Nỗ lực bước tới giảng đường đại học của chàng trai người Thái

GD&TĐ - Vừa hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT, chàng trai Lò Văn Lâm (Thường Xuân, Thanh Hóa) đã bắt xe vào Bình Dương xin làm công nhân thời vụ.

Lò Văn Lâm tranh thủ học bài trong khu ký túc xá.

Lò Văn Lâm tranh thủ học bài trong khu ký túc xá.

Dù hoàn cảnh khốn khó, thiếu tình thương của cha từ lúc lọt lòng, song Lâm chưa bao giờ từ bỏ việc học.

Ứng viên công nhân “thời vụ”

Kết thúc buổi học đầu tiên trên giảng đường đại học, chàng sinh viên 18 tuổi Lò Văn Lâm hào hứng trở về phòng ở ký túc xá. Trong lúc chờ cơm trưa, cậu tranh thủ đọc lại nội dung bài giảng được thầy cô truyền thụ.

Lâm tâm sự: “Ngày đầu tiên trở thành sinh viên, cảm giác của em vẫn còn khá bỡ ngỡ, song em rất vui vì được làm quen với nhiều bạn mới”. Kỳ này, Lâm đăng ký tổng cộng 11 tín chỉ, chưa tính các môn tiếng Anh và Giáo dục thể chất.

Chàng trai xứ Thanh là tân sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP HCM được sinh ra trong gia đình có hai anh em trai ở xã Xuân Chinh, huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa).

Từ lúc lọt lòng Lâm đã thiếu vắng hơi ấm của bố, mẹ của Lâm sau đó vì hoàn cảnh khốn khó cũng rời quê nhà vào Bình Dương làm công nhân. Lâm được một tay bà ngoại nuôi nấng, chăm bẵm từ thuở bé.

“Dù mẹ đi làm ăn xa, nhưng vẫn chu cấp tiền gửi về nuôi em học hành, tuy nhiên, vào những thời điểm khó khăn thì gần như một mình bà ngoại xoay xở. Tuy cuộc sống ở quê nhiều khó khăn thiếu thốn, song ngoại lúc nào cũng động viên em học hành”, nam sinh bộc bạch.

Thương ngoại vất vả, sau khi học xong tiểu học tại trường làng, Lâm xét tuyển vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Xuân Chinh (Thường Xuân), để giảm bớt chi phí học hành. Cậu học trò nỗ lực vượt khó và đã được chọn tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện, và từng đạt giải Khuyến khích môn Ngữ văn năm lớp 7.

Lên THPT dù việc học tập khó khăn hơn Lâm vẫn giữ vững thành tích học tập khi nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Đặc biệt, cậu học trò người dân tộc Thái còn xuất sắc đoạt giải Nhì môn Giáo dục công dân, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12.

Suy nghĩ đi đôi với hành động, sau khi hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT, chàng trai xứ Thanh đã tức tốc bắt xe khách vào Bình Dương xin làm công nhân thời vụ cho một công ty sản xuất linh kiện điện tử.

Hôm đi phỏng vấn, Lâm nhận được câu hỏi: “Có thức đêm được không? Có đứng liên tục trong nhiều giờ được không?...”. Dù có đôi chút áp lực, song nghĩ tới khoản thù lao có thể giúp trang trải được việc học hành sắp tới, Lâm nhanh nhảu gật đầu, thế là em được nhận vào làm.

Ngày đầu làm việc, anh “công nhân bất đắc dĩ” không khỏi choáng váng. Ngoài thức đêm, Lâm còn phải mặc trang phục kín mít và đứng liên tục suốt 12 tiếng mỗi ngày.

“Vì chưa quen thức đêm nên nhiều lúc mắt em cứng đơ, hai chân đứng liên tục trong nhiều giờ cũng trở nên bủn rủn rồi tê chồn không nhúc nhích nổi. Thế nhưng, nghĩ tới chặng đường đại học phía trước, em lại gắng gượng chịu đựng”, Lâm trải lòng.

Gần nửa tháng chăm chỉ cần mẫn với công việc thời vụ, Lâm rất phấn khởi khi lần đầu được nhận khoản thù lao gần 2 triệu đồng. Cầm khoản tiền trên tay, Lâm sẽ dành cho chi phí ăn ở khi nhập học.

Lâm bên bà ngoại và cậu em trai đang học lớp 10.

Lâm bên bà ngoại và cậu em trai đang học lớp 10.

Giải bài toán “chi phí học hành”

Hai hôm trước khi có lịch nhập học từ trường đại học, Lâm mới xin nghỉ công việc thời vụ. Dù có phần tiếc nuối, song không còn cách nào khác, bởi việc học là quan trọng nhất với Lâm lúc này.

“Gần 1 tháng làm công nhân không chỉ giúp em có thêm một khoản trang trải việc học hành, mà còn giúp em rèn luyện sức chịu đựng và tác phong làm việc. Đặc biệt, công việc thời vụ còn giúp em thấu hiểu sự vất vả của mẹ, biết trân quý và yêu thương mẹ nhiều hơn”, nam sinh bộc bạch.

Chàng sinh viên xứ Thanh nhẩm tính, khoản thù lao ít ỏi từ công việc thời vụ dành để đóng học phí. Rồi sau khi sắp xếp ổn định việc học hành, nơi ăn chốn ở Lâm sẽ tìm công việc bán thời gian như phục vụ tại quán ăn, nhà hàng để kiếm tiền, giảm bớt gánh nặng cho bà và mẹ.

Chia sẻ về mong ước của mình, Lâm tâm sự: “Em hy vọng được tiếp tục bước trên con đường học hành. Sau này có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cùng kinh nghiệm, em sẽ tìm được công việc phù hợp có thu nhập tốt.

Em luôn tâm niệm mình phải luôn cố gắng, phấn đấu trở thành một công dân tốt, sống có ích cho xã hội. Và, cũng hy vọng sau này có công việc ổn định để giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn như em, bởi em hiểu được cảm xúc và khát khao thường trực trong họ”.

Cô Phạm Thị Thanh Hà, giáo viên chủ nhiệm cũ của Lâm nhận xét: Lâm là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt của lớp 12E, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa. Do hoàn cảnh khó khăn nên em phải sống xa mẹ từ bé nhưng em luôn lạc quan và nỗ lực vươn lên. Với thầy cô và bạn bè, Lâm là tấm gương sáng về nghị lực và quyết tâm vượt khó.

“Điều đáng quý ở em đó là giàu lòng tự trọng. Dù cô giáo chủ nhiệm, các bạn trong lớp mong muốn được giúp đỡ, song em không ỷ lại, luôn muốn chia sẻ những sự quan tâm cho các bạn cũng có hoàn cảnh khó khăn như mình. Ý thức tự lập và chủ động của cậu học trò này rất cao, bằng chứng là ngay sau khi hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Lâm đã bắt xe vào tận miền Nam để tìm việc làm, chuẩn bị sớm cho hành trình học tập mới ngay trong thời gian chờ kết quả thi…”, cô Hà chia sẻ.

“Sự học là vô cùng quan trọng nên suốt 12 năm qua, em chưa bao giờ có ý định bỏ học, dù hoàn cảnh khốn khó đến thế nào đi nữa. Em luôn dặn mình, cứ cố gắng hết sức, nhất định sẽ tìm thấy cửa sáng!”, Lâm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Bánh dợm

GD&TĐ - Khi nhìn tới cái tên lạ lẫm 'bánh dợm', lần đầu được nghe cô bán hàng mô tả 'giống bánh giầy nhưng có thêm nhân', nó liền náo nức chọn.