Pickleball vào giảng đường

GD&TĐ - Nhiều trường ĐH đưa pickleball vào giảng dạy cho sinh viên. Đây là môn thể thao có sự kết hợp giữa quần vợt, cầu lông và bóng bàn, đang gây sốt.

Một buổi học pickleball của thầy - trò Trường ĐH Hoa Sen. Ảnh: NTCC
Một buổi học pickleball của thầy - trò Trường ĐH Hoa Sen. Ảnh: NTCC

Môn thể thao “siêu hot”

Trực tiếp trải nghiệm và học tập với bộ môn pickleball trong học kỳ hè 2024, Trần Phương Thảo - Trường ĐH Hoa Sen thích thú với bộ môn mới này. Nữ sinh cho biết, đây là môn thể thao dễ chơi và xả stress. Vì thế, dù đã kết thúc môn học nhưng Phương Thảo thường xuyên đi tập pickleball cùng các bạn và thầy, cô giáo.

“Em được biết, pickleball là môn thể thao phát triển nhanh nhất trên thế giới. Vì thế, các trường đại học đưa bộ môn này vào giảng dạy là phù hợp với xu thế”, Phương Thảo nhìn nhận.

Hiện, một số trường đại học đưa bộ môn “siêu hot” này vào chương trình học và rèn luyện cho sinh viên. Từ học kỳ hè, năm học 2024 - 2025, Trường ĐH Hoa Sen (TP Hồ Chí Minh) đưa pickleball vào học phần giáo dục thể chất. TS Nguyễn Thị Hiền Thanh - Giám đốc Trung tâm thể thao cho biết, khi mới mở lớp, có khoảng 200 sinh viên đăng ký học môn này. Điều đó cho thấy sức hút lớn của pickleball với giới trẻ.

Nhấn mạnh sự cần thiết đưa các môn thể thao mới vào chương trình giáo dục thể chất cho sinh viên, TS Nguyễn Thị Hiền Thanh nhìn nhận, ngoài rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, việc này còn giúp sinh viên tiếp cận với môn thể thao hiện đại, giải trí quốc tế. Để đón đầu xu thế về môn thể thao mới “du nhập” vào Việt Nam, các đơn vị liên quan của Trường ĐH Hoa Sen đều “vào cuộc”.

Trung tâm Thể thao phối hợp với Phòng Đào tạo đại học, Phòng Kiểm định - Đảm bảo chất lượng lập phiếu khảo sát nhu cầu của sinh viên, giảng viên và các huấn luyện viên thông qua bảng hỏi. Sau khi có kết quả khảo sát, giảng viên biên soạn đề cương môn học. Cùng đó, Trung tâm Thể thao cử các giảng viên tham gia khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn do Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh phối hợp với Liên Quần vợt - Pickleball tổ chức.

Theo TS Nguyễn Thị Hiền Thanh, Trường ĐH Hoa Sen đưa môn học pickleball vào giảng dạy trong học phần giáo dục thể chất bắt đầu học kỳ hè năm học 2024 - 2025 cho sinh viên K23 và tân sinh viên K24 trải nghiệm. Qua đó, tạo nên phong trào tập luyện môn thể thao mới trong tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên. Đặc biệt, pickleball phù hợp và thu hút nữ giới bởi không quá khó về kỹ thuật.

“Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy môn học này không lớn. Nhà trường đã nâng cấp sân cầu lông thành 4 sân trong nhà thi đấu, trụ lưới và bóng phục vụ cho công tác giảng dạy”, TS Nguyễn Thị Hiền Thanh thông tin.

Pickleball vao giang duong (1).jpg
Nhiều trường đại học đưa pickleball vào giảng dạy cho sinh viên. Ảnh: Internet

Xóa định kiến môn phụ

Lên kế hoạch đưa bộ pickleball vào giảng dạy và các hoạt động thể thao trong trường, PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM chia sẻ, môn thể thao này chính thức đưa vào giảng dạy đại trà cho sinh viên từ năm học 2025 – 2026, nhà trường đã hoàn thành quá trình phê duyệt môn học, chuẩn bị về cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình đào tạo. Tuy nhiên, từ năm học này, nhà trường đưa pickleball vào thi đấu ở đại hội thể thao của trường, các giải đấu của Đoàn Thanh niên và giải phong trào.

“Đưa pickleball vào giảng dạy được xuất phát từ khảo sát, nghiên cứu của Khoa Thể chất và Quốc phòng. Pickleball giúp người chơi linh hoạt trong phản xạ và nhanh nhạy vì liên tục di chuyển trên sân. Chính vì vậy, tập luyện pickleball giúp sinh viên tăng cường thể lực, đồng thời giảm stress và nâng cao tinh thần trong quá trình học tập”, PGS.TS Nguyễn Đức Trung nhận định và cho hay, toàn trường có khoảng 70% sinh viên nữ. Với đặc điểm sinh viên nữ chiếm phần lớn nên pickleball sẽ là một trong những lựa chọn phù hợp, vừa sức dành cho người học.

Không chỉ đưa pickleball vào chương trình giảng dạy giáo dục thể chất, Trường ĐH Thủy lợi (Hà Nội) còn dự định thành lập câu lạc bộ dành cho khối cán bộ, giảng viên, người lao động đang làm việc tại trường. ThS Vũ Văn Trung - Trưởng bộ môn Giáo dục thể chất cho hay, nhà trường muốn mang đến những bộ môn thể thao mới dành cho sinh viên học tập và trải nghiệm.

Pickleball là môn thể thao có xu hướng phát triển mạnh nhất trong nhiều năm qua. Ngoài ra, pickleball không đòi hỏi quá nhiều về kỹ thuật. Mọi người có thể vào sân chơi nên nó được mệnh danh môn “thể thao gia đình”. “Từ những lợi ích thiết thực của pickleball, chúng tôi đã xây dựng nội dung chương trình để đưa vào giảng dạy, giúp sinh viên Trường ĐH Thủy lợi có cơ hội trải nghiệm”, ThS Vũ Văn Trung chia sẻ.

Gắn bó hơn 35 năm với công tác giảng dạy giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, TS Nguyễn Thị Hiền Thanh nhấn mạnh, thể thao là môn năng khiếu, không thể “áp đặt”. Nên chăng các trường mạnh dạn đổi mới, đưa nhiều môn học cho sinh viên lựa chọn. Khi đó, các môn thể thao trong chương trình giáo dục thể chất sẽ thu hút sinh viên tập luyện.

“Đa số học sinh, sinh viên xem giáo dục thể chất là môn học “phụ” nên chỉ học cho qua môn, hoặc lấy chứng chỉ vì bị bắt buộc. Nhiều phụ huynh có thể đầu tư cho con học nhiều chứng chỉ, bằng cấp nhưng chưa quan tâm đầu tư nâng cao sức khỏe, cải thiện thể chất và thể trạng của trẻ”.

TS Nguyễn Thị Hiền Thanh nêu thực trạng và cho rằng, đó là những sai lầm cần sửa. Chính từ suy nghĩ môn phụ khiến giáo dục thể chất trở thành môn học “cho có”, nhàm chán, bó hẹp ở một số môn thể thao truyền thống, làm giảm sự thu hút, đam mê của người học.

Với xu hướng phát triển hiện đại, Giám đốc Trung tâm Thể thao Hoa Sen bày tỏ các trường cần mạnh dạn đổi mới, đưa nhiều môn thể dục thể thao cho học sinh, sinh viên lựa chọn, tạo hứng thú cho giới trẻ rèn luyện sức khỏe, phát triển toàn diện.

“Nên hiểu đơn giản về nội hàm của cụm từ ‘giáo dục thể chất’ là, chúng ta chỉ cần tham gia tập luyện bất kỳ môn thể thao nào và tạo thành thói quen tập luyện hằng ngày. Từ đó, cơ thể được vận động thường xuyên, giúp rèn luyện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Môn thể thao pickleball cũng không nằm ngoài mục tiêu này”, TS Nguyễn Thị Hiền Thanh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk kiểm tra việc sử dụng máy vi tính được tài trợ vào dạy học. Ảnh: Thành Tâm

Xóa 'dạy chay' cho học trò vùng khó

GD&TĐ - Những chiếc máy vi tính không chỉ xóa bỏ dạy học “chay”, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thông tin, khám phá công nghệ, cho học trò vùng khó khăn.

Một cuộc không kích của Israel vào Lebanon.

Mục tiêu của Israel

GD&TĐ - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vừa tuyên bố về mục tiêu cuối cùng của các cuộc không kích dữ dội vào lãnh thổ Lebanon trong những ngày qua.