Thông thường, các loại pin cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính… thường được chế tạo từ các chất độc hại như than, chì-kẽm nên không thể hòa hợp với cơ thể con người, và càng khó phân hủy trong môi trường tự nhiên - nỗi ám ảnh lớn của các nhà hoạt động môi trường. Tuy nhiên, phát minh mới đây của nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) có thể giải quyết mối âu lo đó: Những cục pin có thể ăn được.
Trả lời phỏng vấn của báo giới hôm 14/1, Giáo sư Christopher Bettinger cho biết nhóm nghiên cứu đã tiến hành và thử nghiệm khả năng lưu trữ năng lượng của loại pin đặc biệt này. Dù vậy, hiện vẫn chưa có tình nguyện viên nào can đảm ăn thử loại pin mới này.
Cực dương của pin sinh học được làm từ chất melamin của loài mực biển |
Được biết, cực âm của pin được làm mangan oxit, còn cực dương được làm bằng chất melamin của mực biển - loài sinh vật có khả năng tự sản sinh ra điện trong một số trường hợp.
Các vật liệu dùng để tạo ra pin cũng hoàn toàn không nguy hại cho sức khỏe và có thể bị phân hủy bởi các vi sinh vật ở trong cơ thể con người.Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, loại pin sinh học này có thể sản sinh ra dòng điện 10 micro-ampe trong vòng từ 5 đến 24 giờ.
Việc phát triển loại pin tương thích sinh học sẽ giúp các nhà nghiên cứu tiến tới tạo ra thiết bị y tế hay thiết bị điện tử có thể tiêu hóa được.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng có thể ứng dụng loại pin sinh học này trong việc chữa chạy các bệnh thần kinh bằng cách lắp đặt chúng vào các thiết bị nong mạch, kích thích điện để tác động vào vỏ não.