“Đi tìm Phong”: Góc nhìn đa chiều về người chuyển giới

GD&TĐ - “Đi tìm Phong” (Finding Phong) - bộ phim tài liệu kể về hành trình chuyển giới của Lê Quốc Phong, chàng trai 24 tuổi sinh ra tại thành phố Quảng Ngãi, sống và làm việc tại Hà Nội. Câu chuyện của Phong mang tính phổ quát trong cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới) khi họ phải theo đuổi bản ngã và dũng cảm quyết định “lột xác” để thay đổi cuộc đời mình.

Đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh (thứ hai từ trái sang) trong buổi chiếu ra mắt phim “Đi tìm Phong”
Đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh (thứ hai từ trái sang) trong buổi chiếu ra mắt phim “Đi tìm Phong”

Phim tài liệu trụ rạp

Chắt lọc từ hơn 200 giờ quay rồi cô đọng lại trong 92 phút, bộ phim tài liệu “Đi tìm Phong” của đạo diễn Trần Phương Thảo đã thu hút khán giả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội trong hơn 10 ngày qua. Theo chân chàng trai “luôn biết mình là phụ nữ” Lê Quốc Phong trên hành trình tìm kiếm và thay đổi bản thân để trở thành cô gái Lê Ánh Phong đúng như khao khát, khán giả và người yêu điện ảnh được trải nghiệm đầy đủ cung bậc cảm xúc và có cái nhìn đồng cảm, gần gũi hơn về một góc khuất trong đời sống.

Phong – nhân vật chính đã vô cùng đau khổ khi phải sống cảnh “thân sâu hồn bướm”, nặng trĩu buồn tủi, đắng cay khi không được là chính mình. Cuộc đấu tranh nội tâm đầy khắc khoải, sự ngăn trở từ phía gia đình... tất cả đều được ghi lại chân thực dưới dạng nhật ký thường nhật. Ở nhiều góc độ, nhân vật chính đã được đạo diễn hướng dẫn sử dụng máy quay tự ghi lại từng thước phim.

Trong cuộc lột xác đầy gian truân, đau đớn và những thử thách, giằng xé trong nội tâm của nhân vật chính, người xem không chỉ cảm nhận được những tâm sự buồn đẫm nước mắt mà còn hiểu được những day dứt, tâm trạng mâu thuẫn của người chuyển giới. Họ vừa muốn giải phóng kiếp sống “thân sâu hồn bướm” để tìm thấy cuộc đời khác cho mình vừa dằn vặt, mặc cảm tội lỗi với gia đình, người thân, vừa sợ những định kiến dai dẳng của xã hội.

Ngay từ lúc 8 tuổi, Phong đã đau đáu với bản thân, với gia đình để dấn thân vào cuộc lột xác về mặt tâm hồn và thể xác. Ngay cả khi đã tốt nghiệp ĐH Sân khấu Điện ảnh, có công việc ổn định tại một nhà hát, Phong vẫn luôn vật lộn tìm con đường trở thành người mà bản thân khao khát. Những câu hỏi Phong phải trả lời về một con người được xã hội chấp nhận và thừa nhận cũng chính là vấn đề nan giải mà những người muốn chuyển giới phải đối diện.

“Mong muốn của em khi hợp tác với đạo diễn Trần Phương Thảo làm bộ phim này là ghi lại chặng đường gian khó mà mình từng ngày vượt qua. Đó là con đường “một đi không trở lại”. Em luôn khao khát dù chỉ được sống một ngày, một năm cũng được miễn sao được sống đúng là chính mình, được là một cô gái…” – Lê Ánh Phong trải lòng.

Góc nhìn chân thật, đa diện

Lý giải vì sao “Đi tìm Phong” sau 4 năm chu du khắp nơi, tham gia hàng chục LHP quốc tế, mới ra mắt khán giả nước nhà, đạo diễn Trần Phương Thảo bộc bạch: Sinh đứa con tinh thần của mình ra ai chẳng muốn giới thiệu ngay với công chúng và mong muốn sản phẩm của mình có đời sống tinh thần độc lập, lan tỏa cảm xúc tích cực tới nhiều người.

Tuy nhiên, phim tài liệu dài ở Việt Nam khó ra rạp. Trong khi chưa tìm được nhà phát hành, chưa biết có thông qua được “thủ tục” phát hành không, chúng tôi may mắn được các LHP quốc tế mời tham gia, được yêu thích và trao giải. Hành trình tham gia các LHP quốc tế của “Đi tìm Phong” cứ nối tiếp đã giúp chúng tôi hiểu được thế giới quan tâm đến cái gì, họ làm gì và làm như thế nào.

“Khi được Galaxy phát hành và “Hãng phim Xanh” của diễn viên Hồng Ánh đồng hành, tôi tự tin hơn . Đạo diễn- Diễn viên Hồng Ánh từng có kinh nghiệm “bà đỡ mát tay” đưa phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” ra rạp nên hỗ trợ rất tích cực giúp “Đi tìm Phong” trụ rạp.

Không chỉ vượt số lượng khán giả mục tiêu mà còn thu hút đông đảo khán giả quan tâm, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực ngoài xã hội. Dù phim đã được đông đảo khán giả từ Á, sang Âu, Mỹ La tinh đón nhận nhưng với tôi những, buổi ra mắt phim tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn ý nghĩa nhất và đem lại cảm xúc sung sướng khó tả - Đạo diễn Trần Phương Thảo chia sẻ.

“Em đã thành công và giờ đây rất hạnh phúc. May mắn của em là được gia đình yêu thương, đùm bọc, được nhận sự hỗ trợ của nhiều người tốt. Có nhiều người trong giới của em đang mò mẫm trong bi kịch thân phận mà không tìm ra lối thoát. Em hy vọng nhờ ngôn ngữ điện ảnh, câu chuyện của em sẽ giúp được nhiều cảnh ngộ có thêm sự hiểu biết, thông tin hữu ích để quyết định lựa chọn tương lai cho mình. Em đã nhận được nhiều sự tin tưởng kết nối, được quan tâm, chia sẻ và trở thành động lực sống cho nhiều người khác...” – Lê Ánh Phong phấn chấn cho biết.

Sau các suất chiếu ở rạp, nhà sản xuất và phát hành dự định sẽ phối hợp đưa bộ phim đến các trường đại học và tổ chức những buổi chiếu, thảo luận nhóm về phim để thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của các tầng lớp xã hội.

“Đi tìm Phong” tham gia hàng chục LHP quốc tế và đã giành được nhiều giải thưởng: Giải thưởng lớn của BGK tại LHP quốc tế Jean Rouch 2015 (Paris, Pháp); Giải bình chọn khán giả tại Viet Film Fest 2016 (Los Angeles, Mỹ); Giải Phim hay nhất tại LHP dành cho giới thứ 3 LGBT International Film Festival 2016 (Thessaloniki, Hy Lạp); Grand Prix Tài liệu - Festival 2 Valenciennes 2017 (Valenciennes, Pháp); Giải Phim tài liệu hay nhất - Festival In&Out 2017 (Nice, Pháp).

- Tại Hà Nội, “Đi tìm Phong” đang được chiếu tại các rạp CGV Indochina Plaza Hà Nội, CGV Hồ Gươm Plaza, CGV Vincom Centrer Bà Triệu tới ngày 19/10.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.