Phương thức Cách mạng trong công cuộc giải phóng miền Nam

Phương thức Cách mạng trong công cuộc giải phóng miền Nam

(GD&TĐ)-Cách đây 36 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng 30-4-1975 là một đỉnh cao của truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, là thắng lợi của tinh thần, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được kết tinh trong đường lối chiến tranh nhân dân sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết quả của hàng chục năm chiến đấu kiên cường của nhân dân hai miền Nam - Bắc, sự hi sinh cao cả của những anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mang đến thắng lợi cuối cùng: Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong đó, sự hình thành và phát triển về nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về phương thức cách mạng miền Nam qua từng thời kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Nha Trang
Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Nha Trang

Tháng 7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ đối với ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Chúng ta đã thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản của Hiệp định. Nhưng phía Pháp chỉ thực hiện một phần, còn nhiều điều khoản Hiệp định có liên quan đến trách nhiệm của họ chưa được thi hành. Pháp trút bỏ trách nhiệm thi hành những điều khoản còn lại của Hiệp định cho Mỹ-Diệm, người kế tục chúng ở miền Nam.

Trong khi đó, đế quốc Mỹ ra sức thực hiện ý đồ độc chiếm miền Nam Việt Nam, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài 2 miền Nam-Bắc, tiêu diệt phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam, biến miền Nam thành căn cứ quân sự, thành thuộc địa kiểu mới. Trước tình hình đó, Đảng đề ra các nghị quyết: Nghị quyết Trung ương 6 (tháng 7-1954), Nghị quyết của Bộ Chính trị (tháng 9-1954), Nghị quyết Trung ương 7 (tháng 3-1955), Nghị quyết Trung ương 8 (tháng 8-1955)... chỉ rõ kẻ thù của cách mạng miền Nam đã thay đổi từ thực dân Pháp và tay sai sang đế quốc Mỹ và tay sai.

Do vậy,  đuờng lối và phương pháp cách mạng miền Nam lúc này là: Đấu tranh chính trị là chủ yếu, tránh bộc lộ lực lượng để giữ gìn lực lượng cách mạng; xác định tính chất, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đấu tranh đòi Mỹ-Diệm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ. Trong quá trình diễn biến, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phát triển thành cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh giải phóng dân tộc chống cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, phối hợp với cuộc chiến đấu của nhân dân hai nước Lào và Campuchia...

Trong những năm 1955-1956, cách mạng miền Nam diễn ra dưới hình thức đấu tranh chính trị bằng phương pháp hòa bình, chứ không chủ trương đấu tranh vũ trang. Qua thực tiễn của phong trào cách mạng và với tầm nhìn chiến lược, tháng 8-1956, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã soạn thảo Đề cương cách mạng miền Nam. Đề cương chỉ rõ: Muốn chống Mỹ - Diệm, ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác. Về phương pháp cách mạng, đồng thời với các hình thức, phương pháp đấu tranh hòa bình, cách mạng miền Nam phải tích cực chuẩn bị và kết hợp với hình thức đấu tranh vũ trang: “Trong điều kiện có thể và cần thiết, việc tổ chức võ trang tự vệ vẫn có thể đặt ra để bảo vệ cơ sở, bảo tồn lực lượng”.

Đến tháng 1-1959, tại Hội nghị Ban Chấp hành (BCH) Trung ương lần thứ 15, Đảng quyết định một số vấn đề cách mạng Việt Nam, trong đó thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai cuộc cách mạng này có mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ với nhau. Miền Nam đã là thuộc địa kiểu mới, là căn cứ quân sự của Mỹ. Đảng chủ trương, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong thời kỳ này là giải phóng miền Nam khỏi ách áp bức của đế quốc, đánh đổ bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, giành độc lập, thành lập nên chính quyền liên hiệp dân tộc dân chủ ở miền Nam. Đồng thời, Đảng đề ra phương thức đấu tranh là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân với các hình thức và kết hợp giữa lực lượng quần chúng là chủ yếu với lực lượng vũ trang, phát triển từ khởi nghĩa vũ trang lên thành chiến tranh cách mạng.

Tháng 12-1963, tại Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương khóa III, từ phân tích so sánh lực lượng giữa ta và địch trong thời gian này, Đảng ta vạch rõ phương hướng phát triển của cách mạng miền Nam là “... tổng công kích, tổng khởi nghĩa sẽ là hướng phát triển tất yếu của cách mạng miền Nam để đạt tới toàn thắng”. Do đặc điểm của cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam, Đảng ta chủ trương: “Phương châm chiến lược chung của cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân miền Nam là chiến đấu lâu dài, dựa vào sức mình là chính; về phương châm đấu tranh thì kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang một cách linh hoạt tùy theo từng vùng và từng thời kỳ khác nhau, trong đó đấu tranh chính trị đóng một vai trò rất cơ bản và rất quyết định; đấu tranh vũ trang đóng vai trò quyết định trực tiếp.

Hội nghị còn nhấn mạnh, trong khi vận dụng phương châm chiến lược, cần phải thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo chiến lược và chiến thuật: tích cực, chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ các mặt. Để thực hiện nhiệm vụ chung trước mắt, Hội nghị đã vạch rõ những nhiệm vụ cụ thể mà ta phải ra sức thực hiện: Tác chiến để tiêu hao, tiêu diệt địch và làm tan rã từng bộ phận quân địch; phá ấp chiến lược, xây dựng làng chiến đấu; xây dựng lực lượng vũ trang; đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, tăng cường lực lượng chính trị và mở rộng Mặt trận Dân tộc giải phóng; tăng cường công tác binh vận; xây dựng căn cứ địa và tăng cường công tác kinh tế, tài chính; tiếp tục tăng cường việc tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và đoàn kết quốc tế; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

Từ năm 1964 đến đầu năm 1965, cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào miền Nam đã phát triển rất nhanh, thu được những thắng lợi ngày càng lớn, chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ ngày càng bị khủng hoảng và thất bại nghiêm trọng. Đế quốc Mỹ tìm mọi cách để giữ vững những vị trí chiến lược và lực lượng, từng bước tăng cường lực lượng chiến đấu của quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam để quyết giữ một số vùng chiến lược quan trọng, leo thang bằng Chiến tranh cục bộ. Trước tình hình đó, trong các cuộc hội nghị BCH Trung ương lần thứ 11 (tháng 3-1965) và 12 (tháng 12-1965), Đảng ta khẳng định: Mỹ giàu nhưng không mạnh, và tại chiến trường thì Mỹ đã bộc lộ những điểm yếu cơ bản là chúng tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, do đó Mỹ bị cô lập về chính trị; nội bộ trong chính quyền Mỹ có sự phân hóa, thiếu đi sự thống nhất, mặt khác Mỹ còn phải đối phó với cuộc tiến công của cách mạng của nhân dân tiến bộ ở khắp nơi trên thế giới...

Từ những phân tích đó, Đảng ta đưa ra kết luận: Ta có khả năng đánh thắng chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ. Mỹ có quyết tâm cao, song sự cố gắng của Mỹ có giới hạn và so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường cách mạng Việt Nam vẫn không thay đổi, ta vẫn tiếp tục phát huy thế tiến công trong cuộc cách mạng trên cả nước.

Từ đó, Đảng ta chỉ đạo nhiệm vụ của cách mạng miền Nam: Một là, giữ vững thế tiến công cách mạng và thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân; đoàn kết toàn diện để nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân để đánh Mỹ mọi lúc mọi nơi, làm cho chúng không thể trở tay.

Hai là, tiếp tục thế tiến công và phản công trên cơ sở kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, trong đó đấu tranh quân sự có tác dụng quyết định trực tiếp cho thắng lợi của cách mạng miền Nam. Do vậy, Đảng ta xác định phương châm đấu tranh là 2 chân, 3 mũi, 3 vùng; quân và dân miền Nam nêu cao khẩu hiệu: Kéo địch ra khỏi hang ổ mà đánh, chen vào giữa địch mà đánh, luồn sâu vào hậu phương của địch mà đánh…

Thực hiện sáng tạo chủ trương, đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng, quân và dân miền Nam, được sự chi viện đắc lực của miền Bắc, đã liên tiếp đánh thắng hai cuộc tiến công mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của địch và nhiều chiến thắng khác. Tháng 12-1967, Bộ Chính trị chủ trương chuyển cuộc chiến tranh miền Nam sang thời kỳ mới, thời kỳ tiến lên giành thắng lợi bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa giáng đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. 

Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 14 thông qua nghị quyết của Bộ Chính trị (tháng 1-1968) và xác định: Tiến công địch cả chính trị, quân sự và ngoại giao. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân và các cuộc tiến công tiếp theo trong năm 1968 gây tổn thất lớn cho Mỹ-Diệm, làm cho thế chiến lược của Mỹ bị đảo lộn nghiêm trọng; chiến lược Chiến tranh cục bộ bị phá sản hoàn toàn, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở cuộc đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, có sự tham gia của đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tháng 1-1970, tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 18, Đảng ta tập trung kiểm điểm sự phát triển của cục diện chiến tranh từ đầu Xuân Mậu Thân 1968 và đề ra chủ trương, nhiệm vụ, công tác mới nhằm đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ. Hội nghị đã vạch ra các phương châm chiến lược lớn trong giai đoạn mới của cách mạng miền Nam là: Đẩy mạnh tiến công toàn diện, kết hợp tiến công về quân sự, chính trị, ngoại giao; kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; kết hợp việc tiêu diệt địch với việc giành lấy và giữ vững quyền làm chủ của nhân dân; tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược; đánh lâu dài, trên cơ sở đó tranh thủ giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn.

Sau thất bại của cuộc không kích phá hoại miền Bắc và thất bại của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri (27-1-1973), nhưng sau đó vẫn ngoan cố, âm mưu kéo dài chiến tranh và chỉ đạo chính quyền Thiệu liên tiếp tổ chức nhiều cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng, không thi hành Hiệp định. Trước tình hình đó, BCH Trung ương Đảng khóa III tổ chức Hội nghị lần thứ 21 (2 đợt: 19-6 đến 6-7 và 1-10 đến 4-10-1973). Hội nghị kết luận: Thế và lực của cách mạng đã mạnh hơn địch, “Cách mạng miền Nam phải nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, ta phải kiên quyết phản công và tiến công địch, giữ vững và phát huy thế chủ động về mọi mặt”.

Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là: Tiếp tục thực hiện chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đoàn kết toàn dân, đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giai cấp tư sản mại bản và bọn địa chủ phong kiến, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đẩy lùi và thắng địch từng bước, đi đến xoá bỏ chính quyền tay sai của Mỹ, xoá bỏ chế độ thực dân mới, thiết lập một chính quyền dân tộc dân chủ thật sự, thực hiện một miền Nam Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, trung lập, phồn vinh, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà.

Trong tình hình mới, vận dụng phương châm đấu tranh phải gắn liền với yêu cầu giành dân, giành quyền làm chủ là nhằm giành thế mạnh để thắng địch. Hướng phản công và tiến công của ta hiện nay phải nhằm đánh bại kế hoạch bình định và lấn chiếm của địch, đặc biệt là vùng đồng bằng và vùng giáp ranh. Kết quả là, Đảng đã lãnh đạo cách mạng miền Nam cùng với cách mạng cả nước giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, tại Hội nghị Bộ Chính trị ngày 18-3-1975, Đảng ta nhận định, sự tan vỡ của ngụy quân, ngụy quyền là không thể cứu vãn được. Vì thế, phải chớp thời cơ và quyết giành thắng lợi hoàn toàn trước khi mùa mưa đến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn bộ máy chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại thắng mùa Xuân 1975 không chỉ kết thúc cuộc kháng chiến oanh liệt chống Mỹ cứu nước suốt 21 năm của dân tộc ta, mà còn chấm dứt sự thống trị của Chủ nghĩa thực dân cũ và Chủ nghĩa thực dân mới trên đất nước ta kéo dài 117 năm (1858-1975). Đó là thắng lợi vẻ vang của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi đó đã hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc Việt Nam, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.

Song Phú (Đất Mũi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ