Phút trải lòng của người thầy giữa những ngày học sinh nghỉ học

Phút trải lòng của người thầy giữa những ngày học sinh nghỉ học

Thèm nghe tiếng trống trường

Mỗi buổi tối thầy giáo Nguyễn Trần Tịnh vẫn miệt mài bên những trang giáo án, cẩn thận hệ thống lại kiến thức và chuẩn bị những phương pháp giảng dạy hiệu quả giúp các em học sinh tiếp thu bài học nhanh hơn trong giờ lên lớp học hằng ngày.

Thế nhưng kể từ khi dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, khiến các em học sinh phải nghỉ học, thì dường như người giáo viên trẻ ấy lại có phần bận bịu hơn, bởi những cuộc trao đổi qua điện thoại với phụ huynh, để nắm bắt tình hình học tập của các em học sinh trong trường.  

Thầy giáo trẻ Nguyễn Trần Tịnh: "Đôi lúc còn “thèm” được nghe tiếng trống báo hiệu giờ lên lớp mỗi ngày”
 Thầy giáo trẻ Nguyễn Trần Tịnh: "Đôi lúc còn “thèm” được nghe tiếng trống báo hiệu giờ lên lớp mỗi ngày”

Thầy giáo Nguyễn Trần Tịnh kể: “Ngay sau khi ra trường mình được phân công công tác và giảng dạy tại trường Tiểu học Thị trấn Quỹ Nhất thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Đây cũng là năm thứ hai mình đảm nhiệm vai trò là giáo viên chủ nhiệm các em học sinh khối lớp 4 trong trường. Hơn một tháng qua, chẳng được thấy học sinh tíu tít nô đùa, bản thân mình cũng hụt hẫng, bâng khuâng lắm. Đôi lúc còn “thèm” được nghe tiếng trống báo hiệu giờ lên lớp mỗi ngày”.

Nếu cộng cả thời gian nghỉ Tết với đợt nghỉ học phòng sự lây lan của dịch Covid - 19, thì các em học sinh có một quãng thời gian nghỉ khá dài, nên thầy Tịnh không giấu nổi sự băn khoăn: “Các kỳ nghỉ dài thường dẫn tới những xáo trộn nhất định trong việc tiếp thu kiến thức, nhất là ở lứa tuổi tiểu học. Thậm trí với những em có sức học yếu nếu không có sự kèm cặp tận tình, tỉ mỉ dễ dẫn tới việc các em bị tụt lại phía sau so với các bạn trong lớp”.

“Thế nhưng, mình cảm thấy may mắn là các em học sinh rất biết nghe lời. Nắm bắt thông tin từ phía phụ huynh thì phần lớn các em đều làm bài tập đầy đủ. Chỉ cần có sự hỗ trợ hiệu quả từ phía gia đình các em là thầy và trò đã chiến thắng được con Covid rồi”. – Thầy Tịnh cười.

Trò chuyện với PV, người thầy giáo ấy còn kể: “Có lần trao đổi với phụ huynh một em học sinh qua điện thoại, bỗng nghe thấy tiếng em hồn nhiên: Bao giờ thì được đi học hả thầy? Chính thời điểm đó mình cũng bối rối không biết trả lời thế nào. Thế nên mới thấy, chẳng phải chỉ riêng các thầy cô mới nhớ trường, nhớ lớp mà chính các em học sinh cũng nhớ lắm đấy”.

Nhớ cả lúc các con khóc

Có gần 3 năm gắn bó với Trường mầm non tư thục Việt Úc  (Q. Hà Đông, Tp Hà Nội) cô giáo Phạm Thị Lụa cười: “Trong muôn vàn nghề, nhiều khi cũng không hiểu tại sao mình lại chọn cái nghề mà mọi người hay nói vui là “sớm con muộn chồng”. Mỗi buổi sáng đón các con vào lớp, mình luôn ôm hoặc bắt tay các con thật chặt. Nên xa các con thì nhớ lắm, còn nhớ cả những bạn nào hay nói chuyện trong giờ ngủ trưa, bạn nào hay khóc vì nhớ mẹ nữa. Mỗi khi có chuyện vui, chuyện buồn các con hay bi bô kể cho cô nghe cùng. Nếu tình cờ gặp các con đi cùng bố mẹ trên phố thì cũng nhất định sẽ ôm cô cho bằng được. Đôi khi hạnh phúc của người nghề giáo đơn giản như thế”.

Cứ hơn 6h sáng, cô Lụa lại cùng các đồng nghiệp phải có mặt ở trường, vệ sinh trường lớp để đón các cô cậu trò nhỏ.Giờ học sẽ bắt đầu lúc 8h, nào hát, múa, kể chuyện  theo thời khóa biểu đã quy định. Sau đó, cho các con vệ sinh rửa tay, lau mặt, cho trẻ ăn, các con đi vệ sinh rồi cô cho các con ngủ. Buổi chiều lại quy trình cho trẻ dậy, sau đó ăn phụ, tổ chức các hoạt động chiều ôn luyện kiến thức, lao động, vui chơi cùng các con.

"Mong các bé luôn mạnh khỏe để ngày đi học trở lại, lại được ôm các bé vào lòng” - Cô giáo Phạm Thị Lụa
"Mong các bé luôn mạnh khỏe để ngày đi học trở lại, lại được ôm các bé vào lòng” - Cô giáo Phạm Thị Lụa

Cuối ngày, có thể có cháu được đón muộn do phụ huynh có việc bận đột xuất, cô lại là người cùng trẻ chờ bố mẹ, người thân đến đón. Việc đi sớm về muộn mỗi ngày cũng là chuyện thường xuyên với cô giáo mầm non. Cô giáo thật sự rất vất vả, cứ luôn chân luôn tay với các công việc và phải để ý liên tục đến các cháu, vì trẻ lứa tuổi mầm non rất hiếu động, dễ bị ngã xây xước chân tay.

Trường mầm non tư thục Việt Úc cũng đã tiến hành cho các em học sinh nghỉ từ nhiều ngày nay để phòng tránh dịch bệnh, việc dạy và học cũng vì thế mà gián đoạn khiến cuộc sống của không chỉ cô giáo trẻ Phạm Thị Lụa bị xáo trộn. Thế nhưng cô Lụa lạc quan rằng: “ Mình chỉ nghĩ đơn giản và coi đó là một trong những khó khăn của nghề mình đã chọn. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên chỉ mong các bé luôn mạnh khỏe để ngày đi học trở lại, lại được ôm các bé vào lòng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ