Về đâu bia đá Hán Nôm?

GD&TĐ - Với những giá trị lịch sử, văn hóa, các bia đá Hán Nôm xứng đáng được sưu tầm, bảo tồn để làm cơ sở nghiên cứu cho các thế hệ sau này. Trên bia đá thể hiện khá trọn vẹn sự tài hoa về nghệ thuật, văn học, điêu khắc, mỹ thuật của các bậc tiền nhân…

Các bia Tiến sĩ Võ ở Võ Miếu – Huế
Các bia Tiến sĩ Võ ở Võ Miếu – Huế

Hỏi đá xanh rêu?

Theo các nhà nghiên cứu sử học, ngôn ngữ học và xã hội học mà tiêu biểu là GS Phan Huy Lê, bia đá là hình thức lưu trữ dữ liệu, thư tịch cổ có tính chất lịch sử, văn học, bao hàm cả mục đích xưng tụng, tán tụng hay “tự phô trương”...

Có khi văn bia là một cuốn gia phả ngắn gọn khắc trên đá, của một gia tộc hay một triều đại phong kiến. Tính đến nay, ở Việt Nam, văn bia Hán Nôm có niên đại cổ xưa nhất là bia đá “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đại tràng bi văn” (ghi rõ năm 618 trước Công nguyên) ở Đông Sơn, Thanh Hóa.

Thủ đô Hà Nội, Thanh Hóa, cố đô Huế là ba địa phương còn lưu giữ khá nhiều bia đá Hán Nôm cổ xưa, bởi đây vốn là kinh đô của các triều đại nhà Lê, nhà Hồ, nhà Nguyễn… Nói riêng về Thừa Thiên - Huế, kinh đô thời phong kiến nhà Nguyễn, giá trị bia đá Hán Nôm cổ còn đến nay rất phong phú, đa dạng về lịch sử, văn hóa, văn học.

Các nhà nghiên cứu Huế như Hồ Tấn Phan, Phan Thuận An xếp chung tất cả các bia đá Hán Nôm có liên quan đến triều Nguyễn là bia “Cung đình” hay bia “Ngự chế”. Đấy là những bia đá khắc những bài văn (gồm cả văn, thơ, phú, ký...) do các vua Nguyễn sáng tác, hoặc do quan lại triều đình theo lệnh vua biên soạn và khắc dựng. Văn bia là một tài liệu, di sản Hán Nôm rất quý hiếm. Chưa bàn về giá trị văn chương, những tấm bia đá “vô tri” ấy vẫn là chứng nhân cho những giai đoạn lịch sử nước nhà.

Bia đá Ngự chế lăng Minh Mạng được phục chế hoàn chỉnh năm 2012
 Bia đá Ngự chế lăng Minh Mạng được phục chế hoàn chỉnh năm 2012

Tác phẩm văn học, nghệ thuật

Những tấm bia đá dựng ở Văn Miếu (Hà Nội, Huế, Trấn Biên, Lam Kinh) đều là những báu vật của quốc gia. Vào năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người thi đỗ Tiến sĩ từ khóa thi 1442 trở đi. Bia đá đặt tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi những người đỗ trong các kỳ thi tuyển Tiến sĩ triều Lê và Mạc.

Tấm bia Tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 và tấm cuối cùng được dựng vào năm 1780. Văn Miếu Hà Nội với 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi, là nguồn tư liệu phong phú phản ánh sinh động về việc tuyển dụng, đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam. 

Trên đường Nam tiến, các chúa Nguyễn cũng không quên việc xây dựng Văn Miếu tại thủ phủ và thay đổi vị trí qua ba địa điểm khác nhau: làng Triều Sơn, làng Lương Quán, làng Long Hồ (Thừa Thiên - Huế). Nhưng phải đến năm 1808, sau khi đã ổn định, vua Gia Long cùng triều đình mới quyết định chọn một ngọn đồi sát tả ngạn sông Hương, để xây Văn Miếu. Văn Miếu ở Huế được xây dựng mặt bằng hình vuông, xung quanh có thành bao bọc. Bắt đầu dựng bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Huế từ năm 1831 đến năm 1919 là năm có khoa thi Hội cuối cùng. Văn miếu Huế hiện có 32 tấm bia Tiến sĩ, dựng thành hai dãy đối diện nhau. Tất cả các tấm bia đều có rùa đội và làm bằng đá cẩm thạch.

Một bia đá cổ bị hư hỏng vừa được sưu tầm đưa về Bảo tàng Cung đình - Huế
Một bia đá cổ bị hư hỏng vừa được sưu tầm đưa về Bảo tàng Cung đình - Huế 

Bia tiến sĩ ở đây không cao lớn bằng bia ở Văn Miếu Hà Nội nhưng kiểu cách đều đặn hơn, dạng thức cũng mới hơn. Trên 32 tấm bia này khắc tên, tuổi, quê quán của 239 vị tiến sĩ đỗ đạt qua các kỳ thi Hội được tổ chức dưới thời Nguyễn. Tại Văn Miếu còn các tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi. Những bài ký được viết bằng chữ Hán với những cách viết khác nhau, khiến cho mỗi tấm bia trông đẹp như một tác phẩm thư pháp.

Những bài văn bia này do những danh nhân văn hóa, những nhà trí thức lớn biên soạn, nên đều là những tác phẩm văn học. Mỗi tấm bia còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của những nghệ nhân điêu khắc hàng đầu Việt Nam qua các thời kỳ.

Nhuốm màu thời gian

Dưới 13 đời vua Nguyễn, đáng chú ý nhất là các bia đá Hán Nôm được chế tác, dựng lên trong thời đế chế hưng thịnh. Nổi bật nhất là thời vua Minh Mạng (1820 - 1841), Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883). Vua Thiệu Trị đặc biệt thích làm văn bia, dù ông chỉ ở ngai vàng ngắn ngủi 7 năm, công trạng cũng không có gì nổi bật, nhưng lại có số lượng bia “ngự chế” nhiều nhất nước (14 bia). Vua Minh Mạng và Tự Đức xếp thứ hai, có 6 bia.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, để tôn vinh 20 cảnh đẹp trên đất Huế, năm 1845, vua Thiệu Trị đã sai khắc chùm thơ “Thần kinh nhị thập cảnh” vào bia đá, dựng lên tại 12 thắng cảnh, nằm rải rác trên các huyện của Thừa Thiên - Huế. 12 tấm bia đá đó nay chỉ còn 8 tấm. Hiện nay, phần lớn các bia đá cổ đang bị hư hỏng nặng, như bia “Bình Lĩnh Đăng Cao” (ở núi Ngự Bình), bia Tiến sĩ Võ ở Võ Thánh miếu, bia ở hành cung Thuận An, bia đá sông Phổ Lợi Hà. Các nội dung quan trọng về lịch sử, địa chí, văn hóa dần dần sẽ mất đi theo thời gian vì ngày càng ít có người đọc hiểu chữ Hán Nôm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Vẫn rất lúng túng mua điện mặt trời

GD&TĐ - Liên quan đến giá mua điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu dư thừa phát lên lưới, giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án.

Châu Âu đang vật lộn khắc phục hậu quả sau trận lũ lụt kinh hoàng

Hậu quả sau trận lũ lụt kinh hoàng

GD&TĐ -Lực lượng chức năng đang chạy đua để bảo vệ bờ sông và các tòa nhà khi nước lũ tàn phá khắp miền Trung châu Âu, bắt đầu dâng cao ở các khu vực mới.