Cách đây 50 năm, tại Đồi A Bia, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới đã diễn ra trận đánh lịch sử giữa quân đội Mỹ và quân dân ta, trực tiếp là Sư đoàn 324, quân và dân A Lưới đã làm nên lịch sử trận đánh Đồi A Bia - một trong những “trận đánh ác liệt nhất, khủng khiếp nhất và kinh hoàng nhất” đối với quân đội Mỹ và không ai khác chính họ đã gọi tên Đồi A Bia thành Đồi Thịt băm “Hamberger Hill”.
Để thực hiện âm mưu này, Mỹ đã cho trực thăng đưa 7 tiểu đoàn của Sư đoàn dù 101 Mỹ và 5 tiểu đoàn của Sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn nhảy xuống A Bia với quân số lên tới 7000 người.
Để tạo thế thắng cho Sư đoàn dù 101, Mỹ đã huy động, tung lên vùng A Bia một khối lượng khí giới khổng lồ, thực hiện 275 lần phi cơ ném xuống A Bia với 1.235 tấn bom các loại, trong đó có 125 tấn bom Napalm và bom hóa học; tổ chức 10 trận địa Pháo di động và cố định tập trung bắn vào A Bia hơn 30.000 quả đạn pháo các loại, chưa kể những trực thăng vũ trang yểm trợ… với mục tiêu đẩy hết dân và quân giải phóng ra khỏi A Lưới, đẩy hết sang Lào với chiến thuật thật cụ thể: “phá sạch, đốt sạch, giết sạch”.
Tiến công A Bia, Mỹ mong muốn tìm kiếm một chiến thắng để rút ra trong danh dự cho quân đội Mỹ ở chiến tranh Việt Nam. Chiến dịch tấn công A Bia của Mỹ mang tên “Tuyết rơi trên đỉnh núi Apache”
Các cụ chiến binh xúc động khi được trở lại chiến trường xưa |
Diễn ra trong vòng 9 ngày đêm (từ ngày 10/5 đến ngày 18/5/1969). Mỹ đã hình thành 5 tầng hỏa lực: tầng trên cao là máy bay B52 đến thả bom từng tọa độ, tầng hai là các loại phản lực bổ nhào, tầng ba là trực thăng vũ trang cơ động xăm xoi, tầng bốn là pháo binh mặt đất, tầng cuối cùng là hỏa lực bộ binh với những vũ khí hiện đại… Mỹ định biến đỉnh núi A Bia chỉ còn trắng xóa như tuyết rơi.
Nhưng với sự đánh trả quyết liệt, anh dũng kiên cường của Sư đoàn 324 và quân dân A Lưới, kết cuộc quân Mỹ đã bị thương vong 1.600 tên, bị tiêu diệt 11 Đại đội, thiệt hại nặng 5 Tiểu đoàn Mỹ và 2 Tiểu đoàn Ngụy, bị bắn rơi 37 máy bay (Phần nhiều là trực thăng chở quân đổ bộ), phá hủy 24 khẩu pháo, ta thu nhiều vũ khí đạn dược, buộc chúng phải tháo chạy; và Chiến dịch “Tuyết rơi trên đỉnh núi Apache” đã biến thành “Máu rơi trên đỉnh núi”. A Bia đã có một tên gọi mới do báo chí Mỹ đặt “Đồi Thịt Băm của lính dù Mỹ” (Hamburger Hill).
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế tặng hoa chúc mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng A Bia |
Chiến thắng A Bia đã giúp Quân dân ta tiếp tục củng cố và giữ vững được căn cứ địa kháng chiến ở miền Tây Trị Thiên, giữ vững được tuyến chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam và hành lang chiến lược nối nước bạn Lào.
Từ trong máu lửa của cuộc kháng chiến vĩ đại ấy, những tên đất, tên người như: A Sầu, A Lưới, A Bia; Anh hùng Hồ Vai, Kăn Lịch, Kăn Đơn, A Nun, Hồ Dục… đã đi vào lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch huyện A Lưới nhấn mạnh: Chiến tranh đã lùi xa nhưng những mất mát, hy sinh vẫn còn đó. Nhìn lại cuộc chiến không phải để khắc sâu thêm nỗi đau chiến tranh mà để thấy được một phần của lịch sử, để các thế hệ mãi về sau này, dù trong điều kiện thuận lợi hay khó khăn đều phải thấm thía: Độc lập, chủ quyền đất nước là tối thượng.
Nhắc lại trận đánh A Bia là để nhìn lại quá khứ, nhìn lại lịch sử một cách đầy đủ, toàn diện và khách quan, để hiểu rõ hơn về trận đánh hết sức khốc liệt nhưng ý nghĩa, tác động cũng rất mạnh mẽ này, với hy vọng chiến thắng A Bia sẽ được trả về đúng vị trí của nó không chỉ trong sử sách, mà cả trong nhận thức của nhiều người.