Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 9/4 đã bình luận về những phản ứng của phương Tây gần đây liên quan đến việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus.
Trả lời cuộc phỏng vấn của truyền hình kênh 1 Nga, ông Peskov nói rằng, phương Tây đang thể hiện sự thiếu kiềm chế và đang thổi phồng các nội dung về vấn đề vũ khí hạt nhân.
Việc Moscow triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus là quyết định được Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định căn cứ theo những yêu cầu lặp đi lặp lại của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Theo ông Peskov, châu Âu đã thể hiện thái quá về kế hoạch của Nga mà quên đi rằng, chính châu Âu cũng đang là nơi Mỹ đặt các vũ khí hạt nhân nhằm gây áp lực đối với biên giới Nga.
"Tập thể phương Tây không có xu hướng nhắc lại chủ đề vũ khí hạt nhân của Mỹ, vốn có ở châu Âu, xung quanh biên giới Nga. Nhưng trong trường hợp này, họ có xu hướng phản ứng cuồng loạn đối với kế hoạch xây dựng cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật của chúng tôi ở lãnh thổ Belarus" - người phát ngôn Điện Kremlin bình luận.
Quyết định đưa vũ khí hạt nhân Nga đến Belarus được Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vào cuối tháng 3. Quyết định này được thúc đẩy sau khi Vương quốc Anh bày tỏ sẽ cung cấp cho Ukraine các vũ khí sử dụng uranium nghèo. Tổng thống Nga đã nói rằng, Nga duy trì quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân của mình và hành động này không khác nhiều so với những gì Mỹ đã thực hiện ở các nước đồng minh châu Âu.
Ông Putin nhớ lại: "Họ [Mỹ - ND] từ lâu đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các đồng minh. Chúng tôi đã đồng ý rằng sẽ làm điều tương tự họ mà không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của mình về không phổ biến vũ khí hạt nhân."
Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ được bố trí tại năm quốc gia NATO ở Châu Âu – Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu và xa hơn nữa, như một phần trong chiến lược răn đe của NATO. Số lượng và vị trí chính xác của số vũ khí này cũng được giữ bí mật. Theo Sputnik, có khoảng 100 quả bom B61 được cất giữ tại 5 quốc gia thành viên NATO nói trên.
Ví dụ, ở Đức, Căn cứ Không quân Buchel được cho là chứa khoảng 20 quả bom B61, trong khi Hà Lan được cho là cất giữ 10-20 quả bom B61 tại Căn cứ Không quân Volkel.
Lực lượng không quân Ý được giao khoảng 40 quả bom được triển khai tại Căn cứ không quân Aviano và Ghedi. Tại Bỉ, có tổng cộng 20 quả bom B61 được đồn trú tại Căn cứ Không quân Kleine Brogel.
Sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, các báo cáo đã xuất hiện về khả năng đưa Ba Lan vào chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO.
Vào tháng 10 năm 2022, Warsaw cho biết họ đã yêu cầu Mỹ đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda vào thời điểm đó đã lập luận rằng có "cơ hội tiềm năng" để Ba Lan tham gia "chia sẻ hạt nhân", trong đó quy định các phi công từ nước sở tại được huấn luyện để thực hiện các sứ mệnh mang bom hạt nhân của Mỹ được cất giữ trên lãnh thổ của họ.