ trong nhiều tình huống là người bạn tâm giao của Phong. Những đoạn độc thoại đầy nước mắt mà Phong dành cho má đã sớm cho chúng tôi hiểu gia đình sẽ là một phần quan trọng trong phim.

Qua 6 tháng sử dụng hoóc môn nữ và hoóc môn giảm tiết tố nam, khi cơ thể có biến đổi rõ rệt nét thanh nữ, Phong cảm thấy hạnh phúc, phấn khích và muốn được sống trọn khoảnh khắc luôn mong chờ. Được mặc váy ra ngoài, trang điểm nhẹ mà không bị ai đàm tiếu, cảm thấy mình có sức quyến rũ với nam giới... Chiếc máy quay không được Phong sử dụng thường xuyên nữa. Tôn trọng Phong, một cách nhẹ nhàng, chúng tôi phải kiềm chế sự nóng ruột của mình.

Giai đoạn là nữ, em trao toàn quyền cho chúng tôi quay. Các phần nhật kí gần như không còn nữa. Ê kíp quay hai người, một hình ảnh, một thu thanh. Sau nhiều tháng đi lại, chúng tôi cũng đã thành một phần trong cuộc sống của Phong, cũng như các nhóm LGBT (Cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới) luôn có mặt lắng nghe em, như các đồng nghiệp, các bạn nữ hàng xóm ở khu trọ, hay em Béo cắt tóc gần nhà….

Trong cách làm phim của chúng tôi, thời gian, khả năng lắng nghe và những cuộc trò chuyện tin cậy với các nhân vật là một trong những kĩ năng quan trọng góp phần cho thành công của phim.

Dù không đưa vào phim nhưng việc phỏng vấn Phong hàng tháng để em kể chuyện, chia sẻ những thay đổi của bản thân, nhờ đó chúng tôi hiểu nhau hơn và đưa ra những bổ sung, điều chỉnh cần thiết.

Đạo diễn Trần Phương Thảo
  • Đạo diễn Trần Phương Thảo

Tại sao chị giữ “Đi tìm Phong” với khán giả trong nước lâu thế khi mà bộ phim đã có 4 năm chu du khắp các LHP quốc tế và giành được 5 giải thưởng?

- Cách đây 4 năm, may có “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, dài 90 phút, được chiếu ở rạp, lại còn thu hút khán giả là các bạn trẻ…. nên người làm chuyên môn như chúng tôi thấy le lói một tín hiệu vui. Cơ hội ít, nên khi phim được một số liên hoan phim quốc tế uy tín nhận tranh giải thì chúng tôi chọn đi đường vòng.

Trong hai tuần bộ phim ra rạp ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Phong và tôi hào hứng đến các rạp để ngắm và giao lưu với khán giả …. Tôi hài lòng vì “Đi tìm Phong” kết thúc tại quê nhà thế này là quá trọn vẹn. 6 năm, kể từ khi chuẩn bị phẫu thuật, thời gian cũng đủ độ lùi Phong được sống và thích ứng cuộc đời của phụ nữ. Giờ đây em hoàn toàn có thể xem trọn vẹn bộ phim trong rạp cùng khan giả mà không phải che mặt. Hai chị em, đạo diễn và nhân vật, có thể giao lưu thẳng thắn với khán giả mà không sợ vô tình gây tổn thương cho nhau, không phải gồng lên chứng tỏ bất cứ điều gì, hay sự đánh giá quyết định chuyển giới là đúng hay không?

Trong các buổi giao lưu giữa chị, Lê Ánh Phong với khán giả, họ quan tâm đến diều gì?

- Tại buổi ở rạp Galaxy ( TP Hồ Chí Minh), anh trai và chị gái cả của Phong đã từ Quảng Ngãi vào xem phim cùng em gái mình. Đây cũng là lần đầu tiên Phong xem trọn cả bộ phim mà không bật khóc ở các phân cảnh nhắc tới má trong phim... Hơn 200 khán giả cười rần rật trong buổi chiếu đã giúp chúng tôi vững tâm lắm. Vậy là ổn rồi, khán giả đã yêu phim nghĩa là họ đã hoặc sẽ yêu mến Phong. Các câu hỏi của khán giả tập trung xoay quanh sự chấp nhận của gia đình và cuộc sống lứa đôi của Phong sau khi chuyển giới.

Đi xem phim và cũng là đi xem sự tiếp nhận của khán giả, sự tương tác có được ở rạp đã giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn. Đấy là cảm nhận của tôi, không phải trong vị trí một đạo điễn, mà ở vị trí một người mẹ của cô con gái 10 tuổi.

Xin cảm ơn đạo diễn!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ